DN phải tuyển ít nhất 1% người khuyết tật

Chiều nay, các ĐBQH đã thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Người khuyết tật. Nhìn chung, Dự thảo lần này đã có nhiều chỉnh lý, có nhiều quy phạm cụ thể hơn.

Ngày làm việc tại Trung tâm Bảo trợ người khuyết tật thanh niên VN (ICEVN) phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TP.HCM. Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đọc Báo cáo tiếp thu, giải trình và và chỉnh lý Dự thảo Luật Người khuyết tật, các đại biểu đã đưa ra những quan điểm tương đối khác nhau chủ yếu liên quan tới Hội đồng xác định mức độ khuyết tật và liên quan tới Quy định về các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng lao động là người khuyết tật. Dự thảo Luật quy định Hội đồng xác định mức độ khuyết tật bao gồm: Cán bộ xã, phường, thị trấn và một số cán bộ các đoàn thể xã hội, trong đó Chủ tịch UBND là Chủ tịch Hội đồng. Quy định này đã nhận được những luồng ý kiến khác nhau. Bà Lê Thị May, ĐBQH thành phố Hải Phòng: “Quy định về chức danh có duy nhất chức danh Chủ tịch thì vai trò chức danh sẽ khác. Nếu hội đồng làm việc theo nguyên tắc biểu quyết thì đồng chí Chủ tịch nghiêng về bên nào, thì bên đó có lợi”. Bà Võ Thị Dễ, ĐB tỉnh Long An: “Điều 15 đã đưa ra điều khoản để hạn chế khuyết điểm: Trong các trường hợp sau thì do Hội đồng y khoa giám định. Vì vậy, tôi ủng hộ Chủ tịch UBND xã thành lập Hội đồng”. Liên quan tới chính sách nhận người khuyết tật vào làm việc, phần lớn đại biểu đồng tình với phương án 2, là quy định bắt buộc các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải tuyển dụng ít nhất là 1% người khuyết tật vào làm việc. Nếu không tuyển đủ thì phải nộp 1 khoản tiền lương tương ứng với số còn thiếu vào Quỹ giải quyết việc làm cho người khuyết tật. Ngoài ra, các đại biểu cũng kiến nghị có chính sách ưu đãi cho những doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật. Vấn đề chăm sóc sức khỏe cũng đã được Dự thảo kỳ này quy định cụ thể và thuận lợi hơn cho người khuyết tật như: khám chữa bệnh ở nơi cư trú, nhưng một số đại biểu cũng góp ý thêm. Bà Bùi Thị Lệ Phi, ĐB thành phố Cần Thơ: “Luật nên quy định: Người khuyết tật có tỉ lệ 50% trở lên thì mới được khám định kỳ, chứ không thể tất cả, vì Trạm y tế sẽ không làm được vì nguồn nhận lực ít ỏi”. Bà Nguyễn Thị Hồng Hà, ĐB thành phố Hà Nội: “Đồng tình việc bổ sung: Chăm sóc tại nơi cư trú và sàng lọc thai nhi. Mặc dù phải thêm kinh phí, nhưng sẽ hạn chế được trẻ khuyết tật, hiệu quả xã hội lớn”. Một số đại biểu phàn nàn lộ trình cải tạo công trình công cộng đảm bảo điều kiện tiếp cận, sử dụng của người khuyết tật tới năm 2020 là quá chậm. Về thủ tục xác định mức khuyết tật, có ý kiến cho rằng: Nên giao cho xã lập danh sách, thẩm định và cấp giấy chứng nhận mức độ khuyết tật, vì đối với những vùng sâu, vùng xa, người khuyết tật thường khó tiếp cận với các chính sách của Nhà nước, và thời gian hoàn tất thủ tục cũng chỉ nên là 30 ngày, chứ không phải 50 ngày như Dự thảo. Tác giả : Cẩm Nhung

Nguồn VTV: http://www.vtv.vn/article/get/dn_phai_tuyen_it_nhat_1_nguoi_khuyet_tat__785844dcb0.html