DN xuất khẩu lao động lo ngại 'giấy phép con'

Việc xuất khẩu lao động (XKLĐ) đúng hướng thực sự mở ra nhiều cơ hội lập nghiệp cho người lao động Việt Nam. Rất nhiều lao động tại các miền quê đang mong muốn được có cơ hội được đi XKLĐ thì việc tiếp cận với nguồn lao động của các DN lại đang bị cản trở bởi 'giấy phép con'.

Hiện có khoảng 11 “giấy phép con” hoặc giấy tờ ẩn dưới dạng “giấy phép con” cần gỡ bỏ cho doanh nghiệp XKLĐ. Ảnh: ST.

"Hàng rào" giấy phép

Khá bức xúc khi chia sẻ với phóng viên về tình trạng “giấy phép con” và những “luật làng” bên lề Hội nghị Nâng cao chất lượng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Dịch vụ XKLĐ và Chuyên gia Thanh Hóa cho biết, nhiều DN đang gặp khó khăn về nguồn tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài bởi tình trạng “giấy phép con”. Hợp đồng của công ty mặc dù đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho phép tuyển dụng, song DN muốn được tiếp xúc với người dân để tuyển lao động đều phải xin công văn giới thiệu của tỉnh, huyện, xã, đây như một dạng “giấy phép con”. Kể cả khi xin được giấy giới thiệu của tỉnh, tỉnh đã đồng ý để DN tiếp xúc người lao động nhưng xuống huyện, xã lại mắc, không cho phép DN gặp người dân.

“Có huyện chúng tôi phải chờ tới 3 tháng, thậm chí có huyện còn không cho phép DN xuống tiếp xúc người lao động dù đã được tỉnh giới thiệu. Có lãnh đạo tỉnh nói thẳng với tôi: Nhiều năm nay tỉnh không có ai đi XKLĐ cũng có sao đâu. Khi thắc mắc với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, họ nói cái này họ không quyết định được, phải đợi xin ý kiến thường vụ, mà không biết bao giờ thường vụ mới họp”, ông Minh chia sẻ.

Ông Minh kể, có lần trong khi "nằm chờ" giấy phép của huyện, DN tranh thủ cho người xuống địa bàn tìm hiểu xem người dân muốn đi XKLĐ hay không, tuy nhiên, huyện không cho người của DN vào. Thậm chí, nhân viên của công ty còn bị Công an xã bắt nhốt cả đêm. Muốn tuyển được nguồn chúng tôi phải được gặp mặt trực tiếp với người dân, cũng không luật nào cấm DN gặp người dân để tuyển lao động đi xuất khẩu, nhưng “phép vua vẫn thua lệ làng”, ông Minh nói.

Còn ông Đàm Trung Bắc, Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Nhân lực Toàn Cầu (GMAS) cho biết, theo luật, DN XKLĐ không phải xin giấy phép thành lập cơ sở đào tạo, nhưng khi xuống địa phương DN gặp không ít rắc rối. Bởi cơ sở đào tạo tuy là điều kiện để được cấp phép XKLĐ, nhưng không phải DN nào cũng có cơ sở đào tạo nằm cùng với địa chỉ của văn phòng công ty. Ngay cả mở trung tâm đào tạo tại địa phương cũng bị chính quyền địa phương đến “hành” về giấy phép, điều kiện mở trung tâm, giấy chứng nhận phòng cháy… Trong khi giấy phép của hoạt động XKLĐ có ghi rõ điều kiện phải có trung tâm đào tạo. “Địa phương giải thích, phải có giấy phép mới được hoạt động vì sợ mất an ninh trật tự địa phương. Luật không yêu cầu nhưng DN vẫn phải đáp ứng”, ông Bắc nói.

Về việc đi tuyển nguồn ở địa phương, ông Bắc cho biết: “DN muốn tiếp cận người lao động phải qua huyện, xã. Nhưng khi qua các cổng này thì nảy sinh một loạt “giấy phép con” khống chế về thời gian, số lượng tuyển. Có huyện chỉ cho phép tuyển tại 2-3 xã nhất định, muốn sang tuyển người ở xã khác cũng không được. Hoặc huyện chỉ cấp phép tuyển 6 tháng, nhưng từ lúc đào tạo cho đến lúc xuất cảnh đã vượt thời gian này, do đó muốn tiếp tục lại phải lên xin phép, mà muốn có “giấy phép con” này phải có “cái gì gì đó” mới được cấp. Tôi đã kiến nghị đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ở đó, nhưng lãnh đạo Sở cho biết để giải quyết “giấy phép con” này thì thuộc thẩm quyền của lãnh đạo tỉnh”.

DN còn thiếu tin tưởng

Còn ông Vũ Công Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Phát triển nguồn nhân lực LOD lại nêu lên một thực tế khác, nguồn tuyển càng khó khăn hơn khi các DN cạnh tranh không lành mạnh, trong khi đó, địa phương chỉ cho một hoặc hai DN “sân sau” vào hoặc chỉ cộng tác với DN nào ký hoa hồng cao hơn. Theo ông Nguyễn Văn Minh nguyên nhân các huyện gây khó cho DN một phần do tư duy cứng nhắc, chưa đặt cao lợi ích của người dân. Có những huyện dùng chiêu trò này để hạn chế DN Trung ương hoặc từ tỉnh khác tới, để cho DN "sân sau" của mình hoạt động.(?)

Khi được hỏi về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, hiện nay không có quy định nào bắt buộc DN phải đi xin các huyện như vậy. Bộ sẽ có công văn gửi đến các tỉnh, thành yêu cầu phải chấn chỉnh. “Tôi đã trực tiếp làm việc với đơn vị liên quan, hiện quy trình giấy tờ còn rất nhiều, với khoảng 11 “giấy phép con” hoặc giấy tờ ẩn dưới dạng “giấy phép con” cần gỡ bỏ”, ông Dung nói.

Cũng có ý kiến cho rằng, về “giấy phép con”, các DN cần phải xem lại mình, vì không hẳn DN nào cũng tốt, cũng uy tín. Vì DN không tốt nên dẫn đến “cò”, dẫn đến tiêu cực, dẫn đến việc địa phương thiếu tin tưởng. Các DN tham gia XKLĐ phải là các DN chuyên nghiệp, không thể kinh doanh “ăn xổi ở thì” rồi “đem con bỏ chợ”. Đã xuất hiện những DN lừa đảo người lao động với những quảng cáo trên giời để thu phí môi giới cao ngất với đủ chiêu trò. Vì vậy việc các địa phương cảnh giác không muốn cho DN xuống địa phương cũng là điều dễ hiểu. Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, hiện nay có một tâm lý trong đội ngũ những người XKLĐ là họ tin vào người môi giới hơn là DN. Bởi DN chưa tạo được uy tín, chưa tạo được thương hiệu, sự tin tưởng điều này cũng khiến các xã, huyện khó tin tưởng DN.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thời gian tới Bộ sẽ kiên quyết loại bỏ các thủ tục rườm rà hoặc “giấy phép con” theo 2 hướng. Nếu thủ tục từ phía đối tác nước ngoài thì sẽ đàm phán lại; nếu xuất phát từ phía các ngành, Bộ sẽ tích hợp quy định còn nằm rải rác ở nhiều văn bản vào thành thông tư, nhằm giúp DN và người lao động dễ theo dõi. Đồng thời, Bộ cũng sẽ có những quy định và điều kiện chặt chẽ hơn để chỉ những DN thực sự mạnh mới được tham gia vào hoạt động XKLĐ. Bộ sẽ kiên quyết xử lý các DN giao nhiệm vụ không đúng quy định, tuyển chọn lao động thông qua “cò”, môi giới, không tổ chức bồi dưỡng kiến thức cho người lao động, thu phí vượt mức quy định, không bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động. DN nào yếu kém, hoặc DN sau khi cấp phép 12 tháng mà vẫn chưa đưa được lao động đi, hoặc DN suốt 5 năm qua không đưa được lao động đi thì sẽ bị rút giấy phép.

Xuân Thảo

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/dn-xuat-khau-lao-dong-lo-ngai-giay-phep-con.aspx