Đồ chơi TQ phát nổ: Mất bò mới lo làm chuồng

(Bảo vệ người tiêu dùng) - Cho đến khi "lựu đạn" đồ chơi Trung Quốc phát nổ khiến hơn 30 học sinh phải nhập viện vì khó thở, nôn ói xảy ra tại trường tiểu học Chu Văn An (thị trấn Đức An, Đắk Song, Đắk Nông) các cơ quan chức năng như quản lý thị trường mới bắt đầu vào cuộc lấy mẫu xét nghiệm như những trường hợp trước đó đã xảy ra với thú nhún, búp bê đầu trái cây...

( Bảo vệ người tiêu dùng ) - Cho đến khi "lựu đạn" đồ chơi Trung Quốc phát nổ khiến hơn 30 học sinh phải nhập viện vì khó thở, nôn ói xảy ra tại trường tiểu học Chu Văn An (thị trấn Đức An, Đắk Song, Đắk Nông) các cơ quan chức năng như quản lý thị trường mới bắt đầu vào cuộc lấy mẫu xét nghiệm như những trường hợp trước đó đã xảy ra với thú nhún, búp bê đầu trái cây...

Chiều 16/1 vừa qua, 32 học sinh trường tiểu học Chu Văn An (thị trấn Đức An, Đắk Song, Đắk Nông) phải vào Bệnh viện Đa khoa huyện Đắk Song để điều trị do hít phải khí độc từ đồ chơi Trung Quốc phát nổ.

Bác sĩ Tống Trường Ký, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Đắk Song cho biết triệu chứng của 32 học sinh là khó thở, co cứng cơ, các chi, toàn thân nổi ngứa... Bệnh viện đã vệ sinh, lau rửa sạch sẽ cho những em bị nhiễm hóa chất. Những học sinh có biểu hiện nặng phải truyền nước, thở oxy.

Sau sự việc xảy ra tại Đắk Nông, "lựu đạn" đồ chơi Trung Quốc vẫn được bày bán phổ biến tại các cửa hàng tạp hóa, điểm bán sỉ đồ chơi trẻ em tại TP.HCM với giá bán 2.000 đồng/quả.

Tại cửa hàng trên đường Trần Bình, khi hỏi đồ chơi phát nổ, nhân viên ở đây hồ hởi cho biết: “Tụi em còn hai hộp “bom thúi” loại 100 gói/hộp này thôi. Anh mua nhanh thì còn chứ mai quay lại là hết liền”.

Đồ chơi có in chữ Trung Quốc là đồ chơi phát nổ kiểu như pháo, có dạng bịch nilông vuông, mỗi cạnh khoảng 6cm với hai lớp, lớp bên ngoài bằng nilông, kế đến là lớp giấy bạc hình tròn bên ngoài có vẽ hình mặt người trên nền quả lựu đạn. Bên trong chứa dung dịch trong không màu, một ít bột trắng và khí

Theo quan sát, sản phẩm đồ chơi loại này có tên “Perfume Bomb” ghi xuất xứ từ Trung Quốc. Trên bao bì ghi tiếng nước ngoài và không có bất cứ thông tin đơn vị nhập khẩu hay khuyến cáo sử dụng bằng tiếng Việt.

Khi vừa cắt gói đồ chơi này, mùi thối nồng nặc bốc ra rất khó chịu. Bên trong sản phẩm chứa bột trắng mịn và gói dung dịch lỏng. Chỉ cần bóp nhẹ, túi đồ chơi sẽ phồng to và phát nổ khiến dung dịch trộn lẫn với bột trắng văng mạnh ra ngoài.

Thông tin trên báo Tuổi trẻ, ông Trần Văn Xiêm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa miền Nam, cho biết đơn vị sẽ cử người lấy mẫu sản phẩm xét nghiệm.

Kết thúc ngày 18/1, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đã phát hiện và tịch thu khoảng 100 sản phẩm “bom nổ” có xuất xứ từ Trung Quốc.

Như vậy, chỉ khi sự việc đáng tiếc xảy ra tại Đắk Nông, Quản lý thị trường TP HCM mới bắt đầu cử người đi lấy mẫu sản phẩm để xét nghiệm và tiến hành kiểm tra các cửa hàng bán đồ trẻ em trên địa bàn.

Trước đó, ngày 1/1, Tổng cục tiêu chuẩn chất lượng VN đã phát hiện chất độc phthalate gây ung thư, gây hại cho phát triển trí não ở trẻ em và vô sinh ở nam giới, trong sản phẩm búp bê đầu trái cây xuất xứ Trung Quốc.

Cuối tháng 12/2013, Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa miền Nam khảo sát, lấy mẫu kiểm nghiệm đã phát hiện bóng bơm hơi Trung Quốc (bóng bơm hơi loại lớn, có gai) chứa độc chất phthalate gấp 400 lần so với mức cho phép.

Điều đáng lo ngại, theo Chi cục trưởng Chi cục Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa miền Nam, là qua theo dõi những năm gần đây cho thấy, hầu như mỗi năm đều có sản phẩm bị phát hiện chứa chất độc hại nên người bán đã dùng nhiều cách đối phó với lực lượng kiểm tra.

Ví dụ, khi mặt hàng thú nhún bị phát hiện chứa chất phthalate, lực lượng chức năng tập trung kiểm tra mặt hàng này thì chất độc lập tức được chuyển sang sản phẩm búp bê đầu trái cây, bóng bơm hơi, vịt.

Theo một chuyên gia, sở dĩ hàng độc hại biến hóa khôn lường, khó kiểm soát là do các cơ quan quản lý không nắm được tận gốc các đối tượng cung cấp mặt hàng này. Hầu hết các hàng độc hại trên thị trường hiện nay đều không xuất xứ, không nhãn mác, không biết công ty nào nhập khẩu. Nên khi phát hiện hàng không thể buộc đơn vị sản xuất, phân phối thu hồi sản phẩm mà chỉ tiến hành thu hồi, xử phạt hành chính. Nhưng khi mọi chuyện "im ắng" thì các mặt hàng này lại được đưa ra thị trường.

Phương Mai (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/bao-ve-nguoi-tieu-dung/do-choi-tq-phat-no-mat-bo-moi-lo-lam-chuong-2364767/