Đô Lương đất nông nghiệp thiếu, nhưng lại giao thừa

Thôn Đô Lương, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn (Hà Nội), hiện có 140 ha đất nông nghiệp. Có 1.194 khẩu, được hưởng hệ số đất canh tác bình quân 550 m2/khẩu.

Người dân Đô Lương được chia đất canh tác tổng cộng hơn 65 ha. Như vậy, số đất còn lại gần 75 ha hiện nay ở đâu? Theo người dân Đô Lương, việc dồn điền đổi thửa (DĐĐT) và giao ruộng, đã làm “mất đi” trên 50% diện tích đất nông nghiệp, so với trước khi DĐĐT. Điều này thật khó hiểu.

Nhân dân thôn Đô Lương làm việc với PV Báo NNVN.

Việc DĐĐT là một chủ trương đúng đắn, đem lại lợi ích thiết thực cho người nông dân. Nhưng quá trình thực hiện chủ trương này, nếu không làm theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” thì sẽ gây ra sự bất công lớn trong dân, đương nhiên dẫn đến khiếu kiện kéo dài.

Là một thôn có địa hình đồi núi, trong một xã miền núi, một huyện miền núi, nên đất canh tác ở Đô Lương rất hạn hẹp. Nhiều đất “xen kẹt” gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, năng suất thấp. Trong tình hình đó, việc DĐĐT lại không được bàn bạc công khai, dân chủ với dân, các cán bộ thôn tự ý thành lập Tiểu ban DĐĐT, tự ý quy hoạch đồng ruộng, tự ý lên phương án giao ruộng cho dân… không chỉ gây xáo trộn trong dân, mà còn dẫn đến tình trạng giao ruộng theo kiểu “Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”, tức là người thì thiếu, người lại quá thừa.

Thực tế ở Đô Lương cho thấy, người thiếu chỉ là người dân, còn người thừa, đa số là cán bộ thôn, hoặc có họ hàng, quan hệ thân thiết với cán bộ thôn.

Gia đình bà Lại Thị Xuân là một gia đình liệt sĩ, có 7 khẩu. Thực tế bà Xuân chỉ được chia 6 khẩu, thiếu 1 khẩu không được chia đất canh tác. Gia đình bà Lại Thị Chì, cũng là gia đình liệt sĩ, trước thôn không những chia đất không đủ, lại còn cắt của gia đình bà 1 suất đất liệt sĩ. Khi gia đình kiến nghị, được xã chỉ đạo cho thôn phải chia đất cho gia đình này.

Tuy nhiên, việc DĐĐT đã tiến hành xong, thôn bèn đối phó bằng cách chia cho những mảnh đất “xen kẹt” xa nhà, khiến họ phản đối bằng cách không nhận đất. Gia đình ông Nguyễn Văn Nghĩa, 85 tuổi, độc thân, nhưng phải nhận tới 2 thửa đất, ở các xứ đồng khác nhau, có thửa cách nhà tới gần 2 km. Gia đình bà Nguyễn Thị Tâm và ông Lưu Văn Học tự dồn ruộng từ nhiều năm trước, thành một thửa, bỏ ra nhiều kinh phí để cải tạo đất, nay lại bị thu hồi để giao cho người khác, …

Trong khi nhiều hộ không đủ đất canh tác, thì ở thôn lại có những hộ đất canh tác thừa, và thừa với diện tích lớn. Có hộ thừa rồi, vẫn được giao thêm.

Như hộ ông Trần Đình Bẩy (tức Phai) lần 1 giao ở đồng Gốc Duối 2.960 m2. Sau đó Ban DĐĐT chia thêm 420 m2, cộng 3.380 m2. Ngoài ra còn đất ở Đập Mụ 2.664 m2, tổng cộng 6.044 m2. Nếu so với định mức 2.200 m2, thì gia đình ông Phai thừa 3.844 m2.

Gia đình bà Nguyễn Thị Nghệ có 4 khẩu, được hưởng 2.400 m2 đất. Bà Nghệ tự nhận có 5.449 m2. Thực tế theo sự phản ảnh của dân, là 5.900 m2. Như vậy, gia đình bà Nghệ thừa ít nhất 3.500 m2. Lý giải về việc này, bà Nghệ cho biết, số diện tích “thừa” là do bà Nguyễn Thị Bốn cho (?).

Gia đình ông Nguyễn Đức Thuật có 7 khẩu, được chia 3.470 m2, tự nhận với Ban chỉ đạo DĐĐT là “thừa” 1.332,7 m2. Qua xác minh thực tế, ông Thuật thừa 2.000 m2. Ông Thuật chuyển cho ông Lưu Văn Đọc 300 m2 (thực tế chuyển 360 m2) trong khi đất ông Đọc đã thừa hơn 500 m2.

Gia đình ông Nguyễn Văn Cách 6 khẩu, đã nhận 575 m2/khẩu, thành 3.450 m2, cộng 240 m2 thờ cúng liệt sĩ, thành 3.690 m2. Ông Cách còn sử dụng 2 thửa, với diện tích 4.631 m2. Thực tế ông Cách sử dụng 6.703,2 m2, … Đấy chỉ là những con số tối thiểu. Trên thực tế, số ruộng của các hộ còn thừa với diện tích nhiều hơn.

Được biết các ông, bà trên đều có chức có quyền, hoặc có quan hệ họ hàng gần gũi với người có chức, có quyền, nên mới được ưu ái như vậy. Ông Nguyễn Đức Thuật là Trưởng thôn Đô Lương. Ông Nguyễn Văn Cách là Phó thôn. Bà Nguyễn Thị Bốn là Bí thư chi bộ, Trưởng ban DĐĐT. Bà Nguyễn Thị Nghệ là chị gái ông Thuật…

Cũng qua quá trình kiểm tra, mới nảy ra chuyện nực cười như sau: Để “hợp thức hóa” việc thừa đất, ông Cao Xuân Thịnh, bèn “đối phó” bằng cách lập hợp đồng cho thuê đất. Nhưng “hợp đồng” lại được lập trước khi ông Thịnh làm Trưởng thôn tới hơn 6 tháng (!) Ông Nguyễn Đức Thuật sau khi thôi chức Trưởng thôn 4 tháng, nhưng vẫn ký hợp đồng cho ông Trần Đình Bẩy thuê đất (!)

Những vụ việc trên đây, các cơ quan chức năng ở Hà Nội đã cho kiểm tra và kết luận, thể hiện trong công văn số 1283, ra ngày 13/4/2015 của UBND huyện Sóc Sơn, thông báo số 72/TB-UBND, ra ngày 12/4/2016 của UBND TP Hà Nội và gần đây nhất, UBND huyện Sóc Sơn đã thành lập Tổ công tác để rà soát, kiểm tra, làm minh bạch mọi uẩn khúc. Nhưng trong quá trình làm việc, đã xuất hiện cách làm…không minh bạch, khiến dư luận nhân dân nghi ngờ.

Dường như còn có sự bao che, nên sai phạm không được xử lý nghiêm minh, nhất là những sai phạm của người đứng đầu vẫn không bị xử lý. Nên chăng, các cơ quan chức năng cần có sự kiểm tra một cách công khai, minh bạch và quyết liệt hơn nữa, trả lại sự công bằng cho dân và đưa công tác DĐĐT đúng với mục đích mà Đảng, Nhà nước ta đã đề ra.

TỔ PVĐT

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/do-luong-dat-nong-nghiep-thieu-nhung-lai-giao-thua-post192583.html