Đổ ngàn tỷ đồng, áo rách vỉa hè có thành áo mới?

Nhằm sắp xếp lại vỉa hè, lòng đường thống nhất ở 12 quận từ nay đến năm 2020, nhiều tuyến phố trên địa bàn các quận của Hà Nội đang triển khai lát lại vỉa hè bằng đá tự nhiên thay vì gạch như trước đây. Tuy nhiên, điều mà dư luận đặt ra liệu việc lát vỉa hè bằng đá tự nhiên với quy mô và số tiền lớn này có giúp Hà Nội chấm dứt cảnh đào bới vô tội vạ.

Vỉa hè phố Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) đang được thay thế đá tự nhiên.

Vỉa hè phố Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) đang được thay thế đá tự nhiên.

Vội vã thay “áo mới” cho vỉa hè

Ghi nhận của PV Tiền Phong, những ngày qua nhiều tuyến phố trên địa bàn các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai đang được triển khai rầm rộ việc lát lại vỉa hè bằng đá tự nhiên. Ngày 14/9, có mặt tại tuyến đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), hàng trăm công nhân chia làm nhiều tổ đang thi công đào xới vỉa hè dỡ bỏ những lớp gạch cũ đang còn nguyên để thay thế bằng đá tự nhiên.

Theo một số công nhân thuộc Cty TNHH Xây dựng và Môi trường đang thi công tại đây cho hay, tuyến đường Nguyễn Trãi với hạng mục vỉa hè có chiều dài hơn 3 km sẽ được lát đá tự nhiên toàn bộ. “Đá dùng để lát vỉa hè ở đây là đá nguyên khối có nguồn gốc từ Thanh Hóa. Mỗi ngày một đội thi công khoảng 20 người sẽ hoàn thành việc lát khoảng 200m vỉa hè. Chi phí khoảng 500 nghìn đồng/m2, đắt hơn nhiều so với gạch”, một công nhân cho hay.

Đại diện UBND quận Thanh Xuân cho biết, việc lát vỉa hè bằng đá tự nhiên đang được triển khai tại các tuyến phố như phố Nguyễn Trãi là thực hiện chủ trương chung của thành phố Hà Nội để sắp xếp lại vỉa hè, lòng đường, tạo cảnh quan thống nhất, có giá trị sử dụng lâu dài. “Từ hiệu quả của tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn, được sự đồng ý của các cấp, quận đã và đang nhân rộng việc lát đá tự nhiên ở vỉa hè ở các tuyến phố để tạo cảnh quan đô thị đẹp, văn minh hơn. Về kinh phí thực hiện được sử dụng từ nguồn xã hội hóa và một phần ngân sách quận”, vị cán bộ nói.

Vị này cũng cho biết, lâu nay vỉa hè trên địa bàn quận được lát bằng gạch block tự chèn, hoặc gạch bê tông xi măng... Các loại gạch này mỏng, yếu không chịu được tải trọng cao, dễ mòn, bạc màu và xộc xệch. Thực tế, nhiều tuyến phố hiện nay đang xuống cấp gây khó khăn cho việc đi lại của người đi bộ và mất cảnh quan, văn minh đô thị. “Việc lát, bó vỉa bằng vật liệu tự nhiên, có kết cấu bền vững đảm bảo sử dụng 50-70 năm, ngoài ra nó sẽ tạo nên sự đồng bộ. Đối với các tuyến phố triển khai lát bằng đá tự nhiên, quận sẽ phải khảo sát kỹ lưỡng trong đó phải được thực hiện đồng bộ với hạ ngầm, tránh tình trạng đào bới vô tội vạ. Đồng thời sẽ xử lý nghiêm các hành vi này”, vị này phân tích.

Một tuyến phố khác trên địa bàn quận Hoàng Mai, vỉa hè cũng đang được thay thế từ gạch và các vật liệu khác bằng đá tự nhiên. Ông Nguyễn Văn Hùng, người dân ở phố Giải Phóng cho biết: “Dù họ giải thích gạch cũ bốc lên sẽ được tận dụng cho các công trình khác nhưng tôi vẫn thấy việc thay thế toàn bộ gạch cũ chưa hỏng bằng đá mới là rất tốn kém. Hơn nữa, chưa kể loại đá mới này trơn khi gặp mưa người đi bộ không cẩn thận là ngã ngay”, ông Hùng nói.

Theo đơn vị thi công ở tuyến Giải Phóng, những phiến đá lát sẽ rất bền và chịu được áp lực lên xuống của phương tiện giao thông, không bị vỡ như những loại gạch khác. Nhưng thực tế ghi nhận, khi thi công việc mài đá, cắt gọt khiến công nhân gặp nhiều khó khăn, nhiều khối đá bị vỡ vụn. Trong khi nhiều người dân ở đây lo ngại, vỉa hè sau khi được bó và lát bằng đá tự nhiên sẽ cao hơn và làm ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng lâu nay như: Đường ống nước, điện, cáp sẽ không đồng bộ dẫn đến tình trạng lâu nay vỉa hè mới được lát gạch, sau đó không lâu lại đào lên làm lại.

Tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn: Vỉa hè vừa lát đá tự nhiên đã xuất hiện tình trạng lún nứt, vỡ thành nhiều mảnh.

Tiêu tốn tiền tỷ, “áo” vẫn rách?

Theo kế hoạch (từ nay đến năm 2020), vỉa hè 936 tuyến phố của 12 quận trên địa bàn Hà Nội sẽ được lát chủ yếu bằng đá tự nhiên. Theo lý giải của Sở Xây dựng, tại 12 quận nội thành, sẽ thay thế các loại gạch kém chất lượng như trước đây bằng vật liệu đá tự nhiên. Sở này hy vọng với quy định này cũng giúp chấm dứt tình trạng các chủ đầu tư dự án hạ tầng trên địa bàn Hà Nội mạnh ai nấy làm, mỗi tuyến phố một kiểu gạch lát hè. Doanh nghiệp cung cấp vật liệu lát hè phù hợp sẽ được Sở Xây dựng công nhận, niêm yết giá công khai để các chủ đầu tư lựa chọn.

Để thực hiện chủ trương trên, Hà Nội chọn tuyến phố Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân), là tuyến có vỉa hè được lát bằng đá xanh tự nhiên làm tuyến phố kiểu mẫu để nhân rộng cho nhiều tuyến phố khác trên địa bàn 12 quận. Được đưa vào sử dụng vào tháng 5/2016, tuyến phố Lê Trọng Tấn do Sở GTVT làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 224,6 tỷ đồng, và chỉ riêng các hạng mục như: hệ thống chiếu sáng, hệ thống bó vỉa, gạch lát hè, cây xanh… chiếm trên 50 tỷ đồng.

Tuy nhiên theo ghi nhận của PV Tiền Phong, hiện vỉa hè hai bên của tuyến Lê Trọng Tấn đã xuất hiện rất nhiều đá tự nhiên bị nứt toác, thậm chí là vỡ thành nhiều mảnh. Bà Nguyễn Thị Lan, chủ cửa hàng trên phố Lê Trọng Tấn cho hay: “Đá tự nhiên khi vừa lát xong sáng màu, đẹp và sạch sẽ hơn trước. Nhưng cơ sở hạ tầng ở dưới lại chưa đồng bộ, mỗi khi có nhu cầu sửa chữa, lắp đặt đường nước, cáp điện lại phải đào lên khiến đá bị vỡ vụn, lãng phí”.

Tại quận Hoàng Mai, tuyến đường dẫn vào khu Trung tâm hành chính quận có tổng mức đầu tư 59 tỷ đồng, trong đó chỉ riêng phần lát vỉa hè, bó vỉa đoạn đường dài hơn 40 m này có chi phí trên 7,5 tỷ đồng. Theo bản vẽ thi công, vỉa hè được lát đá xẻ nhám ghi sáng dày 5cm, diện tích hơn 5.900m2. Theo tính toán, đơn giá một mét vuông lát vỉa hè trên đoạn đường này phải lên tới hơn 1,2 triệu đồng.

Liên quan tới việc lát vỉa hè bằng đá tự nhiên, hiện cũng đang còn nhiều ý kiến khác nhau trong việc chọn vật liệu gạch hay đá? Trước đó, UBND quận Hoàn Kiếm có văn bản gửi UBND TP Hà Nội về việc sử dụng vật liệu lát hè và đề xuất 2 phương án: Thứ nhất, sử dụng đá xanh Thanh Hóa, mặt được tạo nhám và có chiều dày tối thiểu khoảng 5cm. Tuy nhiên, theo UBND quận Hoàn Kiếm, quá trình sử dụng đá thường bị mài mòn, trơn trượt nên chưa thực sự phù hợp. Phương án thứ hai, quận Hoàn Kiếm đưa ra là sử dụng gạch bê tông giả đá, là gạch tương tự như gạch terrazzo, dày 4cm, màu sắc giả đá đáp ứng về mặt mỹ quan tuyến phố, đồng dạng màu sắc hè và lòng đường. Quận Hoàn Kiếm cũng cho biết, qua thực tế triển khai lát hè trên tuyến phố Bà Triệu được dư luận đánh giá tốt do không bị trơn trượt và có kỹ, mỹ thuật tốt, giá thành thấp.

Tốn kém, chưa hẳn đã bền

Trao đổi với Tiền Phong, Cty TNHH Sản xuất & Thương mại Vật liệu xây dựng Toàn Phát Hà Nội, một trong 12 doanh nghiệp nằm trong danh sách được chọn để sản xuất, cung cấp vật liệu lát vỉa hè cho Hà Nội cho biết, lát đá tự nhiên sẽ tốn kém mà chất lượng chưa hẳn đã bằng gạch terrazzo giả đá. Lát gạch terrazzo sản xuất theo đúng tiêu chuẩn thì vừa đẹp, vừa bền khoảng 50 - 70 năm trở lên vì nó có thành phần đá tự nhiên chiếm khoảng 70%. Gạch terrazzo làm đúng tiêu chuẩn càng đi càng bóng. Giá một mét vuông gạch terrazzo bình thường lát vỉa hè bao gồm cả VAT chỉ khoảng 70-100 nghìn đồng.

Sở Xây dựng TP Hà Nội cho biết: Để hạn chế tình trạng đào bới vỉa hè, thành phố đã yêu cầu Sở phối hợp với các Sở ngành liên quan cùng UBND các quận khảo sát, lập thiết kế hạ ngầm các đường dây điện, cáp trên toàn tuyến đảm bảo sự đồng bộ. Gắn liền với chỉnh trang đô thị phối hợp chặt chẽ với các đơn vị xã hội hóa tham gia hạ ngầm cáp điện, cáp viễn thông…

Tú Anh

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/do-ngan-ty-dong-ao-rach-via-he-co-thanh-ao-moi-1187379.tpo