Đổ nợ vì tín dụng đen

Hàng trăm hộ dân ở H.Ia Pa (Gia Lai) vì cần tiền đã vay "tín dụng đen", đến nay chỉ riêng tiền lãi còn nợ lên đến 60 tỉ đồng, nhiều người mất khả năng chi trả, đối mặt cảnh tán gia bại sản.

Gia đình anh Rmah Pluk (xã Chư Mố, H.Ia Pa) vay 50 triệu đồng từ tín dụng đen 2 năm nay chưa trả được nợ

Gia đình chị Ksor Hoen (ở xã Ia Kdăm, H.Ia Pa) vay của bà Tr. 30 triệu đồng với lãi suất 5%/tháng. Một năm sau, số tiền lãi đã lên đến 18 triệu đồng. “May mà nhà mình thu hoạch được rẫy mì, bán hết mới trả được cả vốn lẫn lãi. Nhiều nhà vay lắm, bây giờ không có tiền trả lãi nữa”, chị Hoen nói.

Gia đình ông Ksor Quốc ở xã Ia Trốk vay của bà P.T.T 100 triệu đồng từ năm 2005 với lãi suất 3%/tháng. Đến nay, ông Quốc không có điều kiện để trả khoản nợ trên, còn tiền lãi đã vượt gấp nhiều lần tiền vay.

Theo nhiều người dân đã vay tiền, những người vay cũng có cam kết ngầm là nông sản làm ra phải bán cho chủ nợ. Như gia đình chị Siu H’liên ở xã Chư Mố vì cần tiền để phát triển sản xuất nhưng không có tài sản thế chấp vay ngân hàng nên đã tìm đến bà L. vay hơn 100 triệu đồng từ năm 2014 với lãi suất 3%/tháng. Đến mùa, nông sản của gia đình chị H’liên thu hoạch được phải bán cho chủ nợ. Đến nay, tiền gốc chưa trả được, lãi mẹ đẻ lãi con, khiến gia đình chị đã khó lại càng khó hơn.

Tương tự, gia đình anh Ksor Tâm ở xã Ia Trốc vay từ tín dụng đen 70 triệu đồng. Đến nay, số tiền lãi đã vượt quá tiền gốc nhiều lần khiến anh Tâm không còn khả năng trả nợ. Cứ mùa đến, toàn bộ nông sản của gia đình bị chủ nợ lấy đi gán nợ với giá thấp hơn giá thị trường. Mọi thu nhập từ vườn tược, làm thuê của anh Tâm dồn vào việc trả nợ. Nhiều năm nay, cái nghèo và nợ đòi như vòng kim cô trói chặt cuộc sống kham khổ của họ.

Nhà cửa lụp xụp, chỉ có mỗi khu vườn nhỏ nhưng anh Pluk đang tính bán đi trả nợ

Theo điều tra của PV Thanh Niên, hiện trên địa bàn H.Ia Pa có 50 người cho vay theo kiểu tín dụng đen. Nông dân tìm đến đây vay tiền, phân bón, giống cây trồng với lãi suất từ 3 - 5%/tháng (gấp nhiều lần lãi suất ngân hàng). Đến khi thu hoạch, những người vay sẽ trả lãi bằng nông sản hoặc tiền mặt. Nếu không trả được lãi, số tiền lãi sẽ được cộng dồn theo kiểu lãi mẹ đẻ lãi con.

Tại xã Chư Mố, Công an H.Ia Pa đã xác định có 5 người vay với số tiền hơn 100 triệu đồng/người, khó có khả năng thanh toán. Còn theo thống kê của Phòng Dân tộc H.Ia Pa, hiện có 672 hộ trên địa bàn huyện vay tiền theo dạng nói trên với số tiền hơn 18 tỉ đồng và số tiền lãi đã lên đến hơn 60 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch UBND H.Ia Pa, nói: “Chúng tôi đã có chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con việc này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống, sản xuất. Bà con nên vay kênh của ngân hàng để có lãi suất phù hợp. Chúng tôi cũng chỉ đạo lực lượng công an có sự răn đe đối với những người cho vay nặng lãi, nếu đủ cơ sở thì tiến hành xử lý về mặt pháp luật”.

Trần Hiếu

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/do-no-vi-tin-dung-den-865282.html