Đổ phế thải lấp đất nông nghiệp tại huyện Hoài Đức: Kiên quyết xử lý vi phạm

Tình trạng người dân đổ trộm đất, phế thải lấp đất nông nghiệp tại huyện Hoài Đức tồn tại đã lâu và chính quyền địa phương cùng lực lượng chức năng liên tục ra quân xử lý vi phạm, tuy nhiên đến nay thực trạng này vẫn tái diễn, gây bức xúc trong dư luận.

Để xử lý dứt điểm, huyện Hoài Đức tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm.

Đất nông nghiệp bị hủy hoại

Trong hai ngày 7 và 8-5, khảo sát thực tế của phóng viên Báo Hànôịmới tại các xã: Song Phương, Cát Quế, Tiền Yên, Vân Côn, Đức Giang, Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) cho thấy, hàng chục héc ta đất nông nghiệp đã và đang bị phế thải xây dựng vùi lấp. Qua tìm hiểu, đa phần việc đổ phế thải là có chủ đích của chủ sử dụng đất, phần nhỏ do các đối tượng đổ trộm.

Đất, phế thải đổ tràn lan lên đất nông nghiệp cạnh tỉnh lộ 423, đoạn qua địa phận xã Vân Côn (huyện Hoài Đức).

Tại xã Song Phương, nhiều thửa ruộng thuộc các xứ đồng: Thày Bờ Rốt, Tay Áo, Cây Sung… nằm ven tuyến đường giao thông liên xã Song Phương - Minh Khai (giáp kênh Đan Hoài) trước đây trồng rau màu, cây ăn quả, nay đã bị người dân đổ phế thải san lấp nhiều. Hầu hết các hộ sau khi đổ đất, phế thải lên đất nông nghiệp đều san gạt phẳng, trong đó một số hộ đã chuyển sang mục đích sản xuất, kinh doanh (bán hàng ăn uống, trông giữ xe, gara ô tô, tập kết và kinh doanh vật liệu xây dựng). Một số hộ quây tôn kín, cao nhằm che mắt chính quyền địa phương và lực lượng chức năng.

Tương tự, dọc tuyến đường tỉnh lộ 423 qua địa phận hai xã: An Thượng và Vân Côn, đất nông nghiệp hai bên đường bị san lấp gần hết từ nhiều năm nay. Nhiều hộ đã sử dụng đất này làm nơi sản xuất, kinh doanh lăng mộ, bàn ghế đá; điểm tập kết, thu mua phế liệu; kinh doanh vật liệu xây dựng; trông giữ xe ô tô. Số ít thửa ruộng còn lại, người dân vẫn sản xuất nông nghiệp nhưng không hiệu quả.

Bà Trần Thị Th. (thôn Phương Quan, xã Vân Côn) cho biết, gia đình bà có đất nông nghiệp ở đồng Cửa Cầu, giáp đường 423. Do các hộ xung quanh đổ phế thải lấp đất nông nghiệp làm bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng, bán hàng… nên ảnh hưởng đến việc sản xuất của gia đình bà và các hộ dân trong thôn.

Tìm hiểu thêm tại các xã: Cát Quế, Đức Giang, Tiền Yên và Sơn Đồng, tình trạng đổ đất, phế thải lấp đất nông nghiệp cũng xảy ra ở một số xứ đồng, tập trung nhiều ở dọc tuyến đường giao thông liên xã Song Phương - Minh Khai, đường tỉnh 422, một số tuyến giao thông nội đồng.

Triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn

Theo Chủ tịch UBND xã Song Phương Đỗ Văn Toàn, do xã có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều hộ dân xây dựng nhà ở mới nên đã xảy ra tình trạng đổ trộm phế thải ra các khu đất nông nghiệp trên địa bàn. Cùng với đó, xã chưa có điểm tập kết chất thải rắn xây dựng và khu vực tập kết vật liệu xây dựng. Trong khi việc đổ trộm phế thải thường diễn ra vào đêm tối, lực lượng chức năng của xã mỏng nên việc phát hiện, xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn.

Còn Chủ tịch UBND xã Vân Côn Hoàng Văn Tuấn cho hay, tuyến đường 423 chạy qua địa bàn xã có lưu lượng phương tiện qua lại rất đông. Lợi dụng khu vực đất nông nghiệp ven đường, xa khu dân cư nên các đối tượng đã nhiều lần đổ trộm phế thải, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trên địa bàn.

Nhằm ngăn chặn vi phạm, từ năm 2019 đến nay, UBND huyện Hoài Đức có nhiều văn bản chỉ đạo về việc tăng cường kiểm soát bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng, trong đó có tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng.

Mới đây nhất, ngày 26-4-2024, UBND huyện Hoài Đức ban hành Văn bản số 958/UBND-TNMT về tăng cường kiểm tra, ngăn chặn và xử lý vi phạm đất đai trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5. Theo đó, UBND huyện yêu cầu, các xã chỉ đạo cán bộ, công chức tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm bắt thông tin để kịp thời phát hiện, xử lý kiên quyết những trường hợp vi phạm đất đai, đặc biệt là tình trạng đổ phế thải, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp…

Theo Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoài Đức Nguyễn Duy Giang, phòng đã tham mưu UBND huyện ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn, ngành chức năng trong việc kiểm tra, xử lý việc đổ phế thải cũng như sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích.

Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Hoài Đức, các xã, thị trấn trên địa bàn đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng đổ phế thải lấp đất nông nghiệp. Chủ tịch UBND xã Song Phương Đỗ Văn Toàn cho biết, xã đang đẩy mạnh tuyên truyền, yêu cầu người dân không đổ phế thải lấp đất nông nghiệp; ký cam kết với các chủ phương tiện vận chuyển đất, phế thải đổ đúng nơi quy định.

Còn tại xã Tiền Yên, cùng với tăng cường lực lượng tuần tra ngày đêm, xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm, UBND xã kiến nghị, UBND huyện Hoài Đức sớm phê duyệt quy hoạch điểm tập kết chất thải rắn xây dựng để người dân có nơi đổ tập trung, hạn chế việc đổ phế thải lấp đất nông nghiệp. Trong khi đó, UBND xã Vân Côn chỉ đạo thành lập 8 tổ công tác xử lý vi phạm đất đai ở 8 thôn, trong đó có việc đổ phế thải lấp đất nông nghiệp, gắn trách nhiệm với người đứng đầu các thôn nếu để xảy ra vi phạm.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/do-phe-thai-lap-dat-nong-nghiep-tai-huyen-hoai-duc-kien-quyet-xu-ly-vi-pham-665988.html