Dò tìm “sợi chỉ đỏ”

(TBKTSG) - “Sợi chỉ đỏ” cho kế hoạch phát triển kinh tế trong 10 năm tới là gì? Xác định được điều này sẽ giúp định hướng tốt cho các kế hoạch phát triển kinh tế trong năm 2010 - một dấu mốc đặc biệt vì là thời điểm “khóa sổ” kế hoạch năm năm (2006-2010), đồng thời cũng là thời điểm khởi đầu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011-2021).

Ngọc Lan Mục tiêu ưu tiên của Việt Nam trong năm 2010 là tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng cạnh tranh trong giai đoạn hậu suy giảm kinh tế. Ảnh chụp tàu nước ngoài "ăn hàng" ở cảng Cát Lái, TPHCM. Ảnh: Lê Toàn. “Năm đệm” cho kế hoạch 10 năm Trong báo cáo thẩm tra của hai ủy ban Quốc hội là Kinh tế và Tài chính ngân sách về phương hướng, nhiệm vụ và các chỉ tiêu phát triển kinh tế vĩ mô năm 2010 cũng như về tình hình thực hiện ngân sách năm 2009 và phương án phân bổ ngân sách năm 2010, cả hai đơn vị này đều đề cập đến vấn đề cần tập trung nguồn lực để tái cấu trúc nền kinh tế và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho 5, 10 năm tới. Nhưng trong cả hai văn bản nói trên, không ủy ban nào yêu cầu Chính phủ giải thích về việc các chỉ tiêu, hay nội dung điều hành kinh tế năm tới được xây dựng trong mối tương quan với quá trình tái cơ cấu kinh tế như thế nào; lộ trình khắc phục các yếu tố bất ổn về cơ cấu của nền kinh tế ra sao; hay đâu là những mục tiêu ưu tiên. “Một trong những cơ sở quan trọng nhất để dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2010 và những năm sau là xác định khả năng phản ứng chính sách của Chính phủ trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn đang trong tình trạng bất định cao”, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nói tại một cuộc hội thảo vào tuần trước tại Hà Nội. Ông nói thêm, triển vọng tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô của năm 2010 và cả những năm sau phụ thuộc rất lớn quyết định của Chính phủ - đó là ưu tiên các mục tiêu cải cách dài hạn hay mục tiêu khôi phục kinh tế ngắn hạn. “Vẫn chưa có định hướng ưu tiên rõ ràng nào cho mục tiêu có tính tranh chấp nguồn lực này”, ông nói, và tất cả phải chờ đến cuối tháng 10 mới biết Chính phủ có tiếp tục thực hiện gói kích cầu thứ hai hay không. Đâu là mục tiêu ưu tiên? Theo ông Thiên, mục tiêu ưu tiên của nền kinh tế năm 2010 là cần chuyển sang nhiệm vụ tái cơ cấu. “Một khi quá trình tăng trưởng đã bắt đầu hồi phục thì nên sớm chuyển sang việc ưu tiên khôi phục môi trường kinh doanh theo cơ chế thị trường, củng cố thể chế hơn là tiếp tục ưu tiên cho tăng trưởng”. Vấn đề này hiện còn đang được Chính phủ cân nhắc và sẽ là một trong những nội dung được thảo luận tại kỳ họp Quốc hội sẽ khai mạc vào tuần tới. Sẽ trình Quốc hội đề án tái cấu trúc nền kinh tế tại kỳ họp tháng 10 Thủ tướng đã phân công Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị trình Quốc hội trong phiên họp khai mạc ngày 20-10 tới đề án tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng cạnh tranh trong giai đoạn hậu suy giảm kinh tế. Bản đề án này tập trung đánh giá tác động của khủng hoảng và dự báo những biến đổi của nền kinh tế toàn cầu, mối quan hệ giữa Nhà nước với thị trường để qua đó xác định mô hình phát triển và các nội dung tái cấu trúc nền kinh tế nước ta. Đồng thời, đề án phải đề xuất các chính sách, cơ chế nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn phát triển với việc giải quyết các vấn đề văn hóa, xã hội, môi trường, xử lý nhanh các “điểm nghẽn” phát triển, trước hết là hoàn thiện cơ chế để giải phóng mạnh hơn năng lực sản xuất, xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội, đào tạo nhân lực... (Nguồn: Công văn số 6999/VPCP, ngày 8-10, của Văn phòng Chính phủ) Thực ra, việc xác định mục tiêu ưu tiên cho giai đoạn phát triển sắp tới đã được khơi ra từ cách đây vài tháng, khi Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) - nơi được Chính phủ giao nhiệm vụ chấp bút cho đề án tái cơ cầu kinh tế - đã nhiều lần mời các chuyên gia đến hội nghị bàn tròn. “Câu hỏi có cần tái cơ cấu hay không đã không cần đặt ra nữa mà vấn đề là làm như thế nào”, ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng CIEM, khi ấy muốn nói đến những gợi ý ưu tiên sẽ được đặt lên bàn Chính phủ trong thời gian tới. Và theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh tại cuộc họp ở CIEM thì cần chọn lọc những “phương thuốc” uống ngay khi tái cơ cấu, chứ không nên “là các đề án nghiên cứu cho viện hàn lâm”. Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, quan trọng nhất là phải chuyển từ tư duy tốc độ sang tư duy chất lượng. Quan điểm của bà là phải lấy tái cấu trúc doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước làm đột phá. Ông Đặng Đức Đạm, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng, cũng đồng tình với bà Lan trong việc chọn cải cách doanh nghiệp nhà nước cho tái cơ cấu kinh tế như một trong bốn đột phá mà Nhà nước phải kiên trì thực hiện gồm tiếp tục theo đuổi nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế, cải cách hệ thống tài chính và cải cách nông nghiệp, nông thôn. Theo ông Thành, bản chất của thị trường là tính hiệu quả và cũng chỉ có cạnh tranh mới tạo ra hiệu quả, bất cứ trong thời điểm nào. Điều này phải được xem như “sợi chỉ đỏ” cho quá trình tái cơ cấu kinh tế kinh tế đang cần sự khởi động thực chất và mạnh hơn.

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/home/diendan/sotay/24446/