Đóa pơ lang của núi rừng

Trong suốt 20 năm gắn bó với Công ty Điện ảnh-Văn hóa Gia Lai (nay là Công ty cổ phần Du lịch Gia Lai), dù ngành du lịch, dịch vụ trải qua bao biến động, chị Puih H'wê vẫn tâm huyết với văn hóa truyền thống như đóa pơ lang đỏ thắm giữa núi rừng.

“Cõng” phim về làng

Năm 2003, sau khi tốt nghiệp Trường Nghiệp vụ du lịch Saigon Tourist, chị Puih H'wê về đầu quân cho Công ty cổ phần Du lịch Gia Lai. Đây là đơn vị đầu tiên trong cả nước thời kỳ đó thành lập Đội điện ảnh tuyên truyền xung kích phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa.

Chị H'wê kể: “20 năm trước, khi chưa có điện, chưa có thiết bị điện tử như bây giờ, mình mang phim về chiếu phục vụ bà con. Chương trình còn có thêm vài tiết mục văn nghệ. Đội chiếu phim đi tới đâu cũng được bà con chào đón rất nồng nhiệt. Hồi đó, đường sá vô cùng khó khăn, nhất là về các xã vùng sâu, vùng xa như: Kon Pne (huyện Kbang), Đak Pling (huyện Kông Chro)… Đội xung kích chiếu phim lưu động khi đó chỉ có duy nhất mình là nữ”.

Chị Puih H'wê cùng nghệ nhân Siu Thanh trong chuyến biểu diễn tại Hà Nội (ảnh nhân vật cung cấp).

Chị Puih H'wê cùng nghệ nhân Siu Thanh trong chuyến biểu diễn tại Hà Nội (ảnh nhân vật cung cấp).

Tuy vậy, không tỏ ra “yếu thế” với nam giới, chị H'wê làm mọi việc như các thành viên trong đội, kể cả khuân vác máy móc, dụng cụ lội bộ hàng chục km đường đất gập ghềnh để vào các buôn làng xa xôi. “Đến buổi chiếu phim, mình tham gia quấn dây, chuẩn bị âm thanh, ánh sáng, khi cần thì sẵn sàng “nhảy” lên sân khấu hát hò, giao lưu cùng bà con. Sau buổi chiếu phim, bà con thường đãi cả đoàn ghè rượu, con gà và cùng nhau trò chuyện, giao lưu, bịn rịn không muốn rời. Vì vậy, đó là quãng thời gian vất vả nhưng cũng rất nhiều kỷ niệm ấm áp”-chị bồi hồi nhớ lại.

Sau thời gian tham gia Đội xung kích chiếu phim lưu động, chị H'wê trở về làm hướng dẫn viên tại Công viên Đồng Xanh (xã An Phú, TP. Pleiku). H'wê tự tin dùng vốn văn hóa dân tộc Jrai vào công việc. Chị nhớ lại những ngày đầu “bén duyên” với du lịch: “Công viên Đồng Xanh như một Tây Nguyên thu nhỏ, có nhà rông, nhà sàn, nhà mồ, hệ thống tượng gỗ và rất nhiều hiện vật dân tộc học. Không gian rộng lớn, nguyên sơ như được trở về với làng-rừng tự nhiên khiến du khách tìm đến tham quan, vui chơi rất đông. Mình hướng dẫn khách tìm hiểu bản sắc văn hóa Tây Nguyên, các lễ hội, phong tục, di sản cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống, phương thức canh tác cổ truyền… Đó là khoảng thời gian giúp mình tích lũy được nhiều kinh nghiệm về nghiệp vụ hướng dẫn, giao tiếp với khách và tri thức văn hóa”.

Hai thập kỷ gắn bó với Công ty cổ phần Du lịch Gia Lai, chị H'wê trải qua nhiều vị trí công tác trong chuỗi hoạt động kinh doanh của đơn vị. Đó cũng là thời kỳ nhiều biến động của ngành du lịch, dịch vụ trong cuộc “chuyển mình”, sau đó là những khó khăn trong 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trước khó khăn, thử thách, chị vẫn tích cực với công việc, được đánh giá là một trong những nhân viên “đa năng, chuyên nghiệp”.

Anh Mai Văn Huấn-Giám đốc Khách sạn Pleiku (Công ty cổ phần Du lịch Gia Lai) cho biết: “Từ năm 2018 đến nay, chị Puih Hwê phụ trách bộ phận sảnh của Khách sạn Pleiku. Chị là nhân viên siêng năng, chuyên nghiệp và trách nhiệm với công việc. Chị có thể phục vụ nhà hàng, tiệc cưới, khi cần có thể trở thành người dẫn chương trình, biểu diễn trên nhiều sân khấu. Nhờ giọng hát hay mà chị H'wê mang về cho Công ty không ít giải thưởng tại các liên hoan tiếng hát của ngành hay các cuộc thi tiếng hát hay trong và ngoài tỉnh”.

“Giữ hồn” dân ca

Có một Puih H'wê rất khác mỗi khi chị khoác lên mình bộ váy áo thổ cẩm của dân tộc Jrai dưới ánh đèn sân khấu. Chị sở hữu chất giọng trong trẻo và giàu cảm xúc, đặc biệt phù hợp với những bài dân ca cổ nói riêng và dòng nhạc Tây Nguyên nói chung. Được thầy Siu Phích (nguyên nghệ sĩ Đoàn Ca múa nhân dân Tây Nguyên, nay là Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San) chỉ dạy cách đây hơn 20 năm, chị H'wê thể hiện thành công nhiều bài dân ca Jrai. Chị thuộc rất nhiều bài dân ca và hát được bằng cả tiếng Bahnar, Jrai, từ hát giao duyên, hát ru đến hát kêu gọi người trong làng đi học, hát về cuộc đời mình…

“Mình thường tìm những bài dân ca do nhạc sĩ Phi Ưng, Lê Xuân Hoan sưu tầm và học hát. Càng tìm hiểu càng thấy cái hay của kho tàng dân ca Jrai, Bahnar và muốn giới thiệu đến mọi người”-chị H'wê bày tỏ.

Chị Puih H'Wê (bìa phải) chụp ảnh cùng đoàn nghệ nhân Bahnar, Jrai trước lăng Bác trong chuyến biểu diễn tháng 11-2023 tại Hà Nội. Ảnh NVCC

Chị Puih H'Wê (bìa phải) chụp ảnh cùng đoàn nghệ nhân Bahnar, Jrai trước lăng Bác trong chuyến biểu diễn tháng 11-2023 tại Hà Nội. Ảnh NVCC

Bén duyên với ánh đèn sân khấu từ những chương trình liên hoan “cây nhà lá vườn” cho tới các sân khấu lớn toàn quốc, H'wê không nhớ đã tham gia bao nhiêu hội diễn, cuộc thi. Năm 2023, chị tham gia hàng chục chương trình, trong đó có liên hoan “Đàn, hát dân ca 3 miền” tại Nghệ An (tham gia cùng đoàn nghệ nhân Gia Lai và thắng lớn với 1 huy chương vàng và 2 huy chương bạc). Song, ấn tượng hơn cả với cô gái Jrai này là chuyến đi Vĩnh Long (tháng 10-2023) và mới đây nhất là chuyến biểu diễn ở Hà Nội.

Chị kể: “Tại Vĩnh Long, đoàn nghệ nhân Jrai hơn 30 người tham gia biểu diễn một số tiết mục. Xóa tan những ngại ngần ban đầu, chúng tôi tự tin thể hiện những gì mình tâm đắc nhất và được tiếp đón rất nồng hậu, bố trí ăn ở khách sạn hạng sang, khi về còn được tặng mỗi người một giỏ quà. Tôi rất bất ngờ vì tình cảm yêu mến văn hóa Tây Nguyên như vậy”.

Mới đây nhất, chị cùng đoàn nghệ nhân Bahnar, Jrai biểu diễn tại Hà Nội trong chương trình liên hoan dân ca do Ban Văn nghệ (Đài Truyền hình Việt Nam) tổ chức ghi hình, phát sóng vào dịp Tết cổ truyền. Trong chuyến đi này, đoàn nghệ nhân Gia Lai có màn biểu diễn “Ngẫu hứng đại ngàn”.

“Tôi hát dân ca còn nghệ nhân Siu Thanh đệm đàn goong, cùng với đó là phần trình diễn cồng chiêng của 18 nghệ nhân Bahnar. Khán giả đông nghịt, vây quanh cổ vũ không ngừng. Một bác ngoài 80 tuổi ở Hải Phòng biết đoàn biểu diễn ở Nhà máy xe lửa Gia Lâm đã cùng với con trai lên tận nơi để giao lưu. Dù giọng đã yếu nhưng bác vẫn say sưa cùng tôi hát “Em đẹp như hoa pơ lang”, “Bóng cây kơ nia”, “Cô gái vót chông”… Rồi bác ôm từng người chúng tôi trong niềm xúc động. Hay cô Phạm Thu Hà-người từng công tác, gắn bó với Gia Lai hiện sống tại Hà Nội đến tặng quà cho đoàn và tặng cho mỗi thành viên 1 chiếc khăn khiến chúng tôi cảm thấy vô cùng ấm áp”.

Từ những chuyến đi như vậy, chị H'wê càng ý thức sức hấp dẫn, quyến rũ của văn hóa, nghệ thuật Tây Nguyên. Chị tâm sự: “Ngẫu hứng đại ngàn” là chương trình phát sinh ngoài kế hoạch nhưng nó đã cho thấy văn hóa Bahnar, Jrai có sức hấp dẫn với công chúng như thế nào. Nếu có cơ hội giới thiệu, quảng bá thì nhiều người càng hiểu và càng thêm yêu mến vẻ đẹp văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên”.

MINH CHÂU

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/doa-po-lang-cua-nui-rung-post257932.html