Đoàn công tác Bộ NN-PTNT làm việc tại Bình Định chỉ đạo khắc phục SX

Sáng 21/12, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Lê Quốc Doanh dẫn đầu đã về kiểm tra tình hình thiệt hại do lũ lụt gây ra tại Bình Định.

Thiệt hại nặng nề

Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cùng đoàn công tác Bộ NN-PTNT xuống vùng rau xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước).

Cảnh hoang tàn của hàng trăm hecta rau nơi đây khiến ai cũng bàng hoàng, xót xa. Nông dân xã Phước Hiệp trồng được 127ha rau các loại, trong đó có 5,7ha rau an toàn. Qua 5 đợt lũ xảy ra trong vòng một tháng rưỡi, toàn bộ diện tích rau ở Phước Hiệp đã bị hư hỏng toàn bộ.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chỉ đạo Bình Định khẩn trương khắc phục hậu quả lũ lụt để khôi phục SX

Tại “thủ phủ” mai cảnh làng Háo Đức, xã Nhơn An (TX An Nhơn), sau hơn 1 tháng chìm ngập trong nước lũ, toàn bộ những chậu mai từ 3 - 5 năm tuổi đều bị thối búp, rụng lá không thể xuất bán trong tết này được. Thiệt hại nhiều vô kể.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu, cho biết: 5 đợt mưa lũ vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho Bình Định. Tính đến nay đã có 39 người chết và mất tích, 10 người khác bị thương do lũ; 551 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 398 nhà bị tốc mái và 97.309 nhà bị ngập nước.

Ngành nông nghiệp thiệt hại nặng nề nhất với 2.253ha lúa vụ mùa trong giai đoạn chín bị ngập, ngã; 18.829ha lúa ĐX mới gieo sạ bị ngập, hư hỏng giống phải gieo sạ lại hoàn toàn; 5.262ha rau màu bị ngập hư hỏng; 200ha cây giống bị hư hại; 36.600 con gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi; 4.848 tấn lương thực và 1.012 tấn lúa giống trong nông hộ và giống lúa đã ngâm ủ không gieo sạ được bị ngập hư; 1,3 triệu cây mai bị thối búp, hư lá; 286ha nuôi trồng thủy sản bị ngập nước và 20 tàu cá bị lũ nhận chìm.

Hạ tầng thủy lợi của Bình Định cũng bị lũ tàn phá nặng nề: 96,6km đê, kè bị sạt lở nặng; 247km kênh mương bị sạt lở, bồi lấp; 36 đập dâng nhỏ bị hư hỏng; 31km bờ sông bị sạt lở.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh thăm vùng rau Phước Hiệp, huyện Tuy Phước

Đặc biệt công trình đầu mối hồ Vạn Hội bị sạt lở đất trong lòng hồ và hệ thống kênh Văn Phong bị hư hỏng nặng. Về giao thông có 128,5km đường giao thông bị hư hỏng nặng; 310 điểm sạt lở, 110 cống tiêu và 44 cầu bị sập hoàn toàn gây ách tắc giao thông. Tổng thiệt hại ước tính 1.695 tỷ đồng.

Dồn sức khắc phục

Ông Lê Thanh Tùng, Phó trưởng phòng Cây lượng thực (Cục Trồng trọt) nhận định: Vụ ĐX 2016 - 2017 ở Bình Định đã trễ dài ngày, riêng chân ruộng 3 vụ sau nhiều lần sạ đi sạ lại đã trễ hơn 1 tháng, chân ruộng 2 vụ cũng đã trễ đến 15 ngày. Khi khôi phục SX, cả chân 3 vụ lẫn 2 vụ sẽ xuống giống cùng lúc, Bình Định cần ưu tiên dùng giống ngắn ngày, cố gắng đến 15/1/2017 kết thúc gieo sạ là ổn.

“Về cây rau, vì tết đã cận kề nên nông dân muốn có rau kịp bán trong dịp tết phải trồng rau ăn lá có thời gian sinh trưởng khoảng 40 ngày, chúng tôi sẽ đề xuất Bộ NN-PTNT hỗ trợ giống rau cho bà con. Trong đợt này, thiệt hại về cây mai cũng sẽ được xem xét hỗ trợ”, ông Tùng nói.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh thăm cánh đồng hiện còn ngập lũ ỡ xã Phước An, huyện Tuy Phước

Ngoài hàng chục ngàn gia súc, gia cầm trên địa bàn Bình Định bị lũ cuốn trôi, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, đặc biệt quan tâm đến những thiệt hại về trứng trong những cơ sở ấp trứng gia cầm cung cấp con giống. Thực tế này sẽ khiến Bình Định phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng thiếu nguồn giống gia cầm tái đàn.

“Bình Định đang rất cần hỗ trợ con giống, đồng thời cần điều chỉnh lại mức hỗ trợ thiệt hại gia súc gia cầm vì hiện ở mức quá thấp so với thực tế. Để phòng trừ dịch bệnh sau lũ, Bình Định cần hỗ trợ khẩn cấp 200 ngàn liều LMLM, 200 ngàn liều vacxin phòng dịch tả lợn và 50 tấn hóa chất tiêu độc sát trùng các loại”, Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi đề xuất.

Thiệt hại nặng nề nhất của ngành nông nghiệp Bình Định là về giống lúa. Về vấn đề này, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đồng ý hỗ trợ bằng tiền để Bình Định chủ động liên hệ với các doanh nghiệp cung ứng giống kịp thời cho bà con kịp khôi phục SX.

“Dự báo từ ngày 26 đến cuối tháng 12/2016 trên địa bàn Bình Định tiếp tục có mưa lớn từ 100 - 300mm, vì vậy Bình Định cần cân nhắc thời điểm gieo sạ lại, kết thúc muộn nhất vào ngày 15/1/2017 để tránh tổn thất giống một lần nữa. Về giống, phải chọn giống ngắn ngày”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.

* Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y:

Trong thời gian cận Tết, hoạt động mua bán gia súc gia cầm sẽ mạnh lên, dễ phát sinh, lây lan dịch cúm gia cầm. Ngành chức năng ở Bình Định cần giám sát kỹ những ổ dịch cũ và tiêu độc khử trùng ngay những vùng nguy cơ phát sinh dịch bệnh cao như trang trại, cơ sở giết mổ. Trong công tác này, cần phải vệ sinh cơ giới sạch sẽ rồi mới phun thuốc tiêu độc.

* Ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ NTTS (Tổng cục Thủy sản):

Sau lũ, hạ tầng cơ sở phục vụ NTTS trên địa bàn Bình Định sẽ bị hư hỏng nhiều, cần phải đầu tư khắc phục. Đặc biệt, muốn tái SX an toàn, ngành chức năng ở Bình Định cần quan tâm đến công tác xử lý môi trường thật sạch và chuẩn bị kỹ càng nguồn giống phù hợp trước khi thả nuôi.

* Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định:

Để hỗ trợ dân sinh, sửa chữa hệ thống thủy lợi, hỗ trợ giống lúa khôi phục SX, trùng tu hạ tầng giao thông… Bình Định kiến nghị Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp 500 tỷ đồng và 3.000 tấn gạo để cứu trợ người dân bị thiệt hại do lũ ổn định đời sống.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/doan-cong-tac-bo-nn-ptnt-lam-viec-tai-binh-dinh-chi-dao-khac-phuc-sx-post183495.html