Đoàn đã đưa việc học tập, làm theo Bác Hồ vào đời sống thanh niên

Hội thi Olympic toàn quốc các môn khoa học Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh: 'Ánh sáng soi đường' thắp lên ngọn lửa đam mê trong những người trẻ tiếp nhận kiến thức môn học lý luận.

Bà Lâm Phương Thanh và anh Lê Quốc Phong trao giải nhất bảng đội tuyển cho đội tuyển TP.HCM - Ảnh: P.Hậu

Hiểu đúng để có đam mê

Dù không theo học các chuyên ngành lý luận, nhưng nhiều thí sinh tham gia so tài ở hội thi “Ánh sáng soi đường” đã chứng minh niềm đam mê học hỏi nhóm môn học này, giúp họ bước lên đỉnh vinh quang.

Vượt qua hàng trăm ngàn thí sinh, Phạm Văn Trường, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, xuất sắc giành giải nhất bảng thi cá nhân. Trường mê học lịch sử và nhiều lần dự nhiều cuộc thi các môn khoa học lý luận, tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo Trường, các môn lý luận khoa học không khô khan và buồn ngủ nếu mỗi bạn trẻ nhận thấy những ích lợi đem lại cho mình. Kiến thức từ các môn học Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giúp Trường biết cách tiếp cận, phân tích ở nhiều vấn đề khác nhau, rèn luyện tư duy logic trong phân tích hiện tượng và ứng dụng hằng ngày, nhất là biết cách trình bày lập luận.

Khi nhận thức những môn học này bổ ích, Trường nhận làm gia sư, hệ thống kiến thức bộ môn khoa học lý luận Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh cho bạn bè trước mỗi kỳ thi hết môn.

Bằng cách này, Trường góp phần nhen nhóm niềm đam mê học môn lý luận cho nhiều bạn bè cùng trang lứa.

Có cùng quan điểm, Lê Khả Hân, đội trưởng đội thi TP.HCM, giành giải nhất bảng thi đội tuyển, bày tỏ không phải ai đến với các môn học lý luận đều xuất phát từ đam mê nhưng mỗi bạn trẻ chọn cho mình một cách tiếp cận để xem xét cá nhân được hưởng những lợi ích từ môn học.

Trên thực tế, những môn học này giúp người trẻ rèn luyện, hình thành được bản lĩnh, nhận thức đúng đắn về chính trị để có hành động đúng trong thời đại thông tin đa chiều hiện nay.

Giành giải ba bảng thi cá nhân, Ngô Thị Thanh Nga, sinh viên năm cuối Trường ĐH Dược Hà Nội, chia sẻ bản thân phải vượt qua nhiều khó khăn để đến với hội thi. Kiến thức các môn học Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã học ở năm đầu tiên vào đại học nên Nga phải học tập và ôn luyện lại từ đầu, tham khảo nhiều nguồn tài liệu, cập nhật kiến thức để có thể vào được vòng thi cuối cùng. Nga cho rằng, để khích lệ sinh viên đến với môn học này thì hình thức giảng dạy phải đổi mới.

“Giảng viên thay vì giảng suông, sinh viên đọc chép khiến không khí lớp học dễ gây buồn ngủ thì nên đổi ngược lại để sinh viên tự chuẩn bị, trình bày vấn đề, chuẩn bị dữ liệu để thảo luận, phân tích về bài học sẽ hấp dẫn hơn và quá trình tự chuẩn bị ấy là sinh viên đang tự trang bị kiến thức cho chính mình”, Nga nói.

Nhân rộng hội thi

Theo thống kê của ban tổ chức, hội thi “Ánh sáng soi đường” qua 6 tuần thi trực tuyến đã thu hút 416.329 thí sinh của 675 trường CĐ, ĐH, HV trên cả nước tham gia, trong đó 214 sinh viên VN đang học tập ở nước ngoài. Số lượng thí sinh tham gia gấp hơn 2 lần so với hội thi lần đầu tiên tổ chức vào năm 2015.

GS-TS Nguyễn Trọng Chuẩn, nguyên Viện trưởng Viện Triết học (Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN), Trưởng ban giám khảo hội thi, cho rằng ấn tượng thành công nhất của hội thi không chỉ là số lượng thí sinh mà chất lượng, trình độ rất đồng đều, không chênh lệch như trước. Điều này chứng tỏ, thế hệ trẻ ngày nay không thờ ơ với môn học lý luận, đây là tín hiệu đáng mừng. Nhưng qua khảo sát và đề xuất từ phía thí sinh, công tác giảng dạy các môn học này trong nhà trường phải tiếp tục đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ thông tin vào phương pháp giảng dạy truyền thụ kiến thức thay cho giảng giải truyền thống như trước đây để hấp dẫn hơn. Đặc biệt là giáo trình các môn học này phải được cập nhật kiến thức mới, thời sự của đất nước và hướng dẫn ứng dụng kiến thức vào đời sống.

Cũng theo GS-TS Nguyễn Trọng Chuẩn, với bộ dữ liệu trên 3.000 câu hỏi trong mùa thi năm nay thành viên giám khảo xây dựng nhiều câu hỏi khó, đòi hỏi sự cập nhật kiến thức, tình hình thời sự đất nước nhưng thí sinh đều vượt qua rất xuất sắc, chứng tỏ phông nền kiến thức ở mức độ sâu rộng, dù không phải là sinh viên chuyên ngành.

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong cho rằng sau 2 lần tổ chức, hội thi “Ánh sáng soi đường” đã khẳng định đây là mô hình hiệu quả, thu hút sự quan tâm, tham gia tích cực của sinh viên VN và ngoài nước. Ở mỗi lần thi, không chỉ là sự tranh tài về mặt kiến thức mà còn trở thành sân chơi học thuật với sự tham gia hào hứng của thí sinh và khán giả. Kết quả của hội thi đã thực sự khơi dậy sự mong muốn được tìm hiểu những kiến thức lý luận chính trị trong sinh viên cả nước, cho thấy sự quan tâm rất lớn của thế hệ trẻ hôm nay đối với các môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

“Hội thi “Ánh sáng soi đường” đã thắp lên niềm đam mê cho sinh viên, thanh niên tham gia học tập, nghiên cứu các môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và giúp sinh viên có thêm kỹ năng, phương pháp vượt qua trở ngại trong việc tiếp nhận kiến thức lý luận một cách nhẹ nhàng, dễ nhớ...”, anh Phong nói.

Cũng theo anh Lê Quốc Phong, sau hai lần tổ chức, hội thi đã trở thành một mô hình được nhiều tỉnh, thành đoàn nhân rộng và không dừng ở sinh viên mà còn đang mở rộng ra nhiều đối tượng khác. Ý nghĩa và hiệu ứng của hội thi này khẳng định đây là một trong những giải pháp quan trọng và cần thiết trong công tác giáo dục của Đoàn, Hội ở các cấp góp phần xây dựng thế hệ sinh viên VN có “Tâm trong - Trí sáng - Hoài bão lớn”. Đây là hành động cụ thể nhất của Đoàn đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đi vào đời sống thanh niên.

Ý kiến

Tạo nhiều sân chơi học thuật lý luận

Qua hội thi cho thấy sinh viên không thờ ơ mà hào hứng với những môn học lý luận. Hội thi là hoạt động ngoại khóa hữu ích phải được duy trì tổ chức nhiều cấp và nhân rộng trên nhiều đối tượng, phạm vi để giúp thanh niên có môi trường, sân chơi học thuật lý luận để khẳng định sự hiểu biết, năng lực trình độ lý luận của bản thân.

Bùi Văn Linh (Vụ phó Vụ Công tác học sinh sinh viên, Bộ GD-ĐT )

Đổi mới cách dạy, cách học

Chủ nghĩa Mác-Lênin, lịch sử Đảng từ nhiều thế hệ sinh viên đã là môn khó học vì chỉ có thuần túy về mặt lý thuyết, nếu người học không hiểu được thì rất chán, buồn ngủ. Vì vậy, để tạo ra sức hấp dẫn thì cần đổi mới ở cả cách dạy và cách học.

Lê Văn Công (Sinh viên ĐH Lao động xã hội cơ sở 2)

Phan Hậu

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/gioi-tre/doan-da-dua-viec-hoc-tap-lam-theo-bac-ho-vao-doi-song-thanh-nien-836992.html