Đoàn Đại biểu quốc hội TP Hà Nội giám sát môi trường làng nghề tại huyện Đông Anh

Ngày 19-12, Đoàn Đại biểu quốc hội (ĐBQH) TP Hà Nội đã làm việc với huyện Đông Anh về việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo đảm môi trường tại các làng nghề truyền thống trên địa bàn.

Huyện Đông Anh nằm trong nhóm địa phương có mức độ ô nhiễm nhẹ của Hà Nội, nơi có làng nghề tập trung nhiều nhất là các xã: Vân Hà và Liên Hà. Trong đó, xã Vân Hà có dân số khoảng 10.000 người, số hộ sản xuất nghề thủ công khoảng 80% chia thành 5 thôn, hoạt động sản xuất chính của các làng nghề xã Vân Hà là sản xuất đồ gỗ dân dụng, đồ gỗ mỹ nghệ; kinh doanh các sản phẩm gỗ và sản xuất nông nghiệp.

Làng nghề bún Mạch Tràng chưa có hệ thống xả thải. Toàn bộ nước thải đổ ra mương Mạch Tràng, bốc mùi hôi thối (ảnh chụp ngày 19-12).

Với xã Liên Hà có dân số khoảng 17.000 người, số hộ sản xuất nghề thủ công khoảng 50% tương đương với 2.000 hộ chia ra cho 7 thôn, hoạt động sản xuất gỗ dân dụng, gỗ mỹ nghệ, gỗ phun sơn. Ngoài nguồn lao động tại địa phương của 2 xã, còn có một số lượng lao động của các địa phương khác cũng tham gia vào hoạt động sản xuất gỗ tại xã Vân Hà, Liên Hà.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Mạnh Quân, do đặc thù của nghề chế biến đồ gỗ có các công đoạn sản xuất ảnh hưởng đến môi trường, các thôn làng tại các xã trên đã chủ động đưa nội dung về bảo vệ môi trường vào trong các hương ước, quy ước của làng để có cơ sở từ nhắc nhở, giáo dục đến buộc thực hiện các biện pháp về bảo vệ môi trường chung.

Tuy nhiên, việc thực hiện xử lý chất thải chưa có sự kết nối đồng bộ. Theo kết quả khảo sát, đánh giá môi trường năm 2016: Môi trường nước tại đây do chưa có hệ thống xử lý nước thải nên chất lượng nước thải còn nhiều thông số bị vượt như: TSS, BOD5, COD, NH4+, Coliform. 4/9 điểm đo có độ ồn, hàm lượng bụi vượt quá giới hạn.

Đại biểu quốc hội Nguyễn Chiến thông tin, cử tri huyện Đông Anh có nguyện vọng mở các cụm công nghiệp theo một khu vực riêng, xem xét đấu nối hệ thống xả thải vào hệ thống thu gom nước thải của cụm công nghiệp.

Dù vậy, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Phạm Văn Trâm khẳng định, việc thực hiện phụ thuộc vào tiềm năng của các cơ sở sản xuất. “UBND huyện Đông Anh đang tiếp tục kêu gọi đầu tư, gom các hộ gia đình vào cụm công nghiệp để quản lý đồng thời tiếp tục quy hoạch và đang giải phóng mặt bằng để đầu tư 01 khu chợ nguyên liệu gỗ tại xã Vân Hà nhằm đưa hoạt động thương mại và sản xuất vào khu, cụm, tách việc sản xuất, đặc biệt là khâu sơ chế, cắt xẻ gỗ phát sinh bụi và tiếng ồn ra khỏi khu dân cư, từ đó xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường do sản xuất mang lại” - Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Phạm Văn Trâm nói.

Trong chương trình làm việc, Đoàn ĐBQH đã đến các xã: Vân Hà và Liên Hà và làng nghề bún Mạch Tràng xã Cổ Loa khảo sát thực trạng môi trường nơi đây. Làng nghề bún Mạch Tràng trước đây có 100 hộ làm bún, do tốc độ đô thị hóa cao, nghề làm bún thủ công xưa thu hẹp đi nhiều nhưng ngày càng tinh xảo, độc đáo. Bàn tay và sự tinh tế của thợ bún Mạch Tràng đã tạo ra thứ bún sợi dai, mầu trắng đục, không có chất bảo quản, ngon không lẫn vào đâu được. Người dân mong muốn được thành phố hỗ trợ xử lý nước thải, trang thiết bị, máy móc, kỹ thuật sản xuất cho các hộ sản xuất để tăng số lượng, chất lượng sản phẩm, đưa thương hiệu bún Mạch Tràng tới gần hơn nữa với nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô và các tỉnh, thành phố. Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội khẳng định, những đề xuất của Đông Anh sẽ được báo cáo lên thành phố để xem xét, giải quyết.

Hà Phong

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/858274/doan-dai-bieu-quoc-hoi-tp-ha-noi-giam-sat-moi-truong-lang-nghe-tai-huyen-dong-anh-