Đoàn doanh nghiệp hùng hậu của Đức đến Việt Nam

Tháp tùng Thị trưởng, Thủ hiến bang Berlin Klaus Wowereit trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam là một phái đoàn cao cấp gồm đại diện kinh tế và khoa học, trong đó có nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu của nước Đức.

Chuyến thăm bắt đầu từ ngày 27 đến 31.10.

Đại sứ quán Đức tại Hà Nội cho biết, trong chuyến thăm này, các tập đoàn kinh tế của Đức sẽ có những ký kết hợp tác với hàng không Việt Nam, và các đối tác khác.

Thị trưởng thành phố Berlin Klaus Wowereit

Tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, ngài Thị trưởng và Thủ hiến bang Berlin Klaus Wowereit sẽ có các buổi tiếp kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo và tham dự một hội nghị kinh tế quảng bá cho hình ảnh thủ đô Berlin. Trọng tâm của các buổi tiếp kiến là hợp tác giữa thủ đô Berlin và các doanh nghiệp Việt Nam cũng như hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học, cụ thể là với Học viện Ngân hàng (trường đối tác của Trường Đại học Kinh tế và Luật Berlin).

Tháp tùng ông Wowereit có thể kể đến ông Eric Schweitzer-Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Berlin (IHK). Ông Stephan Schwarz- Phó Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Berlin, Bà Melanie Behr-Giám đốc điều hành Tập đoàn Berlin Partner, GS-TS Hans-Ulrich Heiß- Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Kỹ thuật Berlin và GS- TS Bernd Reissert- Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế và Luật Berlin và đại diện các doanh nghiệp khác.

Trong 6 tháng đầu năm 2013, kim ngạch thương mại Việt – Đức đạt mức 3,7 tỷ USD tăng 29,5% so với cùng kỳ năm trước. Đầu tư trực tiếp của Đức tại Việt Nam đạt mức hơn 1 tỷ USD. Hơn 160 doanh nghiệp Đức đã có mặt tại Việt Nam.

Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Đức trong 6 tháng đạt 2,35 tỷ USD, tăng 22,35% và chiếm 18% tổng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU. Những mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu sang Đức chủ yếu là: Máy tính và các sản phẩm điện tử có sự tăng trưởng là 130% so với cùng kỳ. Sản phẩm về giấy tăng trưởng 85%; điện thoại và linh kiện tăng trưởng 81% so với cùng kỳ, quần áo và các sản phẩm may mặc cũng có sự tăng là 10%. Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Đức chủ yếu là máy móc và các thiết bị, ô tô và các sản phẩm hóa chất.

Đăng Thúy

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/doan-doanh-nghiep-hung-hau-cua-duc-den-viet-nam/20131026120910775p1c25.htm