Đoàn kết để định hình tương lai tốt đẹp

Ghi chép của phóng viên Báo Nhân Dân- Trong những ngày qua, thủ đô A-bu Đa-bi hiện đại và tươi đẹp chào đón sự kiện quan trọng: Hội nghị cấp cao Các nữ Chủ tịch Quốc hội (QH) thế giới lần thứ 11. Sự kiện này quy tụ đông đảo các nhà lãnh đạo QH, nghị viện, nhiều tổ chức uy tín của quốc gia, khu vực đến đây cùng nhau thảo luận hàng loạt vấn đề thời sự nóng bỏng mà cũng rất thiết thân với người dân mỗi quốc gia.

Trọng trách với thế hệ tương lai

Trong từng phiên thảo luận chuyên đề lớn, Ban Tổ chức nước chủ nhà và lãnh đạo Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) đã sắp xếp cách thức đối thoại mở và rất khoa học, mời lên sân khấu trung tâm nhóm các nhà lãnh đạo QH đại diện từ nhiều khu vực địa chính trị, nền văn hóa khác nhau tham gia trình bày nội dung cấp độ quốc gia, quốc tế. Tám phiên thảo luận diễn ra sôi nổi, các bài diễn thuyết ngắn gọn, đi vào trọng tâm các chủ đề, gồm: Đoàn kết thúc đẩy hòa bình và an ninh; Đoàn kết bảo đảm thịnh vượng cho các thế hệ tương lai; Đoàn kết bảo vệ một hành tinh khỏe mạnh; Quản trị sự khoan dung; Công nghệ chuyển đổi, những cơ hội và thách thức; Đổi mới nghị viện vì một tương lai tốt đẹp hơn...

Hội nghị dành hẳn một phiên thảo luận riêng cho các nữ Chủ tịch QH. Trên dãy ghế điều hành phía trước hội trường ngay trong khuôn viên khách sạn E-mi-rết tráng lệ, các nhà kinh tế hàng đầu, các diễn giả nổi tiếng được mời tham gia nêu một số vấn đề và phân tích các góc cạnh, góc nhìn đa chiều. Sau đó chủ tọa mời đại biểu lãnh đạo QH các nước làm rõ hơn thông điệp của mình trong từng trường hợp cụ thể, ở cấp độ quốc gia hay khu vực, trực tiếp trả lời khi có đại biểu phía dưới nêu câu hỏi.

Nhìn lại bước phát triển từ Hội nghị đầu tiên năm 2005 chỉ có 19 người đại diện cho lãnh đạo QH trên thế giới, đến năm nay đã có tới 52 nhà lãnh đạo QH là nữ trên thế giới tham gia. Điều đó thể hiện bước phát triển vượt bậc. Các nữ Chủ tịch QH không chỉ là những người hoạch định các chính sách rất quan trọng cho đất nước của họ, mà còn tích cực tham gia hoạch định những chính sách để thay đổi thế giới. “Thế giới có hơn 50% dân số là phụ nữ, chúng ta không thể để lực lượng quan trọng này đứng ngoài những chính sách xã hội...” - Chủ tịch IPU X.Chao-đu-ri nhận định.

Tiến sĩ A.An Ca-bai-xi, Chủ tịch Hội đồng Liên bang quốc gia (Quốc hội) UAE cho rằng, cùng nhau hành động không còn là khẩu hiệu xa lạ với các nữ Chủ tịch QH. Các nữ Chủ tịch QH giữ vai trò rất quan trọng trong định hình tương lai ở quốc gia của họ cũng như trong việc bảo vệ lợi ích của người dân và các thế hệ tương lai. Phụ nữ hiện là trung tâm của sự phát triển của xã hội. Họ thật sự là những nhà đầu tư, nhà kiến tạo lớn nhất cho hòa bình và an ninh quốc tế!

Hành động để ứng phó thách thức toàn cầu

Tầm mức quan trọng của sự kiện và sức hấp dẫn, thiết thực trong các chủ đề chính tại Hội nghị thể hiện qua những “con số biết nói”. Theo đại diện Trung tâm báo chí của Hội nghị, trong số 1.000 đại biểu có mặt tại UAE lần này, có hơn 100 nhân vật nổi tiếng, có ảnh hưởng lớn, là lãnh đạo tổ chức quốc tế, quan chức Chính phủ các nước, nhà khoa học, doanh nhân; cùng khoảng 400 nghị sĩ, đại biểu QH từ 50 quốc gia, trong đó có 100 nghị sĩ các nước A-rập; cùng khoảng 200 thành viên khách mời đặc biệt là những nhà sáng chế, phát minh tài ba với nhiều sản phẩm khoa học, kỹ thuật, công nghệ thông tin tiên phong đón bắt xu thế phát triển toàn cầu... Hàng trăm phóng viên quốc tế và nước bạn có mặt đưa tin, tổ chức các cuộc tọa đàm trực tuyến, trực tiếp ngay tại hành lang và bên ngoài hội trường.

Hội nghị cấp cao lần này đặt lên bàn nghị sự các vấn đề nóng và tìm phương hướng giải quyết khả thi, từ vấn đề chính trị, kinh tế đến môi trường, dân cư, cũng như đánh giá những xu thế có thể làm thay đổi thế giới. Các nhà lãnh đạo đứng đầu cơ quan lập pháp thế giới cùng thảo luận trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn nhìn nhận hiệu quả của các chính sách, pháp luật. Quan trọng hơn, họ quyết tâm triển khai thực hiện và sẵn sàng đón nhận xu thế thay đổi và đón bắt các cơ hội mới.

Ngoài ra, một loạt chủ đề gợi mở liên quan sự trao quyền cho phụ nữ, bình đẳng giới, những thách thức trong lĩnh vực pháp luật và lập pháp chịu tác động theo cách phi truyền thống trước thực tế thay đổi công nghệ diễn ra mọi lúc, mọi nơi. Mấu chốt ở chỗ, ngay từ nhận thức và hành động cụ thể, người đứng đầu các cơ quan lập pháp cần nhanh chóng và kịp thời đề xuất và thực hiện sáng kiến, để biến thách thức thành cơ hội...

Tuyên bố A-bu Đa-bi “Đoàn kết để định hình tương lai, vì một thế giới tốt đẹp hơn” đã được thông qua, nhấn mạnh tinh thần sẵn sàng và trách nhiệm hợp tác của Chủ tịch QH các nước trên thế giới, nhằm đối phó các thách thức đang đối mặt, trong đó các nghị sĩ phải xây dựng một mặt trận đoàn kết và hợp tác khu vực tư nhân, các tổ chức, cộng đồng... Tuyên bố khẳng định: Không thể giải quyết các thách thức toàn cầu nếu không tôn trọng quyền con người và đạt được bình đẳng giới ở mọi cấp độ trên toàn thế giới. Bình đẳng giới không chỉ là vấn đề quyền con người, mà còn là yêu cầu cơ bản, bức thiết để phát triển bền vững.

Điểm nhấn đặc biệt là, Hội nghị đề nghị IPU xem xét đưa ra Tuyên bố nghị viện quốc tế về sự khoan dung. Qua đó hướng tới thúc đẩy và gìn giữ các giá trị của con người và nguyên tắc khoan dung, để thúc đẩy hòa bình, an ninh và chống khủng bố, chống chủ nghĩa bạo lực cực đoan. Khoan dung trở thành một thông điệp chính thức, mạnh mẽ thể hiện quyết tâm hành động của Chủ tịch QH các nước. Rất nhiều lãnh đạo QH các nước chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm thúc đẩy lòng khoan dung và tôn trọng lẫn nhau trong tương lai không chỉ bằng lời nói, mà là hành động cụ thể, mạnh mẽ.

Đó cũng chính là tiếng nói chung của Chủ tịch QH Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân và bà A.Ca-xi-mi, Quốc vụ khanh phụ trách khoan dung của UAE trong cuộc gặp bên lề hội nghị. Chủ tịch QH nước ta cho rằng, điều đó cho thấy, Chính phủ UAE thể hiện quyết tâm trong việc đặt mục tiêu hàng đầu là nâng cao chất lượng cuộc sống và sự hài lòng của người dân, bất kể giai tầng, thành phần tôn giáo, dân tộc. Việc thúc đẩy sự khoan dung, một giá trị cơ bản được xã hội UAE và nhiều nước hết sức coi trọng, trong đó có Việt Nam. Khoan dung trở thành vị trí trung tâm, để phát triển bền vững và trong giải quyết những thách thức ở cấp độ toàn cầu và trong từng khu vực, mỗi quốc gia.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31550402-doan-ket-de-dinh-hinh-tuong-lai-tot-dep.html