Đoàn kết và đồng thuận

Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên ASEAN (AMM Retreat) đã vừa kết thúc phiên họp hẹp tại Hủa Hỉn (Thái Lan) sau 2 ngày làm việc (13 và 14-8). Một hội nghị hai ngày ngắn ngủi, các bộ trưởng cũng chỉ chọn 2 vấn đề để thảo luận nhưng cả hai được xem là chuyện căn cốt, liên quan đến tương lai của toàn khối. Hai nội dung ấy chính là định hướng tương lai của ASEAN giai đoạn sau 2015 (tức là sau khi lập một cộng đồng chung) và thúc đẩy quan hệ ASEAN-Trung Quốc nhân dịp kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác Chiến lược (2003-2013).

Thực ra cả hai vấn đề đều không mới và đều đã được xới xáo phần nào tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 46 (AMM-46) họp tại Brunei Darussalam hồi tháng 6. Cái mới ở đây là một phiên họp mang tính chuyên đề sâu với đối tượng hẹp mà mục đích không gì khác là hoạch định cho được những "nước cờ cao” về các vấn đề của khu vực. Với mục đích đó thì cũng cần khẳng định ngay, AMM Retreat lần này đã đạt được nhiều đích đến mà đích nào cũng quan trọng cả. Thứ nhất, đó là sự đồng thuận về việc cần hoạch định một tầm nhìn ASEAN sau cột mốc 2015. Kết quả cụ thể của sự đồng thuận này là: Các bộ trưởng sẽ kiến nghị Lãnh đạo Cấp cao ra Tuyên bố chính trị về việc xây dựng Định hướng tại Cấp cao ASEAN 23 tại Brunei Darussalam vào tháng 10 tới. Thứ hai, đó là sự đồng thuận tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN-Trung Quốc cho dù thực tế quan hệ đối tác giữa hai bên trong thời gian qua cũng chưa thực sự được coi là "cơm lành, canh ngọt”. Thứ ba, trong "chuyên đề Biển Đông”, các bộ trưởng đã đồng thuận nhấn mạnh rằng, cả hai bên (ASEAN-Trung Quốc) cần phải quan tâm và đẩy mạnh hơn nữa việc thương lượng và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) nhằm bảo đảm tốt hơn hòa bình, ổn định và an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. Cuối cùng, thành công bao trùm nhất, đáng nói nhất không phải ở các kết quả cụ thể nêu trên, có nghĩa là không phải là thành công mang tính định lượng mà là thành công có nhiều yếu tố định tính. Đó, không gì khác là sự đồng thuận ở mức cao đã thể hiện rõ nét hơn sự đoàn kết nhất trí trong nội bộ ASEAN- vấn đề mà chỉ một năm trước đây thôi đã khiến các nước nội khối phải ít nhiều đau đầu, còn các nước đối tác thì "nín thở” theo dõi với vẻ hoài nghi không giấu giếm.

Đối với vấn đề hoạch định đường hướng cho Cộng đồng chung vào sau thời điểm 2015, nhìn chung, các bộ trưởng đã bàn thảo và chỉ rõ: Định hướng ấy phải có tầm nhìn dài hạn, vừa kế thừa và nhân lên các thành tựu của quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN 2009-2015. Cũng vì muốn có tầm nhìn dài hạn nên ngay tại Hội nghị, các bộ trưởng đã đồng thời khởi động thảo luận về những vấn đề lớn, có tính nguyên tắc để định hướng cho quá trình xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau 2015 và lộ trình thực hiện. Cùng với đó, các bộ trưởng đã đồng thuận một quan điểm chung: ASEAN là một khối thống nhất và vì thế, các nước thành viên cần tăng cường hơn nữa các nỗ lực huy động nguồn lực, thực hiện tốt các chương trình hợp tác quan trọng của ASEAN như: Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN (MPAC), Kế hoạch hành động giai đoạn II Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI). Mục tiêu của các kế hoạch nói trên không gì khác là nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển, thúc đẩy quan hệ đối ngoại sâu rộng hơn nữa, tận dụng sự hỗ trợ của các đối tác phục vụ cho tiến trình xây dựng Cộng đồng để từ đó phát huy vai trò hạt nhân của ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề quan trọng của khu vực, qua đó nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực; tăng cường hơn nữa hiệu quả hoạt động và sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức của ASEAN, trong đó chú trọng nâng cao vai trò của Ban Thư ký ASEAN.

Đối với vấn đề thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN-Trung Quốc cũng như vấn đề Biển Đông đây tưởng như hai vấn đề tách biệt nhưng thực chất nó lại có mối liên hệ chặt chẽ và tương hỗ lẫn nhau. Nói tới thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược giữa ASEAN và Trung Quốc vì lợi ích mỗi bên người ta không thể không nói tới Biển Đông như một quân cờ trong bàn cờ quan hệ chính trị- an ninh, quốc phòng-thương mại giữa hai bên. Bởi đơn giản, sẽ không thể có một quan hệ Đối tác Chiến lược tốt giữa ASEAN- Trung Quốc khi mà cả hai chẳng thể tìm được tiếng nói chung trong tồn tại hay nói cách khác là thách thức lớn nhất luôn rập rình, đe dọa liên minh chiến lược này- ấy là tranh chấp lãnh hải tại Biển Đông. Nếu nhìn mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên trong cái tương quan này sẽ thấy: Rõ ràng vẫn đang còn đâu đó một "ẩn họa” lơ lửng mang tên Biển Đông khi mà các bên đồng thời đề cao việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải tại Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982); nhưng trái lại, Biển Đông vẫn có những cơ sóng ngầm, sóng lừng đang hoành hành mà cả hai bên chưa tìm được cách chế ngự hiệu quả. Riêng về vấn đề này, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trong khi đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng duy trì môi trường hòa bình, an ninh, ổn định tại Biển Đông; giải quyết hòa bình các tranh chấp, tôn trọng luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982 cũng đã nói nhiều đến việc các bên cần thực hiện đầy đủ, hiệu quả mọi khía cạnh của Tuyên bố DOC; khẳng định sự cần thiết của việc sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ửng xử COC.

Một COC đúng là thực sự cần thiết dù nó có thể không phải là chìa khóa mở ra vĩnh viễn cánh cửa hòa bình, an ninh an toàn cho Biển Đông; nhưng để đi đến COC thì con đường xem ra vẫn còn chông gai, khúc khuỷu. Bởi, nó là thứ không phải chỉ cần sự đồng thuận từ một phía- cái khó chính là đó. Và sẽ còn khó nữa nếu COC được bên nào đó sử dụng như một con bài để trấn áp đối tác; mà cái nguy cơ này đã được nhiều nhà phân tích nhắc đến. Nhưng, từ kết quả của hai ngày họp vừa kết thúc vào giữa tháng 8, có thể khẳng định một cách chắc chắn, ASEAN đã đoàn kết mà là sự đoàn kết chặt chẽ trong một mối quan tâm chung. Và, nếu duy trì sự đoàn kết thống nhất này, chắc rằng ASEAN sẽ tìm ra cách để nói chuyện với đối tác chiến lược của mình một cách hiệu quả trong ba ngày họp vào cuối tháng 8 này.

Hoàng Mai

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=68168&menu=1384&style=1