Đoàn Thanh Tài nỗ lực vươn lên từ con số 0

Đoàn Thanh Tài cho biết khi mới về Sân khấu Hoàng Thái Thanh, anh không biết tiếng nói sân khấu, không biết kỹ thuật biểu diễn, tập lấy hơi. Suốt 3 năm qua, anh nỗ lực để có cơ hội nhận nhiều vai diễn trong các vở kịch, mà mới đây nhất là vai Điệp trong vở “Lan và Điệp”.

*Phóng viên: Là một diễn viên trẻ nhưng lại được tin tưởng chọn đảm nhận vai nam chính Điệp trong vở “Lan và Điệp”, cảm giác của anh thế nào?

Đoàn Thanh Tài: - 3 năm trước, khi mới về Sân khấu Hoàng Thái Thanh, một câu thoại nói cũng không xong chứ nói gì đến việc diễn một vai chính như Điệp. Vì thế, cảm giác của tôi lúc này là vui quá vui! Qua vai Điệp, mọi người nhìn thấy được sự tiến bộ từng bước của tôi trong diễn xuất. Họ công nhận tôi là một diễn viên đóng kịch chứ không phải là một người mẫu lấn sân nữa. Sau cảm giác vui và hạnh phúc, tôi sẽ dành thời gian ngủ một giấc thật sâu vì cả tháng nay tập luyện vô cùng vất vả, có lúc suýt xỉu.

*Vai này “nặng” đến mức nào mà khiến cho một diễn viên cao to như anh phải suýt xỉu như vậy?

- Đầu tiên là đây là vai diễn chính xuyên suốt, hầu như cảnh nào cũng có mặt tôi (vở kéo dài 3 tiếng với 9 lớp diễn).Thứ 2, đây là vai diễn chính có tâm lý phức tạp nhất trong các vai diễn trên sân khấu của tôi từ trước đến nay. Nói đúng ra, tôi bị “tâm bệnh” nhiều hơn. Tôi quá áp lực trong 1 tháng trên sàn tập. Lúc nào, tôi cũng trăn trở, lo lắng không biết làm sao diễn để đạo diễn, khán giả không thất vọng về mình. Trước buổi công diễn, tôi cũng bệnh, phải uống thuốc cảm sốt mới lên sân khấu được.

Đoàn Thanh Tài và Ái Như trong vở "Lan và Điệp"

*Trong 9 lớp diễn, lớp diễn nào anh cảm thấy “khó” nhất?

- Cảnh cuối cùng là khó nhất! Sau bao nhiêu chuyện xảy ra và sau 6 năm xa cách, Điệp và Lan gặp nhau, cảm xúc ùa về mà Lan đã có chồng. Điệp phải giấu tất cả nỗi lòng vào trong, xem Lan như một người bạn thân. Cảnh này đạo diễn Thành Hội muốn có một cái kết đẹp như một bài thơ: nhẹ nhàng và sâu lắng.

*Kịch bản lần này có chút thay đổi nên nhân vật Điệp cũng khác hơn so với phiên bản cải lương khán giả thường thấy. Điều đó gây khó khăn và thuận lợi gì cho anh khi đảm nhận vai này?

- Trong bản cải lương, Điệp bị động trong chuyện tình cảm và con đường công danh của mình. Còn ở phiên bản kịch nói, Điệp chủ động hơn, có tư duy hiện đại và bản lĩnh của một người đàn ông muốn mình là trụ cột gia đình, lo được cho ba mẹ và vợ sắp cưới. Nhờ sự khác nhau đó, tôi ít bị so sánh với vai diễn của các đàn anh đã từng diễn. Nhưng cũng chính sự đổi khác đó khiến một số khán giả đã quen thuộc với hình ảnh cũ của Điệp khó chấp nhận được. Tôi phải làm sao truyền đạt được thông điệp mà kịch bản, đạo diễn muốn gởi gắm qua vai diễn này.

*Từ vai phụ trong các vở “Chuyện bây giờ mới kể”, “Trò chơi tham vọng” “Nửa đời hương phấn” đến 2 vai chính gần đây trong vở “Bao giờ sông cạn”, “Lan và Điệp”, anh đã đi những bước như thế nào?

- Khi về sân khấu Hoàng Thái Thanh, tôi là con số 0. Nhờ sự dìu dắt của chị Ái Như và anh Thành Hội tôi mới biết được tiếng nói sân khấu là gì, kỹ thuật biểu diễn là như thế nào, tập lấy hơi làm sao. Đa phần các diễn viên tại sân khấu này đều có kinh nghiệm dày dặn nên trong khi mọi người “đi” thì tôi phải “chạy” tăng tốc mới kịp. Nhớ lại khoảng thời gian 3 năm trước, học từng li từng tí mà thật khủng khiếp.

Đoàn Thanh Tài trong vở "Bao giờ sông cạn" (vở diễn vào Tốp 5 Giải Mai Vàng 2015 của Báo Người Lao Động)

*Nhiều diễn viên bỏ chạy khỏi sân khấu kịch vì thu nhập thấp, còn anh lại dành nhiều thời gian cho sân khấu. Tại sao thế?

- Về sân khấu Hoàng Thái Thanh, tôi như tìm được ngôi nhà thứ 2 của mình. Ở đây ai cũng yêu thương, giúp đỡ tôi như người thân ruột thịt thì không có lý do gì tôi phải ra đi cả. Được diễn trên sân khấu, được khán giả vỗ tay, được đàn anh đàn chị chỉ bảo…với tôi đó là những thứ vô giá.

*Hoàng Thái Thanh là sân khấu mà không phải nghệ sĩ nào được tin tưởng giao cơ hội những vai chính như thế. Có phải sự kiên nhẫn của anh là lợi thế?

- Tất cả mọi việc trong cuộc sống này xuất phát từ chữ duyên. Tôi về sân khấu này là nhờ chị Tuyết Thu giới thiệu. Từ đó, tôi luôn nghiêm túc, nỗ lực hết mình. Tôi nhớ chị Ái Như có nói một câu rằng: Chị không quan trọng một diễn viên diễn giỏi hay dở, chị chỉ quan trọng thái độ làm việc của họ thôi. Tôi biết mình còn diễn nhiều chỗ chưa tốt, còn thua nhiều người nhưng sự cố gắng từng ngày của tôi thì chắc hẳn sẽ hơn rất nhiều người. Nhờ đó, tôi được ưu ái giao cho những vai chính trong các vở diễn nổi tiếng nên khán giả biết đến nhiều.

*Anh từng nói muốn nỗ lực làm việc nghiêm túc để thay đổi hình ảnh mình, cụ thể là thay đổi điều gì?

- Trong mắt một số người tôi là kẻ muốn tạo xì - căng - đan để nổi tiếng. Tôi muốn bằng năng lực và thái độ làm việc của mình đề xóa tyan những suy nghĩ tiêu cực đó.

*Với những tai tiếng không hay xảy ra, anh có cảm thấy hối tiếc?

- Tôi hối tiếc vì mình sống bản năng quá. Nếu như lúc đó mình khéo léo hơn một chút, tỉnh táo hơn một chút thì có lẽ mọi chuyện không đến mức như vậy. Thôi đó cũng là bài học để mình khôn và trường thành hơn.

Đoàn Thanh Tài nói muốn làm việc nghiêm túc để thay đổi cái nhìn không tốt của một số người về mình

Bài: Hạ Nguyên. Ảnh: NSCC

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/doan-thanh-tai-no-luc-vuon-len-tu-con-so-0-2016020216294137.htm