Đoàn trường Ngoại thương siết chặt tiêu chuẩn tình nguyện

Sau tai nạn của 3 nữ sinh, Đoàn trường Ngoại thương lên kế hoạch tăng thời gian tập huấn, truyền thông các kỹ năng chặt chẽ hơn cho hoạt động tình nguyện.

Sinh viên Đại học Ngoại thương ra quân tình nguyện Mùa hè xanh ngày 21/6 tại trường. Ảnh: Đại học Ngoại thương.

Ngày 4/7, Bí thư Đoàn trường Đại học Ngoại thương Nguyễn Văn Triệu cho biết thầy cô cùng sinh viên và thành viên trong đội tình nguyện đang ở Hải Dương cùng gia đình lo hậu sự cho sinh viên Vũ Thị Xoa (19 tuổi).

Lễ an táng của em Phạm Thị Hải (19 tuổi) diễn ra sáng 4/7 ở Nghệ An và Nguyễn Thị Ngân (20 tuổi) chiều 3/7 tại Hà Nội. Cả ba nữ sinh bị nước suối Pác Hoóc cuốn khi cùng đoàn 21 người đi làm từ thiện ở Bình Liêu (Quảng Ninh).

Theo kế hoạch, chuyến đi của 21 sinh viên xuất phát từ ngày 29/6, dự kiến kéo dài nửa tháng rồi trở về Hà Nội chuẩn bị cho năm học mới. Cả ba em gặp nạn đều là sinh viên giỏi.

Năm nay, Đại học Ngoại thương có 20 đội tình nguyện đăng ký đi vùng sâu, vùng xa để làm từ thiện, xây dựng tủ sách, dạy học cho trẻ em nghèo... Mỗi đội có 20-25 người, tổng cộng khoảng 500 tình nguyện viên.

Theo ông Triệu, trước mỗi mùa tình nguyện, Đoàn trường đều lên kế hoạch báo cáo lãnh đạo nhà trường, khảo sát địa điểm, đi tiền trạm, xin tài trợ, tuyển tình nguyện viên, gửi công văn cho địa phương nơi đoàn đến, mua bảo hiểm cho các em rồi mới lên đường. Có mùa hè, gần 40 đội tình nguyện đăng ký đi song trường không đáp ứng hết bởi mỗi chuyến đi đều không đơn giản và cần ưu tiên sự an toàn của sinh viên.

Tình nguyện viên được tuyển là người đủ sức khỏe, có ý thức tự bảo vệ an toàn cho mình... Các em phải trải qua ít nhất 2-4 buổi tập huấn, có nhân viên y tế hướng dẫn thao tác cứu hộ khi gặp sự cố. Các em được truyền thông về những sự cố dọc đường như đuối nước, mưa lũ, sạt lở, lũ quét.

Gần 15 năm làm công tác đoàn và tổ chức tình nguyện ở Đại học Ngoại thương, ông Triệu nói đây là lần đầu tiên xảy ra tai nạn thương tâm và thừa nhận sự việc đã vượt khỏi phạm vi nhà trường, ảnh hưởng lớn đến phong trào chung của cả nước.

Sau tai nạn, Đoàn trường Ngoại thương sẽ xây dựng những tiêu chuẩn tình nguyện chặt chẽ hơn, tăng số buổi tập huấn, đào tạo cho sinh viên, đặc biệt tăng thêm giáo viên, cán bộ đi cùng đội tình nguyện. Ông cũng nói thêm, người thân của nữ sinh Vũ Thị Xoa đã dặn cán bộ Đoàn trường Ngoại thương rằng tai nạn lần này là bài học sâu sắc cho trường, cần tập huấn kỹ lưỡng cho và làm tốt công tác dự báo về thời tiết, địa hình phức tạp để tránh tai nạn tương tự xảy ra.

"Mong muốn của nhà trường là làm tốt hơn các khâu để đảm bảo an toàn cho các đoàn tình nguyện, chứ không phải hủy bỏ tất cả hoạt động mà nhiều thế hệ sinh viên Ngoại thương tâm huyết gây dựng nên", ông Triệu nói.

Cũng theo bí thư Đoàn, với thời gian hoạt động tình nguyện trong khoảng một tháng, có thể các em sinh viên không giúp được nhiều cho địa phương, nhưng quan trọng là hoạt động này khơi gợi mong muốn góp sức cho cộng đồng của người trẻ.

Lực lượng tìm kiếm các sinh viên mất tích tại suối Pác Hoóc đêm 2/7. Ảnh: quangninh.gov.vn

Ông Vũ Minh Lý, Giám đốc Trung tâm tình nguyện quốc gia cho biết, Trung ương Đoàn luôn yêu cầu các Đoàn trường, đơn vị Đoàn cơ sở phải đặt yếu tố an toàn của tình nguyện viên, sinh viên lên hàng đầu, phải tiến hành khảo sát, tiền trạm kỹ lưỡng để lên kế hoạch tình nguyện. Tai nạn với ba sinh viên Đại học Ngoại thương là sự việc rất đáng tiếc.

Giám đốc Trung tâm tình nguyện quốc gia cũng lưu ý các đội, nhóm, CLB tình nguyện khi hoạt động cần liên hệ trước với Đoàn thanh niên địa phương. Đi lại cần có người dẫn đường để an toàn, hiệu quả hơn, nhất là các khu vực có địa hình phức tạp. Đồng thời, các đơn vị, trường học tổ chức hoạt động tình nguyện cần tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng đảm bảo an toàn cho thanh niên tình nguyện.

Ông Mai Vũ Tuấn, Bí thư Huyện ủy Bình Liêu thông tin, trước hôm đến, Đoàn sinh viên Ngoại thương đã liên hệ với Huyện đoàn, sau đó tham gia tình nguyện ở xã Tình Húc. Buổi chiều 2/7 khi xong xuôi công việc, cả nhóm đi qua suối Pác Hoóc thì gặp nạn. "Lúc đó có người địa phương đi cùng, song suối sâu, dòng nước lớn và lòng suối như một cái ao nên không cứu được các em", ông Tuấn nói.

Khoảng 17h ngày 2/7, nhóm sinh viên tình nguyện 21 người thuộc Đại học Ngoại thương (Hà Nội) tới huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) để làm từ thiện. Khi đi qua suối Pác Hoóc, xã Tình Húc, 4 sinh viên bị lũ cuốn, một người được cứu thoát còn ba người mất tích. Sau hơn 8 giờ tìm kiếm, đội cứu hộ phát hiện thi thể các em gần nơi gặp nạn.

Theo VnExpress

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/doan-truong-ngoai-thuong-siet-chat-tieu-chuan-tinh-nguyen-d28336.html