Đoàn TTVN tại Olympic: Nào mình cùng... xin lỗi

Hai niềm hy vọng Thạch Kim Tuấn, Vương Thị Huyền sụp đổ hoàn toàn, trong khi “siêu kình ngư” Ánh Viên văng khỏi chung kết cả 3 nội dung. Đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic 2016 - phía sau kỳ tích đầy hào quang của Hoàng Xuân Vinh, có cả những lời xin lỗi và nước mắt mặn chát...

Thạch Kim Tuấn thất bại tại Olympic. Ảnh cắt từ clip

Bi kịch Kim Tuấn và nỗi buồn Ánh Viên

Kết thúc cú đẩy thứ 3 thất bại liên tiếp, Kim Tuấn đổ gục xuống sàn đấu, phải có người ra dìu mới có thể gượng dậy. Trong ánh mắt vô hồn, niềm hy vọng số 1 của TTVN mới thốt lên nổi “con xin lỗi” với lãnh đội Đỗ Đình Kháng và HLV Huỳnh Hữu Chí - những người bàng hoàng không hiểu chuyện gì đã xảy ra.

Chính Tuấn, trong 3 năm liên tiếp luôn đứng trong top 3 thế giới hạng 56kg tại các giải đấu quốc tế. Giải VĐTG năm 2014, anh đoạt 1 HCV, 2 HCB với mức tổng cử 296kg. Vậy mà ở Rio, Tuấn chỉ có thể đạt 130kg ở nội dung cử giật sở trường và hỏng cả 3 lần nội dung cử đẩy.

Trước đó, “đàn em” của Tuấn là đương kim Á quân thế giới Vương Thị Huyền cũng bị loại ngay sau nội dung cử đẩy do hỏng cả 3 lần. Huyền sau đó cũng đưa ra lời xin lỗi. Nỗi đau của đô cử lần đầu dự Olympic này còn nhân lên bội phần bởi đối thủ vô danh người Thái đã đoạt HCĐ hạng 48kg chỉ với 188kg, kém tới 6kg so với thành tích tốt nhất của cô.

Vừa bước ra khỏi bể bơi sau phần thi nội dung 200m hỗn hợp, chỉ xếp thứ 33/41 đấu thủ, Ánh Viên đã nghẹn ngào “xin lỗi” vì không đáp ứng được kỳ vọng. Viên thừa nhận thi đấu rất tệ và có một kỳ Olympic thất bại, dù trước đó tự tin sẽ hoàn thành mục tiêu “được bơi ở chung kết”. Không chỉ người hâm mộ mà ngay cả một bộ phận giới chuyên môn còn tin rằng cô gái vàng của bơi Việt Nam có thể tạo đột biến. Cuối cùng, Viên đã gây thất vọng, với 2 nội dung có kết quả thua xa khả năng.

Họ có thực sự đáng trách?

Vương Thị Huyền xin lỗi. Ánh Viên xin lỗi. Kim Tuấn xin lỗi. Họ có một điểm chung, đó là không thể vượt lên được chính mình. Ánh Viên có thể khá nhẹ nhàng, vì chưa phải gánh vác nhiệm vụ tranh huy chương. Còn với 2 đô cử, nhất là Kim Tuấn, đây thực sự là một thảm họa. Họ đã thua và gây thất vọng. Tuấn còn bị coi như một “tội đồ” và chính anh cũng mang nặng mặc cảm của một “tội đồ”. Thế nhưng, họ có thực sự đáng trách khi đã quyết tâm nỗ lực hết mình, luôn phải đối mặt với những nghịch cảnh cùng lỗ hổng ngay từ nền tảng, điều kiện cơ bản?

Người ta muốn Ánh Viên tạo nên điều gì đó đáng kể ở đấu trường Olympic, trong khi cô phải trải mình ra tập luyện, thi đấu ở quá nhiều nội dung để trở thành một “kỳ nhân SEA Games” chỉ 1 năm trước. Một kình ngư mới ăn tập chuyên nghiệp như Viên có “tài thánh” cũng không thể thích nghi, đó là thực tế. Nhiều người giờ tiếc giá như Viên được đầu tư chuyên biệt vài nội dung như 400m hỗn hợp, có thể đã có một vị trí trong top 5, top 6 Olympic.

Người ta đã đặt ngay Huyền vào vị trí của một niềm hy vọng huy chương khi cô vừa bất ngờ đoạt 2 HCB, 1 HCĐ thế giới, bất chấp mới chỉ là “lính mới” tại Olympic. Còn sau thảm bại của Kim Tuấn, lý do “nghe rất quen” tâm lý và chấn thương lại được viện dẫn. Vậy thử hỏi, khi đã là nhà vô địch thế giới thì Tuấn được chữa trị, đầu tư dinh dưỡng, thuốc men, nhân lực hỗ trợ như thế nào? Tại Brazil, cứ nhìn các đối thủ hàng đầu có cả một đội ngũ hùng hậu phục vụ mà thương cho Tuấn...

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-thao/doan-ttvn-tai-olympic-nao-minh-cung-xin-loi-582221.bld