Đoàn và "cuộc sống thực"

PN - Ngày 24/3 vừa qua, báo chí lại rộ lên việc một video clip quay cảnh một nữ sinh đánh bạn ngay tại lớp học lại được tung lên mạng. So với clip cảnh một nữ sinh trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) bị đánh gần đây, mức độ tàn bạo và tính chất xã hội đen ở video clip này "đậm đặc" hơn.

Thực ra, những vụ học sinh đánh nhau "dã man" như thế đã xảy ra ở nhiều nơi từ mấy năm nay, đã đẩy mối lo âu về đạo đức học sinh, kỷ cương học đường tới ngưỡng của sự chịu đựng. Các giới liên quan như nhà báo, nhà giáo và những người quan tâm đã lên tiếng về những chuyện nghiêm trọng đó. Nhà giáo dục Hồ Ngọc Đại có lẽ đã nói thay cho suy nghĩ của nhiều người: "Hãy tìm nguyên nhân của sự việc ngoài bản thân các em". Phụ huynh thì lên tiếng "lo lắng thắt ruột" về sự an toàn của con em. Bạn đọc các báo giấy và báo mạng đòi ngành giáo dục, nhà trường liên quan và công an, tòa án phải có ngay biện pháp kỷ luật, ngăn chặn tái diễn. Một vài trường đã thi hành kỷ luật học sinh sai phạm. Nhưng điều ngạc nhiên là Đoàn TNCS HCM (sau đây xin gọi tắt là Đoàn), tổ chức vẫn được kỳ vọng có ảnh hưởng quan trọng đối với sinh hoạt học đường của các em đã không dấy lên được một phong trào để lên án và đẩy lùi tình trạng bạo lực trong nhà trường. Ai cũng thấy rằng, dù sự việc xảy ra đau lòng đến đâu, nặng nề đến mức nào thì tội lỗi này của các em vẫn mang khuôn mặt "vị thành niên", "học sinh trong nhà trường" và đặc biệt là "nữ sinh"! Vì về bản chất, tuy chúng phản ánh phần nào tình trạng đạo đức xã hội, nhưng lại khác rất nhiều với những tội ác tương tự ngoài xã hội: nạn nhân cũng như thủ phạm đang tuổi học trò, hầu hết là đoàn viên. Với cách nhìn nhận đó, có lẽ không ai có ảnh hưởng và hiệu lực cũng như thích hợp hơn Đoàn để giúp nhà trường đưa ra biện pháp đề phòng, ngăn chặn và xử lý sự việc. Nếu Đoàn luôn cập nhật cuộc sống thì mầm mống của xung đột đã có thể được hóa giải giữa bạn bè hay đoàn viên với nhau trong trường trong lớp. Nếu Đoàn biết tổ chức sinh hoạt học đường nhẹ nhàng vui tươi, hấp dẫn, phong phú về hình thức cũng như nội dung, xây dựng được tình thân ái giữa các em thì có thể đã hạn chế được nhiều bùng nổ tâm lý của tuổi học trò. Hình như nhiệm vụ được gọi là "giáo dục đạo đức học đường" của Đoàn trường đã không còn sức sống. Phải chăng Đoàn chưa tìm được ngôn ngữ thích hợp để đối thoại với tuổi teen hiện đại? Phải chăng những bài học đạo đức vẫn được rao giảng lâu nay đã không làm thay đổi được hành vi của các em? Phải chăng, sinh hoạt Đoàn trong nhà trường dù vẫn có đấy nhưng xơ cứng, xa vời, và trong các em, kể cả đoàn viên, đang có một sinh hoạt cộng đồng khác, với những chuẩn mực hành động, đạo đức khác mà Đoàn không với tới được, thậm chí không hay biết? Tôi đồng ý với GS Hồ Ngọc Đại khi ông cho rằng, "nhà trường là nơi diễn ra cuộc sống thực chứ không phải là nơi chuẩn bị cho cuộc sống tương lai" (tuanvietnam.net). Một nhà giáo dục khác, GS Văn Như Cương đã mạnh dạn kiến nghị nên bỏ hẳn hàng chục tiết lý thuyết ông cho là không thích hợp và nặng nề trong học kì I của lớp 10 để dạy những kỹ năng sống phù hợp với lứa tuổi 15 như chăm sóc bản thân, giao tiếp, biết kính trọng ông bà cha mẹ, thầy cô giáo, biết sống thân thiện với bạn bè... Đó cũng là ý tưởng coi nhà trường là "cuộc sống thực", học sinh đang sống, đang hành động chứ không phải đang "chuẩn bị” sống... Và thực tế đã diễn ra đúng như vậy. Chúng ta biết, Đoàn đang thực hiện những dự án to lớn, đang triển khai nhiều phong trào rầm rộ, nhưng có lẽ, Đoàn phải là tổ chức luôn "có mặt" trong mọi sự kiện, nỗi vui buồn và những phút chao đảo của các em, những đứa trẻ luôn có xu hướng manh động và tự phát, luôn bị những ma lực bí ẩn của cuộc sống chi phối. Nguyễn Quang Thân

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/2010/Pages/doan-va-cuoc-song-thuc.aspx