Doanh nghiệp 24h: Cuộc chiến taxi, Uber, Grab ở…sân bay

Giá rẻ, nhanh được cho là thế mạnh cạnh tranh của Uber, Grab. Hiện nay, 2 ứng dụng xe công nghệ này đã lấn sang cả sân bay, thị trường được cho là thế mạnh của taxi truyền thống.

“Miếng bánh” sân bay trong cuộc chiến taxi, Uber, Grab

Không chỉ xuất hiện dày đặc trong nội thành Hà Nội, TP.HCM, hai hãng "taxi công nghệ" Uber và Grab đã bắt đầu lấn sân sang taxi sân bay, thị trường được cho là thế mạnh của nhiều hãng taxi truyền thống.

"Cuộc chiến" tại sân bay đã âm ỉ từ lâu, nhưng được cho là thực sự bị "châm ngòi" khi Uber đưa ra mức "đồng giá" 150.000 đồng/chuyến đi từ nội thành Hà Nội, bất kể điểm đón.

Còn tại TP.HCM, mức khuyến mãi đối với khách đi xe của Grab cho mỗi cuốc đi sân bay có khi lên đến 50.000 đồng. "Tính ra, một cuốc đi từ quận 1 ra sân bay Tân Sơn Nhất đi taxi thường 130.000 đồng, đi Grab 70.000 đồng còn được khuyến mãi, khách chỉ phải trả 20.000 đồng", anh Tín, một khách hàng cho biết. (Xem tiếp)

Uber vẫn chưa nộp đủ thuế

Trao đổi với PV sáng nay, ông Nguyễn Nam Bình, Phó cục trưởng Cục Thuế TP HCM cho biết, đến nay Uber B.V (Hà Lan) mới thực hiện nộp thuế tính trên 20% doanh thu mà Uber được hưởng và số thuế khấu trừ của các đối tác Uber B.V là các tài xế từ tháng 10/2016 đến nay.

Trong khi đó, yêu cầu của cơ quan thuế là Uber B.V phải có trách nhiệm khấu trừ và nộp thuế với cả doanh thu của tài xế từ khi Uber B.V vào hoạt động tại thị trường Việt Nam, tức từ năm 2014 đến trước tháng 10/2016.

Theo ông Bình, Uber nêu lý do là nhiều tài xế đã nghỉ việc, không liên lạc được, hay máy chủ đặt ở Hà Lan... dẫn đến việc khó thực hiện. "Cục Thuế Thành phố vẫn đang yêu cầu Uber thu thập các dữ liệu để có trách nhiệm khấu trừ và nộp thuế phần doanh thu của tài xế từ khi Uber B.V vào hoạt động tại thị trường Việt Nam đến trước tháng 10/2016", ông nói và cho biết, riêng các khoản thuế phát sinh mới hiện nay, Uber đang chấp hành rất tốt. (Xem tiếp)

Nhập đường từ Lào, vì sao doanh nghiệp không được hưởng ưu đãi thuế?

Bộ Tài chính cho biết đã nhận được công văn của Cục Hải quan tỉnh Quảng Nam về đề nghị hướng dẫn áp dụng thuế suất đối với mặt hàng đường nhập khẩu từ Lào.

Theo đó, Bộ Tài chính cho biết, căn cứ quy định của Nghị định 122, Thông tư 05-BCT, lượng đường mà Công ty TNHH Hoàng Nam Giang đã nhập khẩu (120 tấn đường) được xác định là lượng đường nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và áp dụng mức thuế suất nhập khẩu ngoài hạn ngạch là 80% (đối với đường thô) và 85%, 100% (đối với đường tinh).

Trường hợp Công ty Hoàng Nam Giang được Bộ Công Thương cấp thông báo giao quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan năm 2017 đối với mặt hàng đường thì công ty sẽ được áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 2,5% (giảm 50% so với mức thuế suất ATIGA) đối với lượng đường trong hạn ngạch nhập khẩu nếu đáp ứng được các điều kiện về vận chuyển và xuất xứ. (Xem tiếp)

Chuyện gì đang xảy ra ở Gilimex?

Kỳ đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 của GIL không mấy suôn sẻ khi lần đầu triệu tập chỉ có 68 cổ đông tham dự đại diện cho 54,15% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết, không đủ cổ đông tham dự dẫn đến phải tổ chức họp lần 2.

Tuy nhiên, tại lần họp thứ 2, chỉ có 78 cổ đông tham dự, sở hữu và đại diện số cổ phiếu có quyền biểu quyết hơn 7,2 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 52% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết của GIL.

Tỷ lệ cổ đông tham dự thấp được ban lãnh đạo GIL cho biết một số cổ đông lớn đã không tham dự đại hội. (Xem tiếp)

Linh Linh

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep-24h-cuoc-chien-taxi-uber-grab-osan-bay-2819823.html