Doanh nghiệp 24h: Những bất ngờ lớn năm 2016 – đến 'vua' cũng lỗ!

Nhiều doanh nghiệp niêm yết đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2016 cũng như cả năm 2016, bên cạnh những ngôi sao sáng mang lại lợi nhuận cao vẫn còn nhiều “ông lớn” bất ngờ báo kết quả làm ăn thua lỗ.

Điểm danh những “đại gia” bất ngờ thua lỗ

Bất ngờ nhất chắc hẳn là ông vua cá tra Thủy sản Hùng Vương (mã HVG) khi bất ngờ báo lỗ sau khi kiểm toán thực hiện soát xét.

Được biết, sau kiểm toán, các chỉ tiêu doanh thu lợi nhuận của HVG đều giảm. Niên độ tài chính 2015 – 2016, thay vì lãi sau thuế 87,4 tỷ đồng như báo cáo tự lập thì Hùng Vương chỉ còn lãi hơn 9,7 tỷ đồng. Lợi nhuận cổ đông công ty mẹ từ 64,6 tỷ đồng biến thành lỗ hơn 49,2 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên HVG lỗ ròng kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán.

Nguyên nhân ngoài do doanh thu thuần giảm, công ty còn bị lỗ hơn 32 tỷ đồng từ công ty liên doanh liên kết (báo cáo công ty tự lập báo lãi ở mục này hơn 32 tỷ đồng). Ngoài ra chi phí quản lý cũng được điều chỉnh tăng thêm. (Xem tiếp)

Quốc Cường Gia Lai: Lãi đột biến quý IV/2016 vẫn “lỡ hẹn” kế hoạch năm

CTCP Quốc Cường Gia Lai vừa công bố BCTC hợp nhất quý IV/2016 với doanh thu thuần gần 738 tỷ đồng, gấp 4,1 lần so với cùng kỳ nhờ chuyển nhượng đất nền dự án Hải Châu và bàn giao căn hộ các dự án cho khách hàng. Trong khi đó, giá vốn bán hàng chỉ gấp 3,86 lần giúp lợi nhuận gộp thu về gấp 11,5 lần so với cùng kỳ, đạt gần 74 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính giảm 66,7%, còn 1 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính tăng vọt từ mức gần 1 tỷ đồng lên 31,3 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí lãi vay.

Cùng với đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý cũng tăng mạnh theo doanh thu, ở mức lần lượt 7,9 tỷ đồng và 9,6 tỷ đồng. (Xem tiếp)

Bị cắt trợ cấp, hơn 1.000 công nhân may đồng loạt đình công

Sáng 10/2 có hơn 1.000 công nhân Công ty TNHH May mặc Onewoo (Cụm CN Hà Lam - Chợ Được, xã Bình Phục, H.Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) đã ngừng việc tập thể và tập trung ngay tại cổng công ty lẫn nhà xe.

Một số công nhân làm việc tại đây cho biết họ đồng loạt đình công vì trong quá trình làm việc họ đã không nhận được các chế độ thỏa đáng, ngược lại còn phải làm việc trong môi trường bị gò bó.

“Làm việc ở đây gò bó, bắt đầu làm việc từ 7 giờ 30 phút sáng nhưng phía công ty yêu cầu trước 7 giờ 20 phút phải có mặt, nếu đi trễ không được vào cổng. Đau ốm đột xuất chưa kịp xin phép cũng bị trừ lương gần gấp 3 lần so với một ngày công”, một công nhân búc xúc cho biết. (Xem tiếp)

Vietjet Air báo lãi gần 2.292 tỷ đồng năm 2016, nợ phải trả tăng vọt

Tại ngày 31/12/2016, tổng tài sản của hãng hàng không ở mức hơn 19.916 tỷ đồng, tăng tới 65,4% so với đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền ở mức gần 2.740 tỷ đồng, tăng 197% so với đầu năm. Phải thu ngắn hạn tăng 82,8%, lên 7.638 tỷ đồng, trong đó, phải thu ngắn hạn của khách hàng là 1.767 tỷ đồng và phải thu ngắn hạn khác là hơn 5.358 tỷ đồng. Hàng tồn kho giảm 22,6%, còn hơn 127 tỷ đồng.

Nợ phải trả của doanh nghiệp hiện ở mức 15.392 tỷ đồng, tăng 55,5% so với đầu năm, trong đó, vay ngắn hạn ở mức 6.036 tỷ đồng, tăng 70,4% trong khi vay dài hạn cũng ở mức gần 761 tỷ đồng trong khi đầu năm khoản mục này là 0 đồng. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp ở mức 3,4 lần. (Xem tiếp)

Vissan: Quý IV đạt 25 tỷ đồng lợi nhuận, tăng gần 15%

CTCP Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản – Vissan (mã VSN) đã công bố Báo cáo tài chính hợp nhất và công ty mẹ quý IV/2016. Theo đó, đối với báo cáo riêng, lợi nhuận quý IV/2016 của Vissan tăng gần 15% nhờ giá vốn và chi phí hoạt động trong kỳ giảm so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, doanh thu thuần quý IV đạt 944,3 tỷ đồng, giảm 12,3%; lũy kế nửa cuối năm đạt 1.838,9 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận thuần đạt gần 31 tỷ đồng, tăng 10,9%; 6 tháng cuối năm đạt 68,6 tỷ đồng, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đạt 69,8 tỷ đồng, giảm 4,9%, riêng quý IV đạt 31,4 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 6 tháng cuối năm đạt 55,7 tỷ đồng, riêng quý IV đạt 25 tỷ đồng, tăng 14,8% so với năm trước. (Xem tiếp)

Bộ Công Thương nói gì về tài sản của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa tại Bóng đèn Điện Quang?

Chiều 10/2, Bộ Công Thương đã phát đi thông báo liên quan đến số cổ phần mà Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đang nắm giữ tại CTCP Bóng đèn Điện Quang (mã DQC).

Theo Bộ Công Thương, trước khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công Thương vào năm 2010, bà Hồ Thị Kim Thoa đã có 18 năm công tác tại CTCP Bóng đèn Điện Quang; từ năm 2000 đến 2005 là Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty và từ 2005 đến 2010 là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc của Công ty.

Số cổ phần của CTCP Bóng đèn Điện Quang mà bà Hồ Thị Kim Thoa đang sở hữu là số cổ phần có được từ trước khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công Thương. Số cổ phần này đã được kê khai đầy đủ trong hồ sơ bổ nhiệm Thứ trưởng vào năm 2009 và đã được báo cáo lên các cơ quan có thẩm quyền trước khi có quyết định bổ nhiệm Thứ trưởng. (Xem tiếp)

Tường An: Thông qua phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 70%

Sáng ngày 10/02/2017, Đại hội đồng cổ đông bất thường của CTCP Dầu Thực Vật Tường An (mã TAC ) đã thông qua tất cả các nội dung trình tại đại hội.

Theo đó, TAC sẽ phát hành thêm cổ phiểu để tăng vốn điều lệ lên 322,66 tỷ đồng qua việc phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 10:7 tức cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu được thưởng mới 7 cổ phiếu. Nguồn thực hiện trích 113,9 tỷ đồng từ quỹ đầu tư phát triển và 18,9 tỷ đồng từ quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu của công ty.

Ngoài ra, TAC thông qua phát hành tối đa 1.613.317 cổ phiếu theo thương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) năm 2016 cho cán bộ nhân viên. Giá phát hành 27.000 đồng/cổ phần. Thời gian hạn chế chuyển nhượng 1 năm. (Xem tiếp)

Linh Linh

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/doanh-nghiep/doanh-nghiep-24h-nhung-bat-ngo-lon-nam-2016-den-vua-cung-lo-2456332.html