Doanh nghiệp cấp tập phát hành cổ phiếu

(baodautu.vn) Thị trường chứng khoán vừa trải qua một đợt thoái trào kéo dài, song nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn tiếp tục đưa ra kế hoạch phát hành cổ phiếu trong thời gian tới.

Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã cấp Giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu ra công chúng cho Công ty cổ phần Xây dựng số 12 (Vinaconex No12). Theo đó, Vinaconex No12 được phép chào bán 3 triệu cổ phiếu phổ thông (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu), trong đó 2,7 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu; 153.000 cổ phiếu chào bán cho Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex); 147.000 cổ phiếu chào bán cho cán bộ, công nhân viên. Tổng giá trị cổ phiếu chào bán tính theo mệnh giá là 30 tỷ đồng. Ngoài Vianconex No12, UBCKNN cũng đã cấp Giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu ra công chúng cho Công ty cổ phần Dược phẩm Viễn Đông (DVD). DVD được phép chào bán 7,09 triệu cổ phiếu phổ thông (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu), trong đó, 6.550.500 cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu; 539.500 cổ phiếu chào bán cho cán bộ, công nhân viên. Tổng giá trị cổ phiếu chào bán tính theo mệnh giá là 70,9 tỷ đồng. Những trường hợp của Vinaconex No12 hay DVD không hề hiếm, bởi không ít DN khác vẫn quyết định tăng vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu. Chẳng hạn, Ngân hàng thương mại cổ phần Đệ Nhất cũng sẽ chào bán 200 triệu cổ phiếu phổ thông. Dự kiến, việc tăng vốn của Ngân hàng Đệ Nhất sẽ chia thành 2 đợt. Đợt 1, sẽ có 100 triệu cổ phiếu được phân phối trong thời gian từ nay đến cuối tháng 11/2010. Đợt 2, 100 triệu cổ phiếu nữa sẽ được chào bán nốt vào cuối năm 2010. Tổng giá trị cổ phiếu chào bán tính theo mệnh giá là 2.000 tỷ đồng. Tổ chức tư vấn phát hành của Ngân hàng Đệ Nhất là Công ty Chứng khoán miền Nam. Trước đó, không ít ý kiến đã tỏ ra lo ngại về động thái phát hành rầm rộ của các DN từ nay đến cuối năm 2010 và cho rằng, đây chính là một trong những lý do gây nỗi e ngại về sự “lạm phát” nguồn cung trong giới đầu tư. Theo giám đốc một công ty chứng khoán, xét về mặt ngắn hạn, các đợt phát hành diễn ra với mật độ dày đặc ít nhiều sẽ thu hút một nguồn tiền nhất định của thị trường. Theo đó, nguồn cung gia tăng, trong khi nguồn tiền chưa được bổ sung kịp thời có thể sẽ gây áp lực không nhỏ lên thị trường. Tuy nhiên, giới phân tích lại cho rằng, nếu các DN có kế hoạch kinh doanh tốt thì việc phát hành cổ phiếu vẫn là việc làm cần thiết vì những lợi ích lâu dài, mang tính nền tảng. Ngoài ra, theo đại diện nhiều DN, một số đợt phát hành tăng vốn là việc nằm trong chiến lược dài hạn của DN. Do đó, không vì thị trường suy giảm mà DN buộc phải thay đổi chiến lược của mình. Ông Nguyễn Đức Thi, chuyên viên phân tích thuộc Phòng Phân tích và Đầu tư thuộc Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận xét, bên cạnh việc tiếp tục duy trì được hoạt động kinh doanh thuần, có khá nhiều DN đang thực hiện các dự án có triển vọng lợi nhuận tốt. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, cho dù việc phát hành vẫn sẽ tiến hành, nhưng DN cũng nên thận trọng cân nhắc, lựa chọn thời điểm có thể coi là thuận lợi nhất để tiến hành chào bán cổ phiếu, để đợt phát hành thành công.

Nguồn Đầu Tư: http://www.baodautu.vn/portal/public/vir/baivietchungkhoan/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/chude/chungkhoan/binhluannhandinh/cb4f23c67f00000101dafa54825ea03e