Doanh nghiệp “đầu thu số” phải thí điểm cạnh tranh tại Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam

ICTnews – Bộ TT&TT có chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất STB trong nước sẽ thí điểm sản xuất, cạnh tranh cung cấp thiết bị STB để phục vụ cho việc chuyển đổi số hóa truyền hình tại Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp này đang trông chờ nhà nước thực hiện cơ chế đặt hàng từ nguồn tiền hỗ trợ 1.710 tỷ đồng từ Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích

Thị trường cực kỳ mầu mỡ tuy nhiên đại diện các doanh nghiệp sản xuất STB trong nước gồm Hanel, Digilink, VTV Broadcom đã đồng thanh đề nghị Nhà nước thực hiện cơ chế đặt hàng các doanh nghiệp này sản xuất STB cung ứng ra thị trường. Ảnh Internet.

Trong thông báo kết luận mới đây của Bộ TT&TT về nội dung kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son tại phiên họp lần thứ 4 của Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình có nêu rõ, đối với việc sản xuất đầu thu truyền hình số mặt đất (STB) và kiểm soát chất lượng thiết bị, cần khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất các loại STB có chất lượng tốt, giá thành hợp lý để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng chỉ đạo, trước mắt các doanh nghiệp trong nước cần thí điểm sản xuất, cạnh tranh cung cấp thiết bị STB để phục vụ cho việc chuyển đổi số hóa truyền hình tại Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu kỹ phương án đặt hàngý 2/2014 .sản xuất STB, báo cáo Ban chỉ đạo vào quý 2/2014.

Đà Nẵng đã thí điểm phát sóng truyền hình số chuẩn DVB-T2/MPEG4 từ tháng 9/2013, tại thị trường này ước tính nhà nước sẽ chi hỗ trợ các đối tượng gia đình chính sách mua STB khoảng trên 10 tỷ đồng, chưa kể các hộ gia đình không trong diện được hỗ trợ sẽ phải tự mua STB để thu sóng truyền hình số.

Theo ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô truyến điện, số hóa truyền hình ở Việt Nam sẽ tạo ra một thị trường STB cực lớn, lên tới 350 triệu USD từ nay đến hết năm 2020. Nhà nước cũng đã quyết định chi hơn 1.710 tỷ đồng từ Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích để hỗ trợ các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các địa phương mua STB.

Thị trường cực kỳ mầu mỡ tuy nhiên đại diện các doanh nghiệp sản xuất STB trong nước gồm Hanel, Digilink, VTV Broadcom đã đồng thanh đề nghị Nhà nước thực hiện cơ chế đặt hàng các doanh nghiệp này sản xuất STB cung ứng ra thị trường. Bởi một lý do duy nhất là các doanh nghiệp này sẽ không thể cạnh tranh về giá cũng như mẫu mã sản phẩm đối với hàng Trung Quốc.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho rằng, nếu nhà nước không đặt hàng doanh nghiệp trong nước sẽ khó cạnh tranh về giá với hàng Trung Quốc, bởi linh kiện đều nhập từ Trung Quốc nên khó có thể làm rẻ hơn.

Trong khi các doanh nghiệp trong nước còn chần chừ, trông đợi miếng bánh” công ích của nhà nước thì một số doanh nghiệp Trung Quốc đã nhanh chân cung cấp các loại STB DVB-T2 vào Việt Nam, với thương hiệu APH, Quisheng có giá từ 600.000 – 700.000 đồng, tuy nhiên những sản phẩm này chưa được kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn của Việt Nam.

Liên quan đến việc đặt hàng hay không đặt hàng sản xuất STB phục vụ lộ trình số hóa truyền hình, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đã có chỉ đạo: Cần để thị trường tự do phát triển, nếu doanh nghiệp trong nước làm không tốt, doanh nghiệp Trung Quốc sẽ nhảy vào. Cơ chế đặt hàng dễ sinh ra độc quyền, dẫn đến giá cao, chất lượng thấp, do đó, doanh nghiệp trong nước phải sản xuất với giá thấp, chất lượng tốt để cung cấp ra thị trường. Nhà nước không đặt hàng là phương án tốt nhất, bất đắc dĩ mới phải đặt hàng. Trước mắt phục vụ cho thị trường Đà Nẵng, các doanh nghiệp nên lấy Đà Nẵng làm mục tiêu thí điểm, để người dân có quyền tự lựa chọn, người được hỗ trợ sẽ mang phiếu hỗ trợ đến để mua hàng do doanh nghiệp trong nước sản xuất và được trừ tiền, tạo sự cạnh tranh lành mạnh.

"Doanh nghiệp Việt Nam sẽ làm chủ thị trường Việt Nam. "Người Việt Nam chỉ ưu tiên dùng hàng Việt Nam" chứ không nên áp đặt người dân", Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh.

Theo số liệu của Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông, hiện cả nước có 22.355.645 hộ gia đình, trong đó có hơn 8 triệu hộ gia đình đang sử dụng truyền hình trả tiền và số mặt đất (chuẩn DVB-T do VTC phát sóng), còn lại là số hộ gia đình cần phải thực hiện số hóa truyền hình là hơn 14,3 triệu hộ gia đình. Nhà nước cũng đã phê duyệt Chương trình hỗ trợ đầu thu truyền hình số (vệ tinh hoặc mặt đất) các hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình chính sách, kinh phí thực hiện từ Chương trình này sẽ được chi từ Quỹ Dịch vụ Viễn thông Công ích, với tổng số tiền 1.710 tỷ đồng từ nay đến năm 2020.

Nguồn Infonet: http://ictnews.vn/vien-thong/so-hoa-truyen-hinh/doanh-nghiep-dau-thu-so-phai-thi-diem-canh-tranh-tai-da-nang-va-bac-quang-nam-115077.ict