Doanh nghiệp dệt may: Tăng tính chủ động và liên kết

(Chinhphu.vn) - Ngành dệt may được kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhiều nhất khi Hiệp định TPP được ký kết. Tuy nhiên, còn khá nhiều hạn chế ngành phải nhanh chóng khắc phục để đủ năng lực đón cơ hội.

Các doanh nghiệp dệt may đứng trước nhiều cơ hội và thách thức khi Hiệp định TPP được ký kết - Ảnh minh họa

Theo Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 8, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 11,5 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ. Trong tháng 8, một số doanh nghiệp đã ký đơn hàng xuất khẩu đến hết năm.

Thuận lợi là vậy, nhưng Bộ Công Thương cho rằng, song song với việc tiếp tục củng cố vị trí tại các thị trường xuất khẩu truyền thống và mở rộng thêm các thị trường tiềm năng, các doanh nghiệp trong ngành cần chủ động nguồn lực, đầu tư thiết bị công nghệ cho khâu dệt-nhuộm-hoàn tất, gia tăng giá trị bằng cách giảm dần gia công, phát triển thương hiệu và củng cố hệ thống phân phối sản phẩm để giữ vững thị phần ngay tại thị trường nội địa.

Hiện ngành dệt may vẫn chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, thiếu đầu tư vào phân khúc sợi-dệt-nhuộm-hoàn tất, nên 8 tháng so với cùng kỳ, sản xuất vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 192,1 triệu m2, giảm 2,5%; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 452,5 triệu m2, giảm 7,5%.

Ông Phạm Văn Liêm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách phát triển công nghiệp (Bộ Công Thương) đề xuất, để mở rộng thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp phải tiến tới mua nguyên liệu và bán sản phẩm theo thương hiệu của mình. Muốn làm được điều này, doanh nghiệp Việt Nam phải có sự liên kết với hệ thống phân phối ở nước ngoài.

Để phát huy được các lợi thế, ngành dệt may Việt Nam phải tăng tỷ lệ nội địa hóa để được hưởng chính sách ưu đãi. Do vậy, thời gian tới, cần tập trung sản xuất nguyên phụ liệu dệt may và nghiên cứu thiết kế mẫu mã thời trang, tiến tới giảm dần gia công và bán sản phẩm trực tiếp cho các nhà nhập khẩu nước ngoài.

Muốn thế, vai trò của Hiệp hội Dệt may Việt Nam với nhiệm vụ là cầu nối liên kết các doanh nghiệp để có thể xuất khẩu những lô sản phẩm không bị ép giá là rất quan trọng. Hiện nay, phần chúng ta đang làm gia công bị ép giá rất nhiều, trong đó có nguyên nhân do bản thân giữa các doanh nghiệp cạnh tranh hạ giá, tự gây sức ép cho mình. Cần khắc phục được những điều này mới có thể giúp ngành dệt may phát triển bền vững.

Công Trí

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/kinh-te/doanh-nghiep-det-may-tang-tinh-chu-dong-va-lien-ket/180225.vgp