Doanh nghiệp đồng hành cùng sản xuất nông nghiệp

Để thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp đòi hỏi phải có sự liên kết giữa nông dân và nông dân, nông dân và doanh nghiệp, phát triển chuỗi sản xuất nông sản với mối liên kết “bốn nhà”.

Các đại diểu dự diễn đàn “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Việt”. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Tại diễn đàn “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Việt” do Tập đoàn Vingroup – Công ty VinEco và Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp tổ chức ngày 14/12 tại Hà Nội, các chuyên gia cho rằng, để thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp, mang diện mạo mới đến cho nông sản Việt đòi hỏi phải có sự liên kết giữa nông dân và nông dân, nông dân và doanh nghiệp, phát triển chuỗi sản xuất nông sản với mối liên kết “bốn nhà”.

Theo ông Nguyễn Hữu Triệu (Phường 3, Tây Ninh) từ trước tới nay, nông dân luôn là người chịu thiệt trong chuỗi sản xuất nông sản. Nếu được mùa thì bị tư thương ép giá.

Do vậy, nông dân rất mong muốn được hợp tác với các doanh nghiệp, giúp tiêu thụ sản phẩm nông sản, bởi đây là khâu khó nhất đối với nông dân.

Từ khi ông Triệu cũng như nhiều nông dân khác trong vùng ký hợp đồng trồng thanh long cung cấp cho Công ty Vineco , họ đã yên tâm hơn về đầu ra sản phẩm.

Để được bao tiêu sản phẩm và mua với giá cao hơn thị trường, những người nông dân phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo hướng dẫn của công ty.

Theo ông Triệu, công ty cũng có các đoàn kiểm gia riêng biệt để đánh giá chất lượng, đồng thời đem sản phẩm đi kiểm nghiệm theo hình thức đột xuất.

Cùng chung niềm vui như ông Triệu khi được ký kết với doanh nghiệp, ông Tống Văn Phong, Tổ trưởng Tổ hợp tác Quýt đường (xã Vĩnh Thới, Lai Vung, Đồng Tháp) nhận xét, lợi nhất là đầu ra sản phẩm được đảm bảo, tạo điều kiện cho nông dân đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng nên giá cả cũng luôn ổn định.

Để ký được hợp đồng hợp tác với doanh nghiệp, theo ông Phong, nông dân phải tổ chức lại sản xuất, kiểm soát tốt chất lượng đầu vào, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định và chủ yếu sử dụng các sản phẩm hữu cơ để đảm bảo nông sản sạch.

Theo bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, chất lượng nông sản chưa cao là do còn hạn chế trong quản lý đầu vào.

Nông dân chưa nắm được thông tin, cách thức về sản xuất an toàn. Khi có sự hỗ trợ của doanh nghiệp sẽ là cơ sở để giúp người dân sản xuất an toàn, tiêu thụ sản phẩm.

Cần khuyến khích nông dân tham gia các mô hình hợp tác để nhận được hỗ trợ của doanh nghiệp.

Để thúc đẩy sự liên kết sản xuất trong nông nghiệp, ông Trần Đức Viên, nguyên Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, cần ưu tiên phát triển các doanh nghiệp mạnh có khả năng bao tiêu nông sản bền vững.

Do đó, cần đẩy mạnh xây dựng chính sách tích tụ đất, đây là cơ cở thúc đẩy doanh nghiệp liên kết nông dân.

Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể hơn về các mô hình liên kết trong lĩnh vực trồng trọt (cánh đồng lớn), thủy sản, chăn nuôi…

Từng bước tái cơ cấu hệ thống khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo hiệu quả hơn, có những chính sách ưu tiên doanh nghiệp tham gia cùng đầu tư ở các cơ sở nghiên cứu khoa học để phát triển công nghệ mà thị trường yêu cầu.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cũng khẳng định, doanh nghiệp có vai trò dẫn dắt nông dân, dẫn dắt nền nông nghiệp bền vững vào hội nhập.

Đây là lực lượng chủ lực đưa cơ giới hóa vào sản xuất, dẫn dắt kinh tế nông hộ, hợp tác xã, tổ hợp tác cùng phát triển.

Doanh nghiệp cũng là đơn vị đi đầu trong tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, là hạt nhân liên kết nông dân với thị trường.

Xác định được điểm này, trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai hàng loạt các giải pháp hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh hoạt động đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Bên cạnh các chính sách, Bộ đã và đang tích cực cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, đơn giản dễ tiếp cận, đặc biệt cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước thông qua nhóm thu hút đầu tư nông nghiệp, nông thôn gồm 40 doanh nghiệp đầu tàu.

Hiện Bộ đang xây dựng Chiến lược thu hút đầu tư vào nông lâm nghiệp, ngư nghiệp đến năm 2030./.

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/doanh-nghiep-dong-hanh-cung-san-xuat-nong-nghiep/30779.html