Doanh nghiệp gỗ quay về giành lại thị trường nội địa

Sau những vụ việc ồn ào về tranh chấp hợp đồng xuất khẩu, gần đây doanh nghiệp gỗ bắt đầu nhận thấy tầm quan trọng của thị trường nội địa và quay về giành lại chỗ đứng.

Theo thống kê của Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM (HAWA) chỉ khoảng 40% doanh số tiêu thụ đồ gỗ trong nước thuộc về các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam. Đến 60% là các sản phẩm của các doanh nghiệp Malaysia, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan... Tuy nhiên vẫn chưa muộn để doanh nghiệp gỗ Việt Nam có thể gia tăng được thị phần nội đia, khi tận dụng tối đa lợi thế của mình, nhất là khi các hiệp định thương mại tự do đang tới gần.

Nhiều doanh nghiệp quay lại nội địa để làm bệ đỡ cho những rủi ro xuất khẩu. Ảnh: SGGP

Đang nằm trong tâm bão tranh chấp với doanh nghiệp của chồng ca sĩ Thu Minh, nhưng những ngày gần đây, Công ty TNHH Gia Hân cũng tranh thủ ra mắt chi nhánh mới để củng cố thị trường nội địa. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng đang tận dụng kênh online để thúc đẩy bán hàng trong nước, thay vì rốt ráo tìm kiếm hợp đồng đặt hàng xuất khẩu.

Đại diện Gia Hân cho biết, phần lớn doanh nghiệp gỗ Việt Nam có quy mô nhỏ, nên việc mải miết tìm đơn hàng xuất khẩu sẽ gặp phải những rủi ro lớn. Vì vậy việc nhận thức lại tầm quan trọng của thị trường nội địa giúp doanh nghiệp có bệ đỡ an toàn hơn.

"Không nhất thiết là bỏ hẳn xuất khẩu nhưng chúng tôi đang chú trọng hơn vào thị trường nội địa. Điều này ít ra cũng có chỗ dựa tốt trước những rủi ro xuất khẩu”, đại diện Gia Hân chia sẻ.

Ông Trần Việt Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần Mỹ thuật Gia Long cũng cho rằng, sự phát triển về số lượng cửa hàng nội thất của doanh nghiệp trong nước thời gian gần đây, cũng như sự đa dạng sản phẩm đã cho thấy doanh nghiệp gỗ nhìn nhận nghiêm túc hơn về thị trường nội địa”.

Số liệu từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, hiện nay nhu cầu đồ gỗ trong nước đang có sự gia tăng nhanh chóng. Ước tính doanh thu từ thị trường nội địa của ngành gỗ đạt khoảng 3 tỷ USD/năm (bằng một nửa doanh thu xuất khẩu, hiện doanh thu xuất khẩu gỗ đạt khoảng 7 tỷ USD năm 2015). Rõ ràng đây là một thị trường không nhỏ để các doanh nghiệp trong nước có thể tận dụng để gia tăng doanh thu và thị phần.

Theo ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Công ty Mifaco, việc quay lại thị trường đã được tính toán rất kỹ từ những năm gần đây. Tuy vậy, thị trường trong nước luôn có “biến”, các doanh nghiệp vẫn còn rất dè dặt. Trở lại thị trường trong nước mặc dù là sân nhà, nhưng cần phải có sự liên kết giữa nhiều bên để có thể tham gia vào chuỗi kinh doanh sản phẩm phù hợp với mình.

“Sự liên kết các bên này cũng đem đến nhiều cơ hội cho đầu ra sản phẩm và doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư dây chuyền, nhà xưởng ưu tiên sản xuất cho thị trường nội địa với những đơn hàng nhỏ lẻ. Hiện nay, doanh thu xuất khẩu của công ty khoảng 250 tỷ mỗi năm. Tuy nhiên, nếu khai thác tốt thị trường nội địa thì vài năm tới cũng có thể đạt được con số tương đương”, ông Hiệp khẳng định.

Cũng theo các doanh nghiệp, việc giành lại thị trường nội địa từ các công ty nước ngoài không phải là quá khó nếu công ty trong nước hợp tác được với nhau. Tuy nhiên, kênh bán hàng vẫn là rào cản lớn cho các doanh nghiệp nội, nên việc liên kết cùng nhau xây dựng các trung tâm phân phối là điều nên làm.

Ông Huỳnh Văn Hạnh - Phó chủ tịch HAWA, cho rằng sau hơn 2 năm quay trở về bán sản phẩm tại thị trường nội địa, tỉ lệ hàng nội thất của các doanh nghiệp Việt đã tăng 20% lên 40%, hàng ngoại mất dần ưu thế.

"Điều cần nhất của các doanh nghiêp là phải coi trọng thị trường trong nước, vì đây là sân nhà, là thị trường mà chính bản thân doanh am hiểu nhất", ông Hạnh nói.

Cũng theo Phó chủ tịch HAWA, với đồ gỗ, nội thất, nhu cầu của thị trường nội địa mỗi năm tiêu thụ khoảng 3 tỷ USD. Về lâu dài nhu cầu sẽ tăng lên, và đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt giành lấy thị phần trước khi có sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ các thương hiệu nước ngoài.

Nhìn nhận chung của các doanh nghiệp đang “chinh chiến” tại thị trường nội là hàng nội thất Việt Nam chưa khẳng định được thương hiệu, chưa nhiều người tiêu dùng biết đến cho dù chất lượng sản phẩm khá tốt. Thực tế, nhiều doanh nghiệp khi quay trở về đã tổ chức đầu tư khâu thiết kế, phát triển sản phẩm riêng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong nước, nhưng lại gặp khó khăn trong vấn đề phân phối, tiếp thị bán lẻ. Hiện doanh số khai thác thị trường nội địa (chiếm 30% tổng doanh thu) của các doanh nghiệp chủ yếu từ các công trình, dự án.

Bình Nguyên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/doanh-nghiep-go-quay-ve-gianh-lai-thi-truong-noi-dia-post675557.html