Doanh nghiệp không còn'lúng túng'trong chuyển giao công nghệ

Cần phải sửa đổi, bổ sung Luật để tạo môi trường pháp lý thuận lợi và phù hợp thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ.

Sau 10 năm triển khai thực hiện Luật Chuyển giao công nghệ (CGCN), đến nay, bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, khu vực và thế giới đã có nhiều thay đổi, làn sóng đổi mới công nghệ tốc độ cao song hành với hội nhập và tự do hóa thương mại toàn cầu sẽ tạo sức ép cạnh tranh rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, buộc các doanh nghiệp phải rà soát lại mô hình kinh doanh; cải thiện phương thức cung cấp sản phẩm, dịch vụ và không ngừng đổi mới công nghệ để thích ứng với các thay đổi của thị trường.

Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương luôn xác định lấy KH&CN làm động lực để phát triển

Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương luôn xác định lấy KH&CN làm động lực để phát triển

Như vậy, cần phải sửa đổi, bổ sung Luật để tạo môi trường pháp lý thuận lợi và phù hợp thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển đất nước nhanh và bền vững trong bối cảnh mới.

Cải thiện năng lực công nghệ của doanh nghiệp

Được thành lập năm 2003, Công ty TNHH Tư vấn Y dược Quốc tế (IMC) là một công ty chuyên nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm thực phẩm chức năng và các hợp chất thiên nhiên, các sản phẩm dạng viên nén, viên bao phim, dạng túi cốm, thành phẩm vi sinh vật. Công ty luôn xác định công nghệ cao là một trong những mục tiêu mà họ muốn hướng tới.

IMC là doanh nghiệp tiên phong tại Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất thực phẩm chức năng

Thời điểm năm 2004, cụm từ “thực phẩm chức năng” còn khá mới mẻ ở Việt Nam, Hội đồng quản trị của Công ty IMC đã đi tìm cách tiếp quản công nghệ nước ngoài. Năm 2003 họ đã tìm kiếm được một công nghệ sản xuất ra loại men vi sinh của Mỹ, tuy nhiên do thời điểm đó Việt Nam chưa có Luật CGCN khiến Công ty gặp nhiều lúng túng.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty IMC cho biết, thời điểm trước năm 2006 khi chưa có Luật CGCN mọi thứ còn “mơ hồ”. Một là, doanh nghiệp có thể chấp nhận mất vì không có ai bảo hộ công nghệ, hai là có thể công nghệ đó bị lạc hậu bản thân doanh nghiệp cũng không biết vì không có hội đồng thẩm định, không có đơn vị giám sát, doanh nghiệp lúc đó như người đi trong bóng tối. Rất may doanh nghiệp cũng thành công.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Trần Thị Kim Liên – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương cho biết, khi chưa có Luật CGCN, chúng tôi đi mua tài sản trí tuệ chủ yếu dựa vào cảm tính, bằng định giá cơ hội kinh doanh trên thị trường để định giá sản phẩm.

Kể từ 1/7/2007 Luật CGCN chính thức có hiệu lực. Từ đó đến nay, Luật CGCN đã góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới và CGCN trong nước, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) trong sản xuất và đời sống, từng bước giúp cải thiện năng lực công nghệ của doanh nghiệp và nền kinh tế. Thông qua hoạt động CGCN, một số ngành, lĩnh vực đã tiếp nhận và làm chủ những công nghệ tiên tiến, đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

“Trong gần 10 năm qua khi thực hiện Luật CGCN, Công ty Cổ phần Giống cây trồng trung ương đã giành kinh phí gần 50 tỷ để chuyển giao 15 giống từ viện, trường trong đó có 7 giống từ nước ngoài. Việc chuyển giao này đã tạo diện mạo mới giúp công ty phát triển mạnh mẽ. Nhờ chuyển giao và ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất nông nghiệp, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương đã trở thành một trong những công ty lớn nhất trong ngành giống cây trồng ở Việt Nam”, bà Trần Thị Kim Liên cho biết.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Hoàng cho hay, năm 2006 khi Luật CGCN ra đời, Công ty IMC đã thực hiện CGCN sản xuất vi tảo từ một viện nghiên cứu trong nước, việc CGCN không còn “lúng túng” như trước nữa.

Yêu cầu mới trong quản lý công nghệ

Thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội trong nước cũng đặt ra yêu cầu mới trong công tác quản lý công nghệ, thẩm định công nghệ các dự án đầu tư, thách thức đối với cơ quan quản lý nhà nước trong việc một mặt đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, thu hút đầu tư nước ngoài để gia tăng nguồn lực phát triển đất nước, mặt khác kiểm soát được thực trạng công nghệ, đặc biệt là công nghệ trong các dự án đầu tư để bảo đảm gìn giữ môi trường và phát triển bền vững.

TS. Đỗ Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ KH&CN cho biết, Luật CGCN sau gần một thập kỷ đi vào cuộc sống đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập. Về phát triển thị trường KH&CN, có một số quy định qua thực tế thi hành bộc lộ những hạn chế, một số vấn đề mới phát sinh trong quá trình hội nhập chưa được giải quyết như quy định về phát triển thị trường công nghệ chưa bao trùm được đầy đủ các vấn đề của thị trường công nghệ gồm tổ chức trung gian, nguồn cung công nghệ, nguồn cầu công nghệ. Đối với phát triển nguồn cung nguồn cầu công nghệ, thiếu các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ hiệu quả từ nhà nước.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/bo-khcn/doanh-nghiep-khong-conlung-tungtrong-chuyen-giao-cong-nghe-3337601/