Doanh nghiệp 'không ngủ' với nông dân, sẽ không dám đầu tư vào nông nghiệp

Sáng 8.9, tại Hà Nội, Ban Kinh tế T.Ư phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Phát triển Doanh nghiệp nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới”.

Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại diễn đàn sáng 7.9 (Ảnh: Xuân Hải)

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kêu gọi doanh nghiệp đầu từ vào nông nghiệp

Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, chủ trì diễn đàn. Tham dự có đại điện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các nhà khoa học, lãnh đạo các địa phương.

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Bình nêu rõ: Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế về phát triển nông nghiệp. Trong những năm qua, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước, nông nghiệp Việt Nam đã liên tục phát triển, đạt được nhiều thành tựu to lớn, đóng góp quan trọng vào tiến trình phát triển đất nước, nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng thấp, tăng trưởng trong ngành nông nghiệp trong những năm gần đây có xu hướng giảm, nông nghiệp phát triển kém bền vững. Một trong những nguyên nhân quan trọng của những hạn chế, yếu kém trên là do phương thức sản xuất nông nghiệp ở nước ta chủ yếu dựa trên quy mô sản xuất hộ gia đình nhỏ lẻ, manh mún; doanh nghiệp, hợp tác xã chậm phát triển; sản xuất kinh doanh nông nghiệp thiếu liên kết.

“Trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, để nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp, cần có những rà soát, đánh giá tổng thể, nhận diện các vấn đề cốt lõi, các nguyên nhân sâu xa dẫn tới tình trạng trên, từ đó, có những giải pháp phù hợp và hiệu quả nhằm phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” – ông Bình nhấn mạnh.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã thừa nhận, việc huy động các nguồn lực ngoài ngân sách cho phát triển nông nghiệp nông thôn chưa tương xứng với nhiệm vụ và nhu cầu phát triển ngành. Đầu tư của xã hội cho nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng rất thấp, khoảng 5,4 - 5,6% tổng đầu tư cả nước, trong khi nông nghiệp vẫn đóng góp 17,7% GDP cả nước (năm 2014).

Đánh giá cao sự đóng góp của các doang nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trong thời gian quan, tuy nhiên ông Cường cũng thẳng thắn cho rằng, việc đầu tư của doanh nghiệp tư nhân trong nước vào nông nghiệp còn thấp, thiếu ổn định; số lượng doanh nghiệp nông lâm thủy sản (NLTS) còn ít và có xu hướng giảm trong thời gian gần đây. Trong 10 tháng đầu năm 2015, số doanh nghiệp NLTS thành lập mới là 1.814 doanh nghiệp tăng 69,37% so với cùng kỳ năm 2014; tuy nhiên, số ngừng hoạt động và giải thể cũng khá lớn 2.019 doanh nghiệp tăng 77,11% so với cùng kỳ năm 2014.

“Tại Hội nghị này, thay mặt Bộ Nông nghiệp và PTNT tôi kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tiếp tục quan tâm đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, chung tay, góp sức cùng Nhà nước và bà con nông dân phát triển nông nghiệp, nông thôn” – ông Cường nhấn mạnh.

Nhà nước cần có chính sách ưu đãi khi cho doanh nghiệp vay vốn

Tại diễn đàn các đại biểu đã tập trung thảo luận về 3 nhóm vấn đề chính. Thứ nhất là thống nhất và nâng cao nhận thức về vai trò của doanh nghiệp là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; Vấn đề thứ hai các tham luận đã nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong phát triển doanh nghiệp nông nghiệp. Thứ ba là về thực trạng, giải pháp thu hút doanh nghiệp tham gia trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Cty CP mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa) cho rằng nếu doanh nghiệp mà không có tâm, không gắn bó với nông dân, “không ngủ” với nông dân thì sẽ không dám đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Ông Tam cũng chia sẻ, chính Công ty mía đường Lam Sơn đã mở trường cao đẳng nghề để dạy nghề cho con em nông dân từ đó nông dân sẽ có nghề, có trình độ và từ đó mới nâng cao được năng xuất lao động.

Ông Tam đề nghị nhà nước cần có những chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp khi tham gia đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn mới như chính sách ưu đãi về lãi xuất cho doanh nghiệp vay vốn. Bên cạnh đó, cần có những mô hình liên kết trong sản xuất giữa hộ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp.

Theo Ban Tổ chức, những nội dung thảo luận tại diễn đàn sẽ được chắt lọc, xã hội hóa, vận dụng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp tham gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Clip Diễn đàn do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với các đơn vị tổ chức.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/chinh-tri/doanh-nghiep-khong-ngu-voi-nong-dan-se-khong-dam-dau-tu-vao-nong-nghiep-590629.bld