Doanh nghiệp 'lắc đầu' với xe tải điện vì chi phí đắt đỏ

Chi phí đầu tư ban đầu cao, tầm di chuyển hạn chế, hạ tầng trạm sạc còn thiếu, và chi phí vận hành lớn là những yếu tố khiến xe tải đầu kéo điện chưa được doanh nghiệp đón nhận.

Xe đầu kéo điện Freightliner eCascadia của hãng sản xuất xe tải Daimler Truck (Đức). Ảnh: Ajot.com

Xe đầu kéo điện Freightliner eCascadia của hãng sản xuất xe tải Daimler Truck (Đức). Ảnh: Ajot.com

Nhu cầu không như kỳ vọng

Trong nhiều năm trước đây, ban lãnh đạo của Công ty thuê xe tải Ryder System (Mỹ) nghe một số khách hàng lớn nhất bày tỏ nhu cầu chuyển sử dụng các xe đầu kéo chạy bằng pin. Nhưng hiện nay, khi những chiếc xe này đã có sẵn, rất ít khách hàng muốn trả tiền thuê chúng.

“Xe tải điện không có tính khả thi kinh tế đối với hầu hết các công ty”, Robert Sanchez, CEO của Ryder, công ty quản lý 250.000 xe tải hạng nặng và xe tải van cho hàng chục nghìn nhà bán lẻ và nhà sản xuất, nói.

Kinh nghiệm của Ryder phản ánh những thách thức mà chính quyền tiểu bang và liên bang của Mỹ đối mặt khi họ cố gắng thúc đẩy chuyển đổi từ đội xe tải chạy bằng nhiêu liệu diesel gây ô nhiễm nặng sang các phương tiện không phát thải.

Điều này cũng chỉ ra rằng các nhà sản xuất xe tải cần phải đạt những tiến bộ đáng kể về trọng lượng pin, phạm vi hoạt động và thời gian sạc để xe tải điện có thể thực sự cạnh tranh với xe tải chạy bằng dầu diesel trong lĩnh vực vận tải hàng hóa có tính cạnh tranh cao với tỷ suất lợi nhuận mỏng.

Daimler Truck (Đức) đã ra mắt mẫu xe tải đầu kéo chạy bằng pin Freightliner eCascadia vào năm 2022, nhưng nhu cầu không đạt kỳ vọng.

“Thành thật mà nói, nhu cầu xe tải đầu kéo điện không mạnh như những gì chúng tôi mong muốn”, Rakesh Aneja, người đứng đầu bộ phận eMobility ở chi nhánh Bắc Mỹ của hãng xe tải Daimler Truck (Đức), nói.

Aneja cho biết, lượng đơn đặt hàng Freightliner eCascadia năm nay ngang bằng với năm 2023. Doanh số bán Freightliner eCascadia không cải thiện bất chấp sức ép từ các chính phủ, các cơ quan quản lý và từ bên trong các công ty nhằm giảm ô nhiễm từ hoạt động vận tải.

Xe đầu kéo điện có giá bán cao gấp ba lần so với xe đầu kéo chạy bằng dầu diesel. Xe đầu kéo điện, với bộ pin khổng lồ, có thể có giá hơn 400.000 đô la Mỹ và chúng không thể chạy những chặng đường dài mà không dừng lại để sạc pin. Các chương trình trợ cấp của liên bang và tiểu bang giúp bù đắp chi phí mua xe đầu kéo điện, nhưng chi phí vận hành và các vấn đề khác gây ra những trở ngại lớn.

Các tài xế xe tải phàn nàn hoạt động của xe đầu kéo điện quá khó thiết lập, quá tốn kém để vận hành. Ngoài ra, có thể mất nhiều năm để lắp đặt các trạm sạc cho cho xe đầu kéo điện có quãng đường vận hành chưa bằng một nửa so với xe đầu kéo chạy bằng dầu diesel giữa các lần tiếp nhiên liệu. Đó là chưa kể cần ít nhất vài giờ để sạc lại pin cho xe đầu kéo điện.

Cách đây 1 năm, Ryder ra mắt một chương trình dịch vụ chuyên dụng để giúp các công ty thiết lập và vận hành đội xe tải chạy bằng pin, bao gồm lắp đặt thiết bị sạc và bảo trì phương tiện.

Ryder cho biết, cho đến nay, công ty mới chỉ cho thuê 60 xe tải điện thông qua chương trình và hầu hết trong số đó là xe tải hạng nhẹ. Theo Ryder, chỉ ba công ty đang thuê xe tải điện hạng nặng nhưng chúng chỉ được sử dụng trong phạm vi các sân bãi để vận chuyển các rơ-moóc giữa các điểm đỗ xe và điểm bốc dỡ hàng.

Sanchez, CEO của Ryder cho rằng các công ty chỉ chuyển sang xe tải điện khi phương tiện này có thể cạnh tranh với xe tải động cơ diesel về chi phí vận hành.

Một chiếc xe đầu kéo điện hoạt động ở cảng Los Angeles, bang California, Mỹ. Ảnh: NY Times

Một chiếc xe đầu kéo điện hoạt động ở cảng Los Angeles, bang California, Mỹ. Ảnh: NY Times

Chi phí vận hành tốn kém

Ryder gần đây phân tích chi phí vận hành hàng năm của xe tải thương mại chạy bằng pin và nhận thấy chi phí cao hơn đáng kể so với xe tải chạy bằng dầu diesel truyền thống. Phân tích này giả định rằng cơ sở hạ tầng cung cấp khả năng sạc nhanh đã sẵn có và tập trung vào các chi phí như mua xe, bảo trì, nhân công và nhiên liệu.

Rider nhận thấy những chiếc xe tải van chạy bằng pin làm tăng chi phí vận hành hàng năm lên vài điểm phần trăm. Đối với xe tải hạng nặng, sự khác biệt về chi phí càng trở nên rõ rệt hơn, với chi phí vận hành hàng năm của xe đầu kéo điện đắt gấp đôi so với xe tải chạy dầu diesel. Ryder cho biết chi phí vận hành xe tải điện cao hơn sẽ khiến cước vận chuyển tăng thêm từ 0,5-1%.

Những người ủng hộ xe tải điện cho rằng chúng tiết kiệm chi phí hơn so với xe tải chạy bằng dầu diesel vì chúng có ít linh kiện cơ khí hơn xe tải động cơ đốt trong, vì vậy, ít cần bảo trì, sửa chữa hơn. Nhưng theo một số công ty vận tải đường bộ, xe tải điện chưa hoạt động trên đường đủ lâu để chứng thực những lợi ích đó.

Lợi ích rõ ràng của xe tải điện giúp tiết kiệm chi phí nhiên liệu. Nhưng vì xe tải điện nặng hơn xe tải chạy bằng dầu diesel và cần vài giờ để sạc lại pin, nên các công ty cần nhiều phương tiện và tài xế hơn để vận chuyển cùng một khối lượng hàng hóa như xe tải chạy bằng diesel. Phân tích của Ryder ước tính rằng một công ty sẽ cần gần hai xe đầu kéo điện và hơn hai tài xế để vận chuyến khối lượng hàng hóa tương đương của một chiếc xe đầu kéo chạy bằng dầu diesel.

Các vấn đề vận hành khác cũng nảy sinh trong quá trình hoạt động của xe đầu kéo điện. Penske Truck Leasing, công ty đang thực hiện chương trình cho thuê thí điểm xe tải chạy điện, phát hiện ra rằng, do xe tải điện nặng hơn nên lốp của chúng mòn nhanh hơn. Công ty cũng nhận thấy một số chi phí bảo trì tốn kém hơn so với xe tải chạy bằng diesel vì phụ tùng của xe tải điện hiếm hơn và đắt hơn.

Theo Paul Rosa, Phó chủ tịch của Penske Truck Leasing, vẫn có sự quan tâm lớn đến các phương tiện không phát thải. Ông ghi nhận, một vài năm trước, khách hàng muốn chuyển đổi sang xe tải điện “ngay lập tức”, nhưng giờ đây họ hành động chậm lại.

Các công y vận tải đường bộ kỳ vọng những tiến bộ công nghệ, chẳng hạn như pin nhỏ hơn, nhẹ hơn, mang lại phạm vi hoạt động xa hơn giữa các lần sạc, cuối cùng sẽ làm giảm chi phí của xe tải điện. Trong khi đó, chính quyền liên bang và một số tiểu bang đang ban hành các quy định thúc đẩy các hãng vận tải phải chuyển đổi sang phương tiện chạy pin.

Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) gần đây đưa ra một quy định bắt buộc các nhà sản xuất xe tải tăng doanh số xe tải chạy bằng pin hơn vào cuối thập niên này.

Các tổ chức thương mại địa phương và quốc gia phản đối quy định này. “Với 96% các công ty vận tải đường bộ của Mỹ vận hành từ 10 xe tải trở xuống, những quy định này đơn giản là quá tốn kém đối với hầu hết họ”, Hiệp hội Vận tải đường bộ Mỹ cho biết trong một tuyên bố vào đầu tháng này.

Theo WSJ

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-lac-dau-voi-xe-tai-dien-vi-chi-phi-dat-do/