Doanh nghiệp lọc nước biển để nuôi tôm

Trong khi rất nhiều bà con nông dân, doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản phải “trắng tay” vì tình trạng ô nhiễm nguồn nước thì ngược lại, một doanh nghiệp đã dám chi cả nghìn tỷ đồng chỉ để… lọc nước biển và đầu tư công nghệ nuôi tôm an toàn.

Chính những bước đầu tư mạo hiểm này của ông Nguyễn Hoàng Anh - Tổng giám đốc Công ty Nam Miền Trung (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) đã giúp doanh nghiệp này vào top những doanh nghiệp cung cấp tôm giống chất lượng của cả nước.

Nguồn nước sạch là điều kiện quan trọng nhất trong quy trình nuôi tôm

Từ khi sự cố môi trường xảy ra tại các tỉnh miền Trung, hàng loạt doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản đã phải “nuốt trái đắng”, chịu cảnh tôm chết, dịch bệnh, thất thu… Nhận biết điều này, công ty Nam Miền Trung đã đầu tư nguyên đội tàu công suất lớn, chỉ để ra biển… chở nước biển về nuôi tôm.

Câu chuyện đầu tư có vẻ phi lý này của ông Hoàng Anh lại đem tới hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp. Nguyên nhân, theo ông Hoàng Anh, nuôi tôm quan trọng nhất là khâu “nuôi nước”. Nguồn nước sạch đảm bảo chất lượng sản phẩm, tăng tỉ lệ sống và sức kháng bệnh cho tôm giống. Theo đó, toàn bộ quy trình nuôi tôm của Nam Miền Trung sử dụng nước biển tự nhiên được lấy từ xa bờ để tránh các nguồn ô nhiễm và được lọc bằng công nghệ xử lý tiên tiến.

“Nước mặn được lấy tại vùng biển Cà Nà, cách bờ khoảng 10km. Hàng ngày, các tàu khai thác khoảng 1500m3 nước biển cung cấp cho quy trình sản xuất. Vị trí lấy nước được khảo sát, quan trắc thường xuyên đảm bảo các chỉ tiêu đầu vào”, ông Hoàng Anh chia sẻ.

Điểm ưu việt mô hình này là tối ưu hóa được việc sử dụng nước biển để tiết kiệm nguồn nước và không đưa nước thải ra môi trường sau mỗi vụ nuôi. Hơn nữa, quá trình xử lý nước thải tại dự án này hoàn toàn theo phương pháp sinh học, không can thiệp bằng hóa chất, giúp giảm thiểu rủi ro khi môi trường nước biển ô nhiễm và khó kiểm soát như hiện nay.

Quy trình lọc nước biển để nuôi tôm giống của Công ty Nam Miền Trung.

Hiện tại, hệ thống cơ sở sản xuất của Nam Miền Trung phủ khắp từ các tỉnh miền Trung tới ĐBSCL được đầu tư đồng bộ hiện tại theo tiêu chuẩn quốc tế, an toàn sinh học cao. Hạt nhân hệ thống này là Trung tâm sản xuất tôm giống Nam Miền Trung tỉnh Bình Thuận với quy mô 1.500 bể nuôi, 17 ao nuôi tôm thịt mô hình, năng lực sản xuất tôm giống từ 10-12 tỷ con giống/năm.

Đặc biệt, đầu năm 2016, Công ty Nam Miền Trung đầu tư 16 ha trang trại nuôi tôm theo mô hình an toàn sinh học tại tỉnh Hà Tĩnh, ngay trung tâm sự cố môi trường do Formosa gây ra.

Cùng với việc liên tục cải tiến, đầu tư công nghệ mới vào sản xuất, ông Nguyễn Hoàng Anh cho rằng, những tiến bộ khoa học trong nông nghiệp cần được chia sẻ, để cùng xây dựng nền nông nghiệp công nghiêp Việt Nam.

Mới đây, Câu lạc bộ Nông nghiệp Công nghệ cao (DAA Việt Nam – đơn vị trực thuộc Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam) đã đề xuất thành lập Tổ hợp Nông nghiệp Công nghệ cao, với các thành viên nòng cốt là hội DAA Việt Nam.

Tổ hợp này được DAA Việt Nam đề xuất thành lập dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, liên kết chuỗi giá trị của các doanh nghiệp hội viên câu lạc bộ này.

Ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó Chủ tịch thường trực DAA, cho biết, Tổ hợp Nông nghiệp công nghệ cao là khu vực sản xuất nông nghiệp tập trung với diện tích lớn, được chuẩn bị sẵn sàng về hạ tầng, sẽ quy tụ và liên kết chặt chẽ các doanh nghiệp trong toàn chuỗi để đạt mục tiêu tạo ra năng suất cao, sản phẩm chất lượng, có sức cạnh tranh ở cả trong nước và quốc tế.

Ngày 18.12 tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Hội nghị và tham gia tọa đàm giữa các lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan và cộng động doanh nghiệp về vấn đề “Xây dựng nền Công nghiệp Nông nghiệp Việt Nam”. Chương trình do DAA Việt Nam tổ chức tại TP.HCM, dự kiến thu hút khoảng 500 đại biểu là đại diện các Bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, đại sứ quán các nước, và doanh nghiệp cùng tham dự.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/doanh-nghiep-loc-nuoc-bien-de-nuoi-tom-730940.html