Doanh nghiệp Nhà nước phải tuân thủ kỷ luật thị trường thì doanh nghiệp tư nhân mới có cơ hội

Ông Lộc cho rằng, phải khiến các DNNN đối mặt với thị trường, lãnh đạo các DNNN phải bị “trừng phạt” nếu kinh doanh thua lỗ mới có thể đem lại cơ hội bình đẳng cho các DN tư nhân, biến khu vực này thành một động lực thực sự cho sự phát triển của đất nước.

“Sẽ không thể có sự trở lại thời các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) của kinh doanh đa ngành, cạnh tranh trực tiếp với các DN tư nhân” là quan điểm ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trao đổi với Chuyên mục Trò chuyện chủ nhật của Báo Công an nhân dân trước đề xuất rất mới mẻ: Để DNNN kinh doanh tất cả những ngành nghề mà pháp luật không cấm như các DN tư nhân, của lãnh đạo Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước.

Ông Lộc cho rằng, phải khiến các DNNN đối mặt với thị trường, lãnh đạo các DNNN phải bị “trừng phạt” nếu kinh doanh thua lỗ mới có thể đem lại cơ hội bình đẳng cho các DN tư nhân, biến khu vực này thành một động lực thực sự cho sự phát triển của đất nước.

PV: Nhiều chuyên gia trong nước cũng như nước ngoài đều cho rằng, hiện các DNNN đang nắm giữ một lượng vốn quá lớn và kinh doanh ở quá nhiều ngành nghề, lĩnh vực đã chèn ép sự phát triển của khu vực tư nhân. Góc nhìn của ông ra sao về vấn đề này?

Ông Vũ Tiến Lộc: Ở góc độ doanh nghiệp, tôi muốn đặt vấn đề theo hướng thị trường hơn. Đó là khu vực DNNN đang nắm giữ cơ hội lớn nhất trong nền kinh tế. Tại sao có thể nói vậy. Thứ nhất, cơ hội ở đây chính là nguồn lực.

Ông Vũ Tiến Lộc.

Tổng giá trị tài sản mà khu vực nhà nước đang nắm giữ lên tới 148 tỷ USD. Đó là trên sổ sách và chưa tính tới giá trị sử dụng đất, các nguồn tài nguyên và các lợi thế khác.

Nếu cộng thêm tài sản của các doanh nghiệp có vốn chi phối của nhà nước thì con số này đã lên tới 275 tỷ USD, tính cả giá trị tài sản của các tổ chức sự nghiệp thì sẽ thêm khoảng 50 tỷ USD...

Thứ hai, so với các doanh nghiệp tư nhân với 96% có quy mô nhỏ và rất nhỏ, thiếu vốn, kinh nghiệm, khả năng tiếp cận các nguồn lực như vốn ngân hàng kém thì cơ hội của thị trường rõ ràng nằm trong tay các DNNN.

Trong báo cáo mới nhất của Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp thì DNNN đang có mặt trong 19 ngành nghề, đều là các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, từ khai thác dầu khí, cung cấp điện, sản xuất lương thực... đến tài chính ngân hàng, dệt may, đồ uống...

Tuy có giảm đi khá nhiều so với hơn 10 năm trước, khi đó DNNN có mặt trong 60 ngành, lĩnh vực, thì vẫn có nhiều ngành không nhất thiết cần sự có mặt của vốn nhà nước. Nhìn vào mối tương quan này thì khả năng chèn lấn của DNNN là rõ ràng.

PV: Ông có nhận định thế nào về tốc độ cổ phần hóa (CPH) DNNN, tốc độ “rút chân” của Nhà nước ra khỏi các lĩnh vực ngành nghề Nhà nước không cần nắm giữ (mới bán được 2% vốn, còn Nhà nước vẫn nắm giữ 98%). Điều này ảnh hưởng thế nào đến cơ hội kinh doanh và sự lớn mạnh của các DN tư nhân?

Ông Vũ Tiến Lộc: CPH là quyết sách quan trọng, có thể nói là quan trọng nhất trong chương trình cơ cấu lại DNNN. Vì mục tiêu của CPH DNNN không chỉ là nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực của nhà nước, mà quan trọng hơn là thoái vốn nhà nước ra khỏi những ngành nghề, lĩnh vực mà thị trường có thể làm được và làm tốt hơn; đặt DNNN vào kỷ luật thị trường.

Như vậy, CPH là cách trả lại cơ hội kinh doanh cho khu vực tư nhân ở cả hai góc độ, dung lượng thị trường và sự bình đẳng trong môi trường kinh doanh.

Nói một cách thẳng thắn thì chính sân chơi bình đẳng giữa DNNN và DN tư nhân, để DNNN đối mặt với kỷ luật thị trường, làm tốt sẽ hưởng lợi và làm ăn không hiệu quả sẽ phải chấp nhận thua lỗ, phá sản... là cơ hội lớn nhất cho doanh nghiệp tư nhân.

Trong các ngành, lĩnh vực vẫn cần sự chi phối của nhà nước thì việc CPH là cách để DN tư nhân có thể trở thành người đồng sở hữu những cơ hội kinh doanh lớn, tham gia vào cải thiện năng lực quản trị của DNNN...

Nhưng, tất cả những tính toán trên sẽ không thành cơ hội cho DN tư nhân nếu CPH không quyết liệt, thực chất. Tỷ lệ 2% vốn nhà nước mới thoái được trong giai đoạn vừa qua cho thấy, cơ hội của DN tư nhân vẫn đang “treo” trong các phương án CPH.

Thậm chí, CPH chậm, thiếu thực chất cũng đang khiến các nhà đầu tư tư nhân thiếu niềm tin vào các kế hoạch CPH mà Nhà nước công bố, nhất là các nhà đầu tư chiến lược. Khi đó thì cả khu vực DN tư nhân và cả Nhà nước đều không hiện thực hóa được các cơ hội từ CPH DNNN.

PV: Trong các lĩnh vực DNNN đang chi phối, đâu là những lĩnh vực hấp dẫn nhất mà các DN tư nhân muốn kinh doanh. Rào cản của họ khi tham gia thị trường này là gì?

Ông Vũ Tiến Lộc: Đó là các lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, vì bản thân thị trường nội địa hơn 93 triệu dân, tốc độ tăng trưởng nhanh, nhóm người trung lưu tăng... đang là miếng bánh hấp dẫn với giới đầu tư trong nước và nước ngoài. Có thể thấy điều này khi các nhà đầu tư nước ngoài săn đón Sabeco, Habeco, Vinamilk...

Nhưng đây cũng chính là rào cản các DN tư nhân tham gia cuộc đua trở thành các nhà đầu tư, cổ đông của các DNNN này, vì các DN tư nhân Việt Nam vẫn yếu, vẫn nhỏ, thiếu kinh nghiệm so với các tập đoàn đa quốc gia.

Quan điểm của tôi là làm sao để khu vực DN tư nhân trong nước có thể tham gia tích cực vào quá trình này, là động lực quan trọng nhất, chứ không phải là trông đợi toàn bộ vào các nhà đầu tư nước ngoài.

Có như vậy thì quá trình rút lui của DNNN mới tạo đường đi lên của DN tư nhân trong nước. Bởi vậy, cần có chính sách để tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân tham gia vào quá trình cơ cấu lại DNNN, để trở thành động lực chính cho sự phát triển kinh tế.

PV: Khi nhắc đến DNNN, nhiều người hay nói đến các “đặc quyền”, những lợi thế mà DN các khu vực khác khó thể sánh được. Theo ông, đâu là những “đặc quyền” cần cởi bỏ để DNNN sớm tự đổi mới, tự cạnh tranh công bằng với các DN khác trong một nền kinh tế thực sự thị trường?

Ông Vũ Tiến Lộc: Đó là buộc các DNNN phải tuân thủ kỷ luật thị trường, nếu kinh doanh thua lỗ thì phải chấp nhận phá sản, lãnh đạo DN cũng phải chịu sự trừng phạt tương tự. Nếu tuân thủ kỷ luật thị trường thì không thể có các dự án nghìn tỷ thua lỗ kéo đài như Sơ xợi Đình Vũ, Thép Thái Nguyên...

PV: Tại hội nghị toàn quốc về tái cơ cấu DNNN, lãnh đạo SCIC đã đề xuất để DNNN có được quyền như DN tư nhân, tức là được kinh doanh tất cả các lĩnh vực pháp luật không cấm, thay vì chỉ những lĩnh vực pháp luật cho phép. Ông nghĩ sao về đề xuất này? Điều này sẽ mang đến nhiều lợi ích hay nhiều lo lắng, thưa ông?

Ông Vũ Tiến Lộc: Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh ngay tại Hội nghị này, đó là DNNN chỉ làm những ngành, lĩnh vực thuộc về “thất bại thị trường” – nghĩa là thị trường không làm được hoặc không ai làm. Chính phủ sẽ ban hành tiêu chí các ngành, lĩnh vực mà Nhà nước cần nắm giữ cùng với danh mục chi tiết các DNNN phải CPH trong giai đoạn 2016-2020.

Sẽ không thể có sự trở lại thời các DNNN kinh doanh đa ngành, cạnh tranh trực tiếp với các DN tư nhân. CPH đã đi được một chặng đường khá dài, dù phía trước khó khăn hơn vì các DN còn lại đều là các DN lớn, tài chính phức tạp, có thương hiệu, thị trường...

Hơn thế, với Nghị quyết của Đảng về cơ cấu lại nền kinh tế, quyết tâm nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế nhà nước cùng với xác định khu vực tư nhân là một động lực của phát triển, thì tôi tin là sẽ không thể quay ngược lại tiến trình CPH DNNN, thoái vốn nhà nước ra khỏi các ngành, lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ.

Tất nhiên, các đòi hỏi DNNN được quyền kinh doanh tất cả các lĩnh vực pháp luật không cấm từ chính các lãnh đạo DNNN cho thấy con đường này vẫn rất khó khăn, cần sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Theo tôi, lợi ích cục bộ cũng chính là rào cản lớn nhất khiến CPH chậm, chưa thực chất.

PV: Xin cảm ơn ông!

Vũ Hân (thực hiện)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/doanh-nghiep-nha-nuoc-phai-tuan-thu-ky-luat-thi-truong-thi-doanh-nghiep-tu-nhan-moi-co-co-hoi-420610/