Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam: Kỳ vọng trước thềm Xuân!

Những năm gần đây, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên với sự năng động, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, không lùi bước trước gian khó, nhiều doanh nhân đã chèo lái doanh nghiệp mình “vượt sóng cả” thành công. Trước thềm Xuân Đinh Dậu 2017 những doanh nhân ấy kỳ vọng gì?

Một trong những khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa là vấn đề tiếp cận vốn. Ảnh: PV

Doanh nhân Đỗ Văn Vẻ – Đại biểu Quốc hội Khóa XIII- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hương Sen – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Thái Bình:

Tiếp thêm sức mạnh để có năng lượng dài hơi

Sau cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ của thế giới tác động đến thị trường Việt Nam, có hàng nghìn DN đã phải ngừng hoạt động thậm chí từ bỏ thương trường. Tuy nhiên, thời gian qua không thể phủ nhận những nỗ lực và sự kiên trì trụ vững của nhiều DN Việt, vượt qua khó khăn, khẳng định vị trí của mình, ứng phó với khủng hoảng, có nhiều thắng lợi trong phát triển thương hiệu, vươn ra hội nhập kinh tế quốc tế.

Song nhìn chung các DN nhỏ và vừa vẫn đang gặp không ít khó khăn, bởi các DN của chúng ta hiện nay vừa non yếu, vừa khó tiếp cận nhiều loại dịch vụ công nghệ, thị trường, năng lực hạn chế. Vì vậy họ rất cần có sự hướng dẫn, giúp đỡ và tiếp thêm sức mạnh để có những năng lượng dài hơi, bài bản và cần một môi trường kinh doanh thông thoáng hơn, tạo thuận lợi cho DN phát triển. Đồng thời cần loại bỏ những rào cản để DNNVV trở thành DN lớn, đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước.

Hơn nữa, họ cần sự quan tâm, cần có sự công bằng, không phân biệt đối xử, bình đẳng về pháp luật, kinh tế, bình đẳng trong kinh doanh, không bị so sánh với DN Nhà nước và doanh nghiệp lớn…Và thiết nghĩ, chúng ta không nên hạn chế trong việc vay vốn đối với DNNVV nếu như ý tưởng của họ tốt, khả quan. Không gây khó khăn phiền hà cho DN, hạn chế thanh tra kiểm tra, hạn chế đóng góp các quỹ, phí, chi phí không chính thức…

Trước vấn đề này, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội đã luôn đồng hành với họ, bằng việc đã tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ DN, tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, nhất là đối với Chính phủ thời gian qua đã có quyết tâm rất cao hướng đến một Chính phủ kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và DN.

Đặc biệt, tôi đánh giá rất cao khi vừa rồi Chính phủ trình Quốc hội về Dự thảo Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa, được Quốc hội thảo luận ở kỳ họp thứ 2 vừa qua, dự kiến sẽ thông qua thời gian tới. Đây là một chính sách mang tính đột phá, quyết liệt trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển kinh tế đối với lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Hiện nay, có tới 97,6% DN đang hoạt động tại Việt Nam là các DN nhỏ và vừa, đóng góp vào ngân sách là 40% GDP. Có thể nói, đây là khu vực DN giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của bất cứ một địa phương hay quốc gia nào. Với lực lượng lớn như vậy, nếu Luật hỗ trợ DNNVV được thông qua sẽ có tác động tích cực đối với các DN, tạo điều kiện hỗ trợ cho các DN tiếp cận tín dụng từ các ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng và nguồn vốn trong nước và quốc tế. Ngoài ra, Luật thông qua sẽ hỗ trợ về công nghệ, mặt bằng đất đai để sản xuất, xúc tiến và mở rộng thị trường tiêu thụ sản xuất, hỗ trợ tư vấn và phát triển nguồn nhân lực. Đây là dự luật quan trọng mà các doanh nghiệp kỳ vọng, chờ đợi để chào đón một năm 2017 “thuận buồm xuôi gió”.

Tôi rất kỳ vọng vào Luật hỗ trợ DNNVV sẽ thông qua, các Hiệp hội, hội doanh nghiệp NNVV ở các địa phương cũng đang tích cực đóng góp các ý kiến cho Dự luật, kỳ vọng Dự luật sớm được thông qua, đi vào cuộc sống”- ông Vẻ chia sẻ thêm.

Doanh nhân – TS. Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty sách Thái Hà:

Bộ máy hành chính cần vào cuộc và có tư thế mới là PHỤC VỤ!

Có một thực tế, hiện nay, các DNNVV nói chung chịu nhiều khó khăn và thiệt thòi nhất. Hầu như các chính sách của Nhà nước không đến được với các DNNVV mà mới dừng lại ở các DN có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước và các tập đoàn lớn. Các DNNVV lẽ ra cần được quan tâm nhất.

Tuy nhiên các vấn đề như tiếp cận vốn. Theo khảo sát của VCCI, nếu như 76% DN lớn của Việt Nam vay được vốn từ ngân hàng thì tỷ lệ này dành cho DN vừa là 72%, DN nhỏ 60% và DN siêu nhỏ chỉ ở mức 38%. Các chi phí phải trả không chính thức lên đến 10% doanh thu trung bình của một năm. Các loại thủ tục, giấy tờ còn rất nhiều, riêng để quản lý và lưu trữ các loại giấy tờ này đã tốn rất nhiều công sức, thời gian, vật chất. Hiện cả nước có hơn 500500 DNNVV. Khối này đóng góp khoảng 45% GDP, 31% vào tổng thu ngân sách và chiếm khoảng 35% vốn đầu tư của cộng đồng DN nói chung, thu hút hơn 5 triệu việc làm…

Chính phủ, nhất là Thủ tướng đang hết mình ủng hộ các DN nhất là nhỏ và vừa. Tuy nhiên cả bộ máy hành chính cần vào cuộc và có tư thế mới là PHỤC VỤ, có như vậy mới không còn chuyện “trên trải thảm, dưới rải đinh”. Thay đổi về nhận thức cần có trước và cần thay đổi đồng bộ. Cần có các chương trình đào tạo và tập huấn miễn phí cho các DNNVV.

Các DN cần được tiếp cận tốt hơn với các hội chợ, hội thảo, giới thiệu sản phẩm quốc tế. Song song với việc tiếp cận công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cần được đặc biệt quan tâm. Chúng tôi rất tin tưởng vào bộ máy mới của Quốc hội và Chính phủ. Những quyết định gần đây cho thấy Chính phủ đang rất quyết tâm.

Tôi tin rằng các DNNVV sẽ được hưởng lợi ích lớn nhất từ luật DNNVV, để các DN nhóm này mạnh lên. Hơn nữa từ đó tạo động lực cho việc ra đời các DNNVV mới. Con số 1 triệu DN chúng ta phải đạt được. Có vậy mới giải quyết tốt bài toán việc làm và đóng góp nhiều hơn cho GDP và nâng cao đời sống người dân.

Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp nhỏ và vừa rất cần sự quan tâm và hỗ trợ từ các cơ quan quản lý Nhà nước để có một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn. Ảnh: P.V

Doanh nhân Nguyễn Minh Tiến – Giám đốc điều hành Công ty Xingfa Alutech:

Cần có sự kết nối tốt hơn nữa giữa doanh nghiệp và ngân hàng

Công ty chúng tôi đã có bề dày nhiều năm và có những lợi thế về thị trường. Thế nên hoạt động sản xuất đã đi vào ổn định, nhưng có một khó khăn không hề dễ vượt qua, chính là về vấn đề vốn. Không chỉ là câu chuyện năm nào cũng cần có một chi phí lớn để đầu tư, tái đầu tư sản xuất các mặt hàng, mở rộng thị trường mà còn là chuyện vay vốn ngân hàng với những khoản thế chấp lớn.

Tôi nghĩ vấn đề vay vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất đối với DNNVV là điều rất bất cập, không chỉ riêng chúng tôi mà hầu hết các DN trong nhóm này. Có thể nói rằng, dù chiếm đông đảo tại Việt Nam nhưng DNNVV lại chưa thực sự được nhiều ngân hàng chú ý đến. Những hứa hẹn, cam kết cho vay trên giấy, không thực chất đã khiến nhiều DNNVV thêm thiếu tự tin khi gõ cửa ngân hàng vay vốn. Tôi thấy nhiều chuyên gia cũng lý giải rằng, cái “yếu” lớn nhất của DNNVV không phải là “nghèo” tài sản đảm bảo, “thiếu” quan hệ để vay ngân hàng mà là “kém” trong quản trị dòng tiền. Với một DN nhỏ hoặc thậm chí siêu nhỏ, chỉ cần quản lý tốt dòng tiền đã là một cách sinh lời tự nhiên.

Các chuyên gia cũng cho rằng nên tìm cách hướng dẫn DN quản lý dòng tiền tốt. Một số ngân hàng hiện nay đã nhìn ra điều này, thay vì đòi hỏi DN phải chứng minh có nhà, có xe khi đi vay, họ sẵn sàng đưa ra các chương trình chiến lược đồng hành cùng DN. Tôi nghĩ điều này là đúng và cần thiết có những chính sách tốt hơn nữa để có sự kết nối giữa DN và ngân hàng. Với chúng tôi, hoạt động trong lĩnh vực nhôm kính hiện nay còn gặp những thách thức không nhỏ trong cạnh tranh bởi có rất nhiều xưởng sản xuất nhỏ lẻ, tự phát mọc lên, hoạt động đơn giản nhưng lợi nhuận cao vì không mất chi phí lớn trong nhà xưởng, nhân công sản xuất ít…

Trước những khó khăn ấy, điều mà mỗi doanh nghiệp trong lĩnh vực này đều hy vọng chính là những quyết sách mang tính ổn định, lâu dài chẳng hạn như sắp tới sẽ có Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa chính là một tín hiệu đáng vui mừng đối với DN. Sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước là rất quan trọng nhưng điều quyết định sự tồn tại và phát triển của DN vẫn chính là những yếu tố tự thân, đó là chất lượng và giá thành sản phẩm trong cơn bão cạnh tranh hiện nay. Bản thân công ty chúng tôi luôn nhìn thấy những thách thức của mình và đặt ra những phương châm và tiêu chí để giữ vững thương hiệu.

Năm 2017 vẫn sẽ là một năm “bão hòa” trong lĩnh vực nhôm kính đòi hỏi chúng tôi luôn không ngừng thay đổi khuôn mẫu mới, các loại nhôm cao cấp hơn, với những tính năng tốt hơn, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Thiết nghĩ, cái gốc của sự phát triển vẫn là chất lượng sản phẩm hướng đến tạo ra một thị trường ổn định, xây dựng được các sản phẩm có thương hiệu.

Doanh nhân Nguyễn An Trang – Giám đốc Công ty Dịch vụ thương mại An Trang:

Khung pháp lý chuẩn mực để “tạo đà bật” cạnh tranh

Ở Việt Nam hiện nay, đã có khung pháp lý điều chỉnh hoạt động của DN nói chung và cũng có tác động trực tiếp, gián tiếp trong việc hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế. Tuy nhiên, việc điều tiết, hỗ trợ các DNNVV hiện nay chưa được quan tâm sâu sắc bởi các chính sách, chiến lược mang tính quốc gia nhằm có những trợ giúp nhất định đối với sự phát triển của hệ thống DNNVV tại Việt Nam.

Nói cách khác, khung pháp lý chuẩn mực để hỗ trợ các DNNVV tại Việt Nam là điều kiện cần và đủ thúc đẩy sự phát triển của các loại hình doanh nghiệp này và nhằm “tạo đà bật” cạnh tranh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với các loại hình DN khác. Nếu Luật Hỗ trợ DNNVV ra đời thì sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp có một công cụ hỗ trợ, môi trường kinh doanh bình đẳng hơn, để hội nhập. Khi dự luật được thông qua thì kỳ vọng lực lượng DN ngày càng phát triển, đối với những DN có ý tưởng kinh doanh tốt mà chưa khởi nghiệp thì dự luật ra đời sẽ tạo động lực để phát triển khả năng cạnh tranh sẽ mạnh hơn dẫn đến chất lượng sản phẩm sẽ tốt hơn.

Thực tế, nhiều DNNVV khi gặp khó khăn về nguồn vốn, về thị trường, về nhân sự trong quá trình sản xuất, kinh doanh lại không hề nhận được sự giúp đỡ đắc lực từ các cá nhân, tổ chức và Nhà nước do những DN này phát triển, tồn tại manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, thiếu sự liên kết, thiếu tài chính, thiếu thị trường để kinh doanh. Đặc biệt, ở góc độ cạnh tranh, các DNNVV ở Việt Nam hiện nay đang gặp phải sự yếu kém nhất định về khả năng cạnh tranh so với các doanh nghiệp khác cũng như các DN, các tổ chức kinh tế lớn.

Hà Vân – Bích Việt (thực hiện)

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/ky-vong-truoc-them-xuan/