Doanh nghiệp niêm yết lỗ: Thị trường ảm đạm

(DĐDN) Cập nhật đến ngày 12/11/2011, trên cả hai sàn chứng khoán HoSE và HNX hiện đã có 650/696 DN niêm yết (DNNY) có báo cáo tài chính quý 3/2011. Bên cạnh một số DNNY duy trì được lợi nhuận dương dù có chênh lệch sút giảm so với cùng kỳ năm 2010, thì một số DNNY cũng đã tiếp tục hoạt động với lợi nhuận âm.

Kết quả kinh doanh quý III 2011 của một số DNNY có vốn chủ sở hữu lớn nhất
(nguồn: ViestockFinance)

Giải trình với UBCKNN về việc chênh lệch lợi nhuận sau thuế 10% quý 3/2011 so với quý 3/2010, với mức lỗ -13,702 tỉ đồng trong quý 3/2011, Cty CP Cà phê An Giang (AGC-HNX) chuyên kinh doanh thực phẩm đồ uống, thuốc lá... nêu: “Năm 2011 Cty gặp rất nhiều khó khăn trong kinh doanh, việc các NHTM thắt chặt tín dụng dẫn đến nguồn vốn Cty gặp khó làm khiến doanh thu giảm sút, chi phí tài chính tăng cao dẫn đến sự chênh lệch”.

Lỗ do eo hẹp vốn

Theo Báo cáo tài chính đơn lẻ của AGC, quý 3/2011, doanh thu thuần của Cty đạt 6,328 tỉ đồng, giảm 93,9% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế (LNST) -13,702 tỉ đồng; 9 tháng đầu năm 2011, doanh thu thuần đạt 120 tỉ đồng (-86,2%) và lỗ lũy kế -48,177 tỉ đồng. Đáng chú ý là trong quý này các chi phí của Cty đều tăng lên 50%, trong đó chi phí lãi vay chiếm tỉ trọng lớn nhất lên tới 10,82 tỉ đồng. Theo đó, tỉ lệ chênh lệch giữa lợi nhuận sau thuế quý 3/2011 so với cùng kỳ năm ngoái cũng lên tới -2.82,11%.

Nằm trong nhóm cổ phiếu thuộc diện bị kiểm soát, BAS, mã CK của CTCP Basa (HOSE) tiếp tục đối diện với mối nguy phá sản khi trong quý 3/2011, DN lỗ - 4,54 tỉ đồng. Theo báo cáo tài chính, trong quý này các nguồn thu của BAS đều giảm mạnh, doanh thu thuần chỉ đạt 4,476 tỉ đồng, giảm 59,1% so với cùng kỳ năm ngoái và doanh thu tài chính đạt 21 triệu đồng trong khi cùng kỳ đạt 144 triệu đồng. Nguồn tiền mặt và tương đương tiền cuối quý 3 chỉ còn gần 400 triệu đồng. Tổng cộng 9 tháng đầu năm 2011, Cty lỗ -12, 802 tỉ đồng. Cùng kỳ năm 2010, BAS cũng lỗ -2,37 tỉ đồng và đây là quý thứ 6 liên tiếp DNNY này thua lỗ. Giải trình biến động KQKD 6 tháng đầu năm 2011 với mức lỗ -3,131 tỉ đồng, BAS đưa ra 3 nguyên do: “Thứ nhất, do chính sách thắt chặt tín dụng, nên Cty chỉ hoạt động cầm chừng, số dư tiền vay tăng 10.95% và lãi suất ngân hàng tăng từ 14% lên 21% so với cùng kỳ năm ngoái, làm chi phí tài chính cũng tăng theo tương ứng. Thứ hai, do tình hình sản xuất chưa thuận lợi nên Cty duy trì sản xuất và giảm quy mô hoạt động, doanh thu kỳ này giảm 65,66% và phải gánh chịu chi phí quản lý tăng 43,87% so với cùng kỳ năm trước. Thứ ba, do tình hình lạm phát tăng cao là nguyên nhân làm nguyên, vật liệu tăng giá, ảnh hưởng đến hoạt động và giá vốn bán hàng”.

Có thể thấy, trong số gần 100/696 DNNY lỗ quý 3 và lỗ lũy kế 9 tháng đầu năm 2011 kể trên, chưa phải là những “đại diện tiêu biểu” về hoạt động thua lỗ ở mức độ lỗ “khủng”, nhưng lại khá tiêu biểu cho hoàn cảnh khó khăn cho các DN hiện tại. Bởi nếu xem xét tất cả các bản giải trình của những DN thua lỗ khi gửi đến UBCKNN, Sở giao dịch chứng khoán và tới các nhà đầu tư, hẳn sẽ thấy nguyên do cơ bản dẫn đến kết quả hoạt động âm đều được chỉ ra là do co hẹp nguồn vốn từ ngân hàng thương mại và chi phí tài chính tăng lên.

Cá biệt, với DNNY ở một số lĩnh vực như chứng khoán – tài chính thì nguyên nhân thua lỗ chủ yếu là do trích lập dự phòng. Hoặc ở một số DNNY hoạt động bất động sản, vật liệu xây dựng thì đó là vì cơn suy thoái thê thảm của thị trường. Ngoài ra, cũng phải kể đến hiện tượng mặc dù đây là quý mà lãi suất ngân hàng đã được có khá nhiều DN lỗ “khủng” với mức lỗ từ vài chục lên đến cả trăm tỉ đồng nếu tính ở quý 3/2011 hoặc lũy kế 9 tháng đầu năm như: BSI- Cty CK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN (HoSe) đã lỗ quý 3 là -134 tỉ đồng; PPC- Cty CP Nhiệt điện Phả Lại (HoSE) lỗ quý 3 -84,5 tỷ đồng, còn nếu tính cả yếu tố chênh lệch tỷ giá bằng đồng JPY cho khoản nợ tính đến 31/9/2011 là 30,366 tỉ JPY thì trong 9 tháng, lỗ lũy kế của PPC lên tới gần 1.000 tỉ đồng, TSC – Cty CP Than Cao Sơn Vinacomin (HNX) lỗ quý 3 -130,214 tỉ đồng...

Cải thiện vào cuối năm?

Trước báo cáo tài chính với các con số lỗ không hề nhỏ của một số DNNY, nhiều nhà đầu tư trên TTCK cũng đã không tỏ ra sốt ruột. “Có lẽ họ đã “bão hòa” thông tin DN thua lỗ. Và hơn thế điều khiến họ nóng lòng nhất hiện nay không còn là kết quả kinh doanh của DN nữa, mà là sự ổn định của một hệ thống tài chính có khả năng nâng đỡ hoặc “dìm xuồng” sức khỏe của DN trong tương lai.

Có thể nói nhà đầu tư (NĐT) đang quan tâm nhiều đến sức khỏe của hệ thống tài chính ngân hàng, và họ không kỳ vọng sẽ có cải thiện nào đó, kịp thời trong mấy tháng còn lại của năm 2011, vì thời gian còn lại quá ngắn cho cả một vấn đề dài”, một chuyên gia đầu tư – tài chính nhận xét.

Trong trung hạn, chứng khoán chưa nhìn thấy yếu tố hỗ trợ để bật lên và có thể sẽ còn lình xình hoặc tiếp tục đi xuống theo hình răng cưa với một vài phiên phục hồi kỹ thuật.

Còn theo ông Ngô Thanh Phát - Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn Đầu tư Cty CK Quốc tế VN, vào lúc này thì thông tin DNNY thua lỗ vẫn có phần tác động xấu đến tâm lý của đại đa số các NĐT, mặc dù họ cũng đã lường đoán trước được kết quả này căn cứ theo diễn biến của kinh tế vĩ mô, của lạm phát và lãi suất vốn vay đã kéo dài suốt từ đầu năm đến nay. “Cứ tưởng tượng như bầu trời chứng khoán đang mưa đen xầm xì, nay thêm thông tin DNNY thua lỗ, thì cũng giống như trời mưa đang cộng thêm bão tuyết vậy. NĐT đã quá “ngán” chứng trường, sẽ còn ngán ngại hơn và khó lòng xây hy vọng với tình hình thị trường bất động sản hiện tại. Tâm điểm lúc này sẽ là diễn biến của thị trường bất động sản – vấn đề đang liên đới và quyết định khá nhiều đến sức khỏe, tính thanh khoản, tỷ lệ nợ xấu của một số NHTM hiện tại, với dư nợ bất động sản rất lớn trong thời gian qua. Và thị trường bất động sản có ấm lên hay không, hay sẽ còn tiếp tục đà bán tháo, siết nợ, phá giá của DN kinh doanh trong lĩnh vực này, cũng sẽ quyết định lớn đối với sức khỏe của DN bất động sản và một số lĩnh vực, ngành nghề phụ trợ có liên quan như vật liệu xây dựng, trang trí nội thất, sắt thép xi măng...” - ông Phát nói.

Thị trường chứng khoán VN đã lao dốc trong suốt hai tuần vừa qua. Chỉ số HNX-Index một lần nữa đã phá đáy 65 điểm – lần phá đáy thứ tư trong cả năm 2011. Chỉ số VN-Index không “khá khẩm” gì hơn cũng đã rời mốc 400 điểm dù mức sụt giảm chưa thật sự không phanh. Theo nhận định của một số Cty CK như VDSC, BVS, SSI, VNDS... thì trong trung hạn, chứng khoán chưa nhìn thấy yếu tố hỗ trợ để bật lên và có thể sẽ còn lình xình hoặc tiếp tục đi xuống theo hình răng cưa, với một vài phiên phục hồi kỹ thuật.

Một nguồn tin cho biết nhiều nhân viên ở một số Cty CK trên địa bàn TP HCM đã rời bỏ vị trí nhân viên tự doanh và đây là lần cắt giảm nhân sự sâu nhất, “đau” nhất vào da thịt của nhiều Cty CK đã từng vươn lên ít nhất ở top 20 của thị trường nhờ môi giới cộng tự doanh. Nhưng điều đó cũng cho thấy một lát cắt khác trong bức tranh của thị trường chứng khoán, nơi mà giờ đây NĐT không còn ở lại với thị trường vì kết quả hoạt động, vì chất lượng của hàng hóa niêm yết nữa, mà chủ yếu chỉ là vì kẹp hàng và cả vì vớt vát một vài hy vọng nhỏ nhoi: Trụ lại để gỡ gạc một phần vốn đã mất.

Thời gian của năm 2011 còn khá ngắn. Trong viễn cảnh còn đang u ám của cả kinh tế thế giới với những chuyển biến mới của khủng hoảng nợ công Châu Âu, lẫn những tác động nợ xấu từ chính nội bộ chứng khoán, tới nợ xấu ngân hàng, sức khỏe DN, câu hỏi rất khó với các NĐT chứng khoán hiện nay vẫn là: Liệu họ có cơ may nào để gỡ gạc hay không?

Lê Mỹ

Nguồn DĐDN: http://dddn.com.vn/20111116101734785cat163/doanh-nghiep-niem-yet-lo-thi-truong-am-dam.htm