Doanh nghiệp nội không tăng về chất, bỏ lỡ cơ hội hội nhập

Quy mô doanh nghiệp (DN) teo tóp dần, DN nội địa chịu lép vế trước công ty ngoại bởi không tận dụng được cơ hội từ hội nhập là các mối lo ngại được chia sẻ tại buổi đối thoại chính sách với chủ đề “Hội nhập trong nền kinh tế toàn cầu biến động: Thách thức và cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam và cộng đồng DN”, được tổ chức tại TP. HCM cuối tuần qua.

“Quy mô DN Việt Nam đang giảm dần trong 15 năm trở lại đây, từ DN có quy mô trung bình thành nhỏ, DN có quy mô nhỏ thì trở thành siêu nhỏ”, ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại TP. HCM chia sẻ.

Một phần nguyên nhân khiến DN nội địa không những không có sự tăng trưởng mà ngược lại dần thu hẹp về quy mô là bởi sức cạnh tranh kém khi tham gia sân chơi của các hiệp định thương mại tự do mà Chính phủ đã ký kết. Theo ông Tự Anh, việc ký kết các hiệp định thương mại tự do, hội nhập vào thị trường toàn cầu là một trong những động cơ cải cách rất lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, hội nhập mà thiếu sự chủ động cải cách từ nội tại ở cả cơ quan quản lý và bản thân doanh nghiệp thì khó có thể đạt được thành công.

“WTO là một ví dụ điển hình khi chúng ta đã không tận dụng được các cơ hội mà hiệp định này mang lại. Ngoài ra, dù đã tích cực hội nhập nhưng tại Việt Nam vẫn còn tình trạng không bình đẳng giữa các khu vực DN. DN Nhà nước vẫn được coi là con đẻ, DN FDI là con nuôi và DN tư nhân có cảm giác là con ghẻ của Nhà nước”, ông Tự Anh nói.

"“Nếu TPP được thông qua, chắc chắn ngành dệt may, da giày, logistics và các ngành công nghiệp phụ trợ sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên, các nhà sản xuất trong nước có tận hưởng được những lợi ích của TPP nói riêng và các hiệp định thương mại tự do khác nói chung hay không vẫn là câu hỏi lớn"

- Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Phạm Hồng Hải.

Đánh giá về năng lực sản xuất của các DN Việt Nam hiện nay, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Trần Đình Thiên tỏ ra lo ngại khi tỷ trọng đầu tư vốn của các DN FDI đang tăng lên rất nhanh, khối DN này bắt đầu lấn át đầu tư trong nước và chiếm hơn 50% sản lượng công nghiệp, tỷ trọng xuất khẩu cũng chiếm 70%.

“Dường như phần lớn lợi ích từ cơ hội hội nhập thuộc về các DN FDI, trong khi DN nội địa không đủ năng lực để tận hưởng lợi ích này. Thực tế, chúng ta đã không chuẩn bị năng lực cho khu vực nội địa để tận dụng những cơ hội từ hội nhập”, ông Thiên nhìn nhận.

Cũng theo ông Thiên, những năm qua, nhiều DN tư nhân được thành lập nhưng hoạt động không hiệu quả gây lãng phí nguồn lực xã hội, thậm chí gia tăng thua lỗ. Bên cạnh đó, những tồn tại trong quá trình cổ phần hóa DN Nhà nước khiến các nguồn lực chưa được phân bổ một cách hiệu quả, chưa mang lại lợi ích kinh tế thiết thực cho quốc gia.

Theo đó, từ năm 2011 đến tháng 9/2016, 529 DN Nhà nước đã được tiến hành cổ phần hóa. Con số này về cơ bản hoàn thành chỉ tiêu, nhưng số vốn cổ phần hóa chuyển cho khu vực tư nhân chỉ chiếm không quá 15% và cấu trúc thị trường, với toàn bộ giá cả đầu vào cơ bản của nền kinh tế như đất đai, năng lượng, lãi suất, tiền lương… vẫn chịu sự can thiệp rất mạnh của Nhà nước.

“Vấn đề của chúng ta bây giờ không phải huy động nguồn lực mà là phân bổ nguồn lực làm sao hiệu quả”, ông Thiên nói.

Từ góc độ lãnh đạo DN, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC, ông Phạm Hồng Hải cho rằng, thách thức lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam chính là làm sao để DN tăng trưởng chất lượng hơn số lượng. Ông Hải chia sẻ, khi tiếp xúc với các DN dệt may, nếu như DN FDI rất lạc quan và tin rằng có thể được hưởng lợi từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nếu hiệp định này được thông qua, thì các DN dệt may Việt Nam lại nhận định, TPP khiến tình hình kinh doanh gặp thêm một số khó khăn, đặc biệt là cạnh tranh về lao động vì hầu hết người lao động đều thích làm cho DN FDI bởi chế độ lương bổng khác biệt…

“Nếu TPP được thông qua, chắc chắn ngành dệt may, da giày, logistics và các ngành công nghiệp phụ trợ sẽ được hưởng lợi. Chưa kể, GDP được kỳ vọng tăng 10% và xuất khẩu tăng 3%. Tuy nhiên, các nhà sản xuất trong nước có tận hưởng được những lợi ích của TPP nói riêng và các hiệp định thương mại tự do khác nói chung hay không vẫn là câu hỏi lớn”, ông Hải chia sẻ.

Bên cạnh đó, một vấn đề cần được quan tâm là vẫn còn nhiều DN chưa biết tới các lợi ích từ những hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Điều này khiến DN không có sự chuẩn bị và việc bỏ lỡ các cơ hội là dễ hiểu. Do đó, Chính phủ cần có thêm các giải pháp để truyền thông, giúp DN hiểu rõ và nắm chắc hơn những thay đổi theo sau các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, từ đó tránh việc lãng phí các cơ hội.

Ngọc Lan

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/dau-tu/doanh-nghiep-noi-khong-tang-ve-chat-bo-lo-co-hoi-hoi-nhap-168303.html