Doanh nghiệp nội thua ngay trên sân nhà!

Theo phản ánh của các Hiệp hội doanh nghiệp, Quy định khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại không quá 15% tổng chi phí của doanh nghiệp (DN) là một quy định có từ 15 năm nay và đã nhiều lần bị đề nghị dỡ bỏ do sự bất hợp lý, trói tay DN nội, hạn chế năng lực cạnh tranh của DN cũng như của cả nền kinh tế. Việc áp trần mức chi phí quảng cáo, tiếp thị dù được duy trì ở mức nào cũng sẽ tiếp tục đẩy DN nội vào thế thua thiệt khi cạnh tranh với DN ngoại cả trên sân khách lẫn sân nhà.

Doanh nghiệp nội bị “trói chân, trói tay”

Theo TS Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, việc dùng biện pháp khống chế trần để quản lý chỉ phù hợp trong thời kỳ bao cấp. Qui định này đã trở nên lỗi thời trong nền kinh tế thị trường như hiện nay, gây nên những bất cập không cần thiết trong bối cảnh DN phải tìm mọi cách để sản phẩm của mình bán được trên thị trường. Nói cách khác, chính sách tận thu về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNĐ) với biện pháp quy định khống chế chi phí quảng cáo như trên được coi là "lợi bất cập hại". Đó là một trong những rào cản lớn nhất trong thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Đồng thời, điều đó mặc nhiên đã đặt các DN trong nước vào thế "thua trên sân nhà" trong việc cạnh tranh với các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và yếu sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Bởi, không được thừa nhận vào chi phí hợp lý, các DN Việt Nam không có nguồn nào khác để quảng cáo, giới thiệu về DN và sản phẩm của mình như các DN FDI.

Đồng quan điểm trên, bà Đặng Thị Phương Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam cũng cho rằng: Trên thực tế, việc giới thiệu, quảng bá thương hiệu có vai trò cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng đến sự thành bại của DN may rất lớn bởi nếu quảng cáo ít sẽ không phát triển được sản xuất, gặp khó khi xây dựng, phát triển thương hiệu. Do đó, Nhà nước không nên đưa ra mức trần không chế vì nếu khống chế sẽ phát sinh nhiều tiêu cực như lách luật, trốn thuế, nhũng nhiễu DN. Trong khi đó, các DN nước ngoài lại chi rất nhiều cho hoạt động quảng cáo, việc khống chế trần chi phí quảng cáo quá thấp sẽ làm hạn chế thông tin sản phẩm của các DN Việt, vô hình trung là toàn quảng bá cho hàng ngoại, làm người tiêu dùng trong nước ít biết đến hàng Việt, khiến các DN Việt gặp khó ngay trên sân nhà của mình.

Tương tự, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cũng bày tỏ quan điểm: Việt Nam hiện là một trong rất ít nước trên thế giới có quy định về mức khống chế đối với chi quảng cáo và khuyến mại. Đây là một điểm hạn chế và gây thiệt hại cho DN vì các DN đều đang chi cho các hoạt động này trên mức khống chế. Hơn nữa, việc khống chế chi phí này sẽ gây ra tình trạng bất bình đẳng giữa các DN trong và ngoài nước cả trên sân khách lẫn sân nhà.

Đẩy lợi thế về phía doanh nghiệp ngoại

Theo TS Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), kết quả khảo sát khoảng 50 nước trên thế giới cho thấy, hiện chỉ còn có Việt Nam và Trung Quốc thực hiện khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại. Tuy nhiên mức khống chế của Trung Quốc linh hoạt hơn nhiều so với Việt Nam. Tình trạng này làm cho Việt Nam dễ bị xem là “một mình một chợ” trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Tác hại dễ nhìn thấy nhất của quy định trên là làm hạn chế các DN trong nước xây dựng và quảng bá thương hiệu. Kết quả là, Việt Nam sẽ khó có được những thương hiệu lớn, mang tầm quốc tế. Trong cuộc cạnh tranh chiếm lĩnh thị phần, sản phẩm của các công ty trong nước sẽ bị thua nhiều nhãn mác hàng hóa cùng loại do DN FDI sản xuất ngay trên sân nhà. Bởi lẽ, dù Nhà nước có khống chế thì DN FDI vẫn thực hiện việc quảng cáo, tiếp thị theo chiến lược chung của công ty mẹ...

Cũng theo chia sẻ của TS Phạm Thị Thu Hằng, việc khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mại còn hạn chế cung cấp thông tin cho người tiêu dùng. Mặt khác, tình trạng sính hàng ngoại, thích nhập hàng mang những thương hiệu nổi tiếng ở nước ngoài của người tiêu dùng Việt Nam cũng là một trong những hệ lụy của việc khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị. Riêng đối với nền kinh tế, tác hại do chính sách này gây ra thể hiện trên nhiều mặt như hạn chế năng lực cạnh tranh quốc gia; ảnh hưởng đến khả năng thu hút vốn đầu tư bên ngoài.

Do vậy, việc dỡ bỏ mức trần chi phí quảng cáo và khuyến mại mang lại lợi ích cho Việt Nam từ cả 3 góc độ: Cho nền kinh tế, cho người tiêu dùng và cho cộng đồng DN. Nếu vì nhiều lý do khác nhau khiến chúng ta chưa thể dỡ bỏ ngay một lúc thì cũng cân nhắc nâng mức giới hạn lên nữa, trước mắt được nâng lên 15% -20 % trên tổng doanh thu và tiếp theo đó sẽ có lộ trình dỡ bỏ hoàn toàn

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/kinhte/2014/10/246288.cand