Doanh nghiệp nông sản Việt mất nhiều đơn hàng xuất khẩu vì chữ tín

Doanh nghiệp nông sản Việt Nam mất rất nhiều đơn hàng xuất khẩu vì không giữ được chất lượng.

Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đang chứng kiến những điều vô cùng bất hợp lý. 1 kg cà phê Robusta của chúng ta được bán với giá 50.000 – 75.000 đồng/kg. Trong khi đó, 1 kg cà phê với chất lượng tương đương tại thị trường Singapore có giá tới 50 đô la Singapore (tương đương 800.000 đồng), tức là gấp chúng ta hơn 10 lần.

“Lối đi nào cho nông sản hữu cơ Việt Nam?” là câu hỏi nhức nhối nhiều năm qua với không chỉ người nông dân, doanh nghiệp hay nhà nước mà với toàn cộng đồng. Bởi vậy, không lạ khi khán phòng tổ chức hội thảo “Lối đi nào cho nông sản hữu cơ Việt Nam?” không còn một chỗ trống.

Hội thảo do CLB Khởi nghiệp Nông nghiệp Việt Nam tổ chức có tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại và nhất là đông đảo các doanh nghiệp, startup nông nghiệp.

Thiếu trung thực là trở ngại lớn nhất

GS.TSKH Lưu Duẩn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học và Công nghệ Thực phẩm Việt Nam là người có nhiều kinh nghiệm và tâm huyết với nông sản hữu cơ Việt. Theo ông trong nhiều nguyên nhân dẫn đến những khó khăn của nông nghiệp Việt Nam, sự thiếu trung thực chính là trở ngại lớn nhất.

Chia sẻ tại hội thảo, GS Duẩn cho rằng giá trị gia tăng của thực phẩm từ khi nơi sản xuất đến người tiêu dùng rất lớn. Qua các giai đoạn từ thu hoạch, bảo quản, chế biến, dịch vụ… giá trị của thực phẩm tăng lên nhiều lần.

GS Lưu Duẩn nhận định thiếu trung thực là trở ngại lớn nhất với nông sản Việt.

Tuy nhiên, ở Việt Nam trong chuỗi đó còn nhiều bất cập. Người nông dân vất vả nhất nhưng thu nhập lại thấp. Ngoài ra, công nghệ bảo quản, chế biến tạo ra giá trị gia tăng rất lớn nhưng đây là khâu mà chúng ta còn yếu. Điều này dẫn đến sức cạnh tranh của nông sản Việt cũng rất thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực.

Để tìm nguyên nhân cho những bất cập đó, GS Duẩn đặt câu hỏi: “Đâu là trở ngại lớn nhất cho nông sản hữu cơ Việt Nam?”

Trả lời cho câu hỏi của GS Duẩn, hàng loạt đáp án đã được những người tham dự đưa ra. Trong đó nổi bật lên là các lý do như thiếu thương hiệu, liên kết giữa các khâu yếu, thiếu tính bài bản, chuyên nghiệp…

Đồng tình với tất cả những ý kiến trên nhưng GS Duẩn cho rằng một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là do sự thiếu trung thực trong nhiều khâu, nhiều lĩnh vực.

Sự thiếu trung thực xảy ra trong thời gian dài khiến người tiêu dùng mất lòng tin vào chất lượng, độ an toàn của thực phẩm. Thậm chí, người tiêu dùng cũng nghi ngờ cả độ tin cậy của các chứng nhận sản phẩm.

Theo GS Duẩn, muốn hạn chế điều này chúng ta nên áp dụng nguyên tắc 3 không: Không tham lam, không ngộ nhận và không cả tin.

Khó vươn ra thị trường quốc tế

Cùng quan điểm với GS Duẩn, TS Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội người Việt Nam tại Singapore (VAS) và Giám đốc Phòng Thương mại Việt Nam tại Singapore (VietCham Singapore) cho biết sự thiếu trung thực của nhiều người sản xuất, doanh nghiệp Việt Nam gây mất uy tín của nông sản Việt với thế giới.

Theo ông Vũ, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam mất rất nhiều đơn hàng xuất khẩu vì không giữ được chất lượng. Nhiều trường hợp chỉ những đợt hàng đầu đáp ứng chất lượng, càng về sau chất lượng càng đi xuống.

Mở rộng thị trường vẫn là bài toán khó cho nông sản Việt (Ảnh minh họa).

Thậm chí, ông Vũ cho biết hiện nay Singapore cấm một số sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam với lý do chất lượng không đảm bảo.

Đồng thời, ông Vũ cũng nhận định hiện tại trong thị trường, nhiều người tiêu dùng có thu nhập cao, sẵn sàng chi trả để đảm bảo an toàn thực phẩm. Do đó, bây giờ chính là thời cơ thích hợp nhất để phát triển sản phẩm hữu cơ.

Nhưng để làm được điều này, chúng ta không thể đi một mình mà cần đồng hành, hợp tác, kết hợp các nguồn lực cả từ trong nước và cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

Có như vậy chúng ta mới có thể xây dựng lại uy tín cho nông sản Việt, gây dựng lại được lòng tin với người tiêu dùng trong nước cũng như thị trường quốc tế. Đồng thời, khi đó chúng ta cũng không cần định nghĩa thực phẩm sạch mà thực phẩm đương nhiên phải sạch.

Phạm Sơn

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/doanh-nghiep-nong-san-viet-mat-nhieu-don-hang-xuat-khau-vi-chu-tin-c7a556570.html