Doanh nghiệp nước ngoài e ngại về 'luật chống gián điệp' của Trung Quốc

Các công ty nước ngoài đang cảm thấy áp lực hơn, bị ràng buộc nhiều hơn khi Luật chống gián điệp sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-7. Việc thực thi các điều luật được định nghĩa một cách mơ hồ sẽ tiếp tục làm suy giảm niềm tin vốn đang ở mức thấp kỷ lục trong nhiều năm do các tác động của đối đầu Mỹ – Trung trên nhiều lĩnh vực.

Theo Tân Hoa xã, luật chống gián điệp sửa đổi được hình thành trên những quy định của luật ban hành năm 2014. Các điều luật sửa đổi và bổ sung được đệ trình cuối tháng 12 năm ngoái và được Quốc hội Trung Quốc thông qua cuối tháng 4 vừa rồi. Luật mở rộng các định nghĩa về các mục tiêu mà gián điệp có thể tiếp cận là “tất cả tài liệu, dữ liệu, vật dụng hay bài viết” và cho phép quan chức thực thi “kiểm tra hành lý, thiết bị điện tử và tài sản của nghi phạm”. Các cuộc tấn công mạng vào các cơ quan nhà nước hay cơ sở dữ liệu quan trọng cũng được xem là gián điệp.

Luật mới làm tăng rủi ro cho các doanh nghiệp vốn đã phải tuân thủ một số luật tương tự, chẳng hạn dư Luật bảo mật dữ liệu và Luật an ninh quốc gia. Đặc biệt, các điều luật mơ hồ để xác định các cá nhân đang thực hiện “các hoạt động gián điệp đáng nghi ngờ” có thể làm tăng tình trạng không chắc chắn về tương lai kinh doanh ở Trung Quốc, hãng luật quốc tế Morgan Lewis đã đưa cảnh báo hồi tháng 5.

Bình luận về luật này, Michael Hart, Chủ tịch AmCham (Phòng Thương mại Mỹ) tại Trung Quốc cho biết, các thành viên của AmCham muốn tuân thủ luật pháp nhưng cũng bày tỏ lo ngại rằng, điều mọi người e ngại là các hoạt động kinh doanh thông thường trước đây phải được định nghĩa và phân loại trở lại.

Khảo sát mới công bố đầu tháng 6-2023 của EuroCham cho thấy, có 10% thành viên đã di dời hoặc có kế hoạch di dời nhà xưởng và văn phòng ra khỏi Trung Quốc, có 53% không có kế hoạch mở rộng hoạt động tại Trung Quốc trong năm nay. Trong số những người được khảo sát, 38% đã chứng kiến khách hàng và nhà cung cấp Trung Quốc chuyển đầu tư ra nước ngoài.

Tâm lý hoài nghi hay bi quan đó phần lớn gắn liền với môi trường kinh doanh biến động hơn và kết quả tài chính yếu hơn. Khoảng 64% công ty được khảo sát cho biết hoạt động kinh doanh trở nên khó khăn hơn vào năm 2022, trong khi 30% số người được hỏi cho biết doanh thu giảm vào năm ngoái, so với chỉ 10% vào năm 2021.

Trung Quốc đang mất dần sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và không còn là điểm đến hàng đầu của doanh nghiệp Mỹ – theo kết quả khảo sát của AmCham công bố đầu tháng 3-2023. Lần đầu tiên trong lịch sử 25 năm thực hiện khảo sát môi trường kinh doanh, Trung Quốc không còn là thị trường nằm trong top 3 của đa số các doanh nghiệp Mỹ.

Cuộc khảo sát được thực hiện từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 11 năm ngoái. Khoảng 45% trong số 319 công ty được khảo sát đã trả lời Trung Quốc là ưu tiên đầu tư hàng đầu trong ba kế hoạch đầu tư toàn cầu ngắn hạn của họ, đánh dấu một sự thay đổi đáng kể từ 60% vào năm ngoái.

Tỷ lệ trả lời Trung Quốc là “một trong nhiều điểm đến” đã tăng lên 38%, so với 29 trong một khảo sát trước đó. Trong khi đó, 45% số người được hỏi cho biết, môi trường đầu tư của Trung Quốc đang xấu đi, tăng mạnh từ 14% trong cuộc khảo sát trước đó lên mức cao nhất trong 5 năm qua.

“Phần lớn các doanh nghiệp cho biết họ đang xem xét các kế hoạch đầu tư ở Trung Quốc, chọn không đầu tư thêm hoặc thậm chí giảm đầu tư tổng thể”, báo cáo của AmCham viết.

Theo Nikkei Asia, Bloomberg, Foreign Policy

Ricky Hồ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-nuoc-ngoai-e-ngai-ve-luat-chong-gian-diep-cua-trung-quoc/