Doanh nghiệp phải giải trình hóa đơn của 54 doanh nghiệp 'ma' là không phù hợp?

Nhiều doanh nghiệp đang đứng ngồi không yên sau khi nhận 'trát' yêu cầu giải trình từ cơ quan thuế về việc mua phải hóa đơn của doanh nghiệp có rủi ro về hóa đơn điện tử.

Trong kiến nghị gửi tới Bộ Tài chính, cử tri TP.HCM đã phản ánh về việc Tổng cục Thuế có công văn yêu cầu các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị phải giải trình hóa đơn khi có mua hàng của 54 doanh nghiệp có rủi ro cao liên quan đến bán hóa đơn khống (mà hiện nay 54 doanh nghiệp này đã không còn hoạt động) là không phù hợp và gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Cử tri cho rằng, vấn đề đặt ra là do công tác quản lý của ngành thuế và việc doanh nghiệp khi mua hàng hoàn toàn không biết doanh nghiệp đó có phá sản hay ngừng hoạt động trong tương lai hay không.

Trước đó, Hội Doanh nghiệp quận 10 (TP.HCM) cho hay, khi kiểm tra quyết toán thuế tại doanh nghiệp, nếu phát hiện có hóa đơn của đối tác đã giải thể hoặc công ty “ma”…, thì cơ quan thuế đẩy hết cho doanh nghiệp đang được kiểm tra phải chịu trách nhiệm. Điều này là rất vô lý, bởi doanh nghiệp không thể biết trước được đối tác có thể giải thể để mà tránh.

Thời gian qua, cơ quan điều tra phát hiện và khởi tố nhiều trường hợp mua bán hóa đơn khống với số lượng lên đến hàng triệu hóa đơn.

Theo Hội Doanh nghiệp quận 10, việc cơ quan thuế không kiểm soát, xử lý được việc mua hóa đơn bất hợp pháp mà buộc doanh nghiệp có liên quan (vô tình là đối tác) phải đóng lại số thuế từ các hóa đơn phi pháp cũng rất phi logic.

Phản hồi cử tri, Bộ Tài chính cho biết, thời gian vừa qua, qua công tác phối hợp với các cơ quan chức năng đã phát hiện một số doanh nghiệp bán hóa đơn không hợp pháp, hóa đơn khống (là một trong các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 7 Điều 6 Luật Quản lý thuế ngày 13/6/2019).

Trường hợp của một số doanh nghiệp bán hóa đơn này khác với trường hợp các doanh nghiệp bán hàng rồi bỏ địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan thuế vì các doanh nghiệp bán hóa đơn chủ yếu khai khống hóa đơn hàng hóa mua vào.

Do đó, thực hiện các quy định pháp luật về thuế, Tổng cục Thuế có văn bản yêu cầu Cục Thuế địa phương thông báo tới các doanh nghiệp có hóa đơn đầu vào của các doanh nghiệp bán hóa đơn không hợp pháp nêu trên để chủ động rà soát và loại trừ các hóa đơn không hợp pháp, không có hàng hóa kèm theo và điều chỉnh kê khai, hạch toán đúng nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Danh sách doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế, đồng thời hệ thống hóa đơn điện tử của cơ quan Thuế sẽ tự động chặn xuất hóa đơn của các doanh nghiệp này.

Một chuyên gia cho rằng theo quy định hiện hành, khi doanh nghiệp xuất hóa đơn, thì cơ quan thuế tiến hành xác minh và cấp mã, do đó hóa đơn đó phải được coi là hợp lệ và doanh nghiệp phải được hoàn thuế giá trị gia tăng. Vì vậy, cơ quan thuế cần có giải pháp phù hợp để phát hiện kịp thời những doanh nghiệp "ma", bỏ trốn, bị đóng mã số thuế. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh có hợp đồng đầy đủ, thực tế có mua hàng, có thanh toán và hóa đơn đã được xuất hợp lệ, thì không nên yêu cầu doanh nghiệp mua hàng phải giải trình làm rõ việc sử dụng hóa đơn đó để được khấu trừ hoàn thuế giá trị gia tăng.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thue-ngan-sach/doanh-nghiep-phai-giai-trinh-hoa-don-cua-54-doanh-nghiep-ma-la-khong-phu-hop-1099546.html