Doanh nghiệp phàn nàn, Malaysia vẫn truy quét lao động nhập cư trái phép

Các cuộc bố ráp tại những công trình xây dựng đã trở thành hoạt động thường ngày kể từ khi Malaysia bắt đầu chiến dịch truy quét lao động nước ngoài bất hợp pháp trên toàn quốc từ ngày 1.7. Trong 10 ngày đầu của chiến dịch, hơn 3.300 lao động nhập cư bất hợp pháp đã bị bắt, trong đó có hơn 60 chủ sử dụng lao động.

Lao động nước ngoài chờ nhân viên di trú Malaysia kiểm tra giấy tờ ở ngoại ô Port Dicksson, Negeri Sembilan ngày 11.7.2017. Ảnh: AP

Chiến dịch trấn áp đã được báo trước. Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Malaysia cho chủ sử dụng lao động gần 5 tháng để đăng ký lao động nhập cư bất hợp pháp. Cục trưởng Cục Di trú Malaysia - ông Mustafar Ali - lên kế hoạch cấp 600.000 thẻ Enforcement (E-card) để các nhà tuyển dụng có thể đăng ký cho lao động nước ngoài bất hợp pháp. Tuy nhiên, chỉ có 160.000 thẻ được đăng ký khi thời hạn đăng ký kết thúc vào ngày 30.6.

Theo tờ Channel News Asia, ông Mustafa Ali tỏ ra cứng rắn và tuyên bố không gia hạn. Ông nói, các chủ sử dụng lao động đã được cho đủ thời gian, và khẳng định chiến dịch truy quét sẽ tiếp tục cho đến khi người lao động không có giấy tờ cuối cùng bị trục xuất.

“Tôi muốn nhấn mạnh rằng, chiến dịch truy quét sẽ tiếp tục” - ông Mustafar nói. “Hãy đầu hàng bây giờ, nếu không những người bị bắt trong các cuộc trấn áp sẽ đối mặt hình phạt nghiêm khắc của pháp luật”. Cục trưởng Cục Di trú nhấn mạnh, một khi bị bắt, lao động nhập cư trái phép sẽ bị đưa vào danh sách đen và bị trục xuất, còn chủ sử dụng lao động có thể bị phạt tiền, phạt tù theo luật.

Tuy nhiên, những người sử dụng lao động, đặc biệt là chủ các công ty vừa và nhỏ, đang lên tiếng phàn nàn. Nhiều doanh nghiệp nói rằng họ không được thông báo rõ về quá trình đăng ký, một số khác đổ lỗi cho các đại lý mà họ thuê để giúp đăng ký lao động nhập cư bất hợp pháp.

“Rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trả tiền cho đại lý, nhưng họ không nhận được E-card. Nhiều đại lý hứa hẹn, thậm chí nói rằng kể cả những lao động trong danh sách đen họ cũng có thể đăng ký được. Nhưng thực sự không phải vậy, họ chỉ muốn ăn tiền” - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Malaysia - ông Kang Hua Keong - cho biết.

Nhiều doanh nghiệp đang gặp khó trong chiến dịch truy quét, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng và dịch vụ. Các nhà thầu xây dựng kêu rằng họ không đủ công nhân để làm việc.

“Một số lao động không trở lại làm việc, hoặc là họ về nước, hoặc là trốn đâu đó” - ông Ken Lee, một người giám sát công trình cho biết. “Chúng tôi sẽ xem tác động trong một tháng hoặc một, hai tuần nữa. Không chỉ trong lĩnh vực xây dựng mà các ngành khác cũng đối mặt thực trạng tương tự”.

Malaysia từ trước đến nay đều dựa chủ yếu vào lao động nước ngoài để làm các công việc mà người bản xứ coi là nặng nhọc, khó khăn, nguy hiểm và bụi bẩn, chẳng hạn công việc trồng trọt hoặc xây dựng. Tuy nhiên, lao động nước ngoài đến Malaysia làm việc ngày càng nhiều trong các ngành bán lẻ hoặc dịch vụ mà không phải theo luật nhập cư. Nhiều nhà hàng và quán ăn ở Kuala Lumpur trên thực tế được điều hành bởi người nước ngoài, đến từ Bangladesh, Myanmar và Indonesia.

Các nhà tuyển dụng thích thuê lao động nước ngoài vì trả lương thấp hơn và họ không có khó khăn gì để giữ họ. Ước tính có hơn 3 triệu lao động nước ngoài đang làm việc ở Malaysia, trong đó một nửa là bất hợp pháp. Nhiều người lo ngại rằng, việc truy quét lao động nhập cư không có giấy tờ sẽ dẫn đến tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng, từ đó sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của Malaysia.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-gioi/doanh-nghiep-phan-nan-malaysia-van-truy-quet-lao-dong-nhap-cu-trai-phep-683923.bld