Doanh nghiệp Thái được "huấn luyện" để xuất ngoại

Tại thị trường Việt Nam, những doanh nghiệp lớn nhất trong một số lĩnh vực như nông nghiệp (CP Vietnam), gạch xây dựng (Prime Group), đồ uống (Red Bull)... đang do người Thái nắm quyền kiểm soát.

Từ giữa năm 2014 đến nay, hàng loạt thương vụ mua bán - sáp nhập trong lĩnh vực bán lẻ đình đám cũng đều có sự tham gia của họ, như Berli Jucker Plc (BJC) mua lại chuỗi siêu thị Metro Cash & Carry Việt Nam, cũng chính BJC mua hệ thống cửa hàng FamilyMart của Nhật và đổi tên thành B'smart, rồi Central Group của tỷ phú Thái Lan Chirathivat mua 49% cổ phần sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim... Và mới đây nhất, Tập đoàn BJC đã tuyên bố muốn mua lại hệ thống siêu thị Big C với giá 800 triệu USD.

Mật độ hiện diện đáng kể và sự phát triển ngày càng lớn mạnh của doanh nghiệp Thái Lan tại thị trường Việt Nam, theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, không phải đơn giản có được. Theo ông, các doanh nghiệp Thái đã nhận được sự hỗ trợ rất tốt từ các cơ quan thương mại trong nước và thương vụ đại sứ quán cũng như các lãnh sự quán của họ ở Việt Nam. Hội chợ bán lẻ hàng Thái Lan đã được tổ chức thường niên suốt 12 năm qua tại Hà Nội và TP.HCM, trưng bày nhiều chủng loại hàng gồm vật dụng gia đình, hàng may mặc, sản phẩm làm đẹp, vật dụng trang trí lưu niệm, thiết bị điện tử... là một dẫn chứng cụ thể.

Thời gian gần đây, Chính phủ Thái Lan đã có những động thái mạnh mẽ và bài bản hơn nữa trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) trong mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu và đầu tư ở thị trường nước ngoài, trong đó có thị trường Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn, từ cuối tháng 3 đến nay, tờ The Nation của Thái Lan liên tục đưa tin về một số chương trình hỗ trợ SMEs nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu của Chính phủ Thái. The Nation dẫn lời Tổng giám đốc Cục Xúc tiến thương mại quốc tế Thái Lan (DITP) thuộc Bộ Thương mại Thái Lan - bà Malee Choklumlerd cho biết, DITP dự kiến tổ chức lễ ký bản ghi nhớ (MOU) giữa các doanh nghiệp lớn của Thái Lan và Bộ Thương mại nhằm hỗ trợ SMEs.

Theo đó, các doanh nghiệp lớn sẽ giúp SMEs bằng cách cung cấp thông tin và những đầu mối liên lạc, “mai mối” doanh nghiệp tại mỗi thị trường mà SMEs Thái Lan muốn đến. Những doanh nghiệp lớn dự kiến tham gia như Berli Jucker (BJC), tập đoàn SCG và Srithai Superware.

Tờ The Nation cũng trích lời bà Malee Choklumlerd cho biết dự án này sẽ tạo ra các lợi ích win-win, tức cả hai bên cùng có lợi. Bởi vì, các doanh nghiệp lớn sẽ có thêm nguồn cung cấp hàng hóa, còn các SMEs sẽ có cơ hội mở rộng kinh doanh ra thị trường nước ngoài.

Cụ thể, BJC sẽ hỗ trợ khai thác thị trường Việt Nam, SCG sẽ hỗ trợ tìm cơ hội cung cấp vật liệu xây dựng cho Campuchia vào quý III/2016. Còn Bangkok Bank đóng vai trò nhà tư vấn và giúp SMEs có được vốn (với lãi suất chỉ 4%/năm). Ngoài ra, DITP cũng tổ chức sự kiện mang tên “Top Thai Brands” tại các nước này để quảng bá các thương hiệu của Thái Lan.

P.V

Nguồn DNSG: http://www.doanhnhansaigon.vn/thoi-su-trong-nuoc/doanh-nghiep-thai-duoc-huan-luyen-de-xuat-ngoai/1096790/