Doanh nghiệp thuộc PVN 'gồng mình' trước bão

Nằm trong bối cảnh khó khăn chung của ngành dầu khí, các doanh nghiệp luôn được xem là 'cánh chim đầu đàn' của ngành mặc dù vẫn hoạt động có lãi nhưng cũng đã cho thấy xu hướng đi xuống trong hoạt động kinh doanh.

Theo công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2017 của Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVT), doanh thu là 3.022 tỷ đồng, giảm 7,4% so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuận sau thuế là 194,3 tỷ đồng, giảm 21,6% so với cùng kỳ.

Quá trình bảo dưỡng nhà máy lọc dầu Dung Quất 40 ngày trong quý 2 đã dẫn đến gián đoạn hoạt động của phần lớn đội tàu của PVT, do đó tác động giảm doanh thu và lợi nhuận. Trong 6 tháng đầu năm, mảng dịch vận tải bao gồm vận chuyển dầu thô, các sản phẩm xăng dầu, than và các hàng hóa khác cho doanh thu 1,529 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 1,3% so với cùng kỳ do sự gia tăng của phí vận chuyển đã bù trừ cho khối lượng công việc giảm.

Trong 6 tháng đầu năm, mảng dịch vụ tàu FSO/FPSO cho doanh thu 379 tỷ đồng, tương đương doanh thu trong cùng kỳ năm ngoái. Mảng logistic và thương mại gồm dịch vụ đại lý tàu, cung cấp thủy thủ, dịch vụ chuyển tiếp với tỷ suất lợi nhuận thấp. Mảng này cho doanh thu 1.087 tỷ đồng, giảm 21,3%.

PVT là doanh nghiệp trong nước duy nhất sở hữu đội tàu vận chuyển dầu thô và công ty sẽ hưởng lợi chính khi công suất lọc dầu mới đi vào hoạt động từ nay cho đến năm 2020. Cụ thể: Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn mới bổ sung thêm 10 triệu tấn dầu vào cuối năm 2017; Mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất từ 6,5 triệu tấn lên 8,5 triệu tấn dầu thô. Từ đó, tổng công suất lọc dầu của hai nhà máy sẽ tăng thêm 284% lên 18,5 triệu tấn. PVT cũng ký hợp đồng vận chuyển than cho các nhà máy nhiệt điện mở rộng của PVN như Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1 và 2, Nhà máy nhiệt điện Long Phú.

Trong khi đó, theo cập nhật mới đây của Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD) từ đầu tháng 5/2017, PVD đã ký các hợp đồng cho thuê các giàn khoan tự nâng của mình, đảm bảo khối lượng công việc đến cuối năm 2017. Giàn PVD I đang thực hiện chiến dịch khoan cho Cửu Long JOC. Giàn PVD II khoan cho Vietsopetro đến hết năm 2017 và giàn PVD III đang cung cấp dịch vụ cho Thăng Long JOC. Giàn PVD VI sau khi hoàn tất hợp đồng với Hoàng Long/Hoàng Vũ JOC đã chuyển sang khoan cho JVPC. Hiện giá cho thuê các giàn tự nâng vào khoảng 50.000 USD/ngày.

Giàn PVD V hiện vẫn không có việc làm từ tháng 11/2016. PVD kỳ vọng giàn khoan này sẽ ký được hợp đồng cung cấp dịch vụ vào đầu năm 2019 tại mỏ Cá Rồng Đỏ.

Trong năm 2016, lợi nhuận của PVD không bị âm nhờ sự đóng góp của giàn PVD V. Cụ thể, LNST của PVD năm 2016 là 185 tỷ đồng trong khi lợi nhuận của giàn PVD V là 239 tỷ đồng. Rõ ràng, hoạt động các giàn tự nâng trong năm 2016 đã bắt đầu lỗ. Trong khi đó, theo ước tính của PVD, giá cho thuê các giàn tự nâng phải từ 65.000 USD/ngày trở lên thì hoạt động kinh doanh các giàn tự nâng mới bắt đầu có lợi nhuận.

Nhằm giảm sự phụ thuộc vào thị trường trong nước, PVD đang đấu thầu các hợp đồng khoan ở nước ngoài như Thái Lan, Myanmar. Hiện tại, chỉ có giàn PVD VI được đảm bảo bằng một hợp đồng 3 tháng, vừa được ký với Rosneft trong thời gian vừa qua. Tổng giá trị hợp đồng là 42 triệu USD, trong đó giá trị khoan ước tính 4,5 – 5 triệu USD phần còn lại là mua bán thiết bị máy móc.

Một doanh nghiệp khác của PVN là Tổng CTCP Phân bón & Hóa chất Dầu khí (DPM), Công ty công doanh thu 6 tháng đầu năm 2017 đạt 4.350 tỷ đồng, giảm 1,7% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu từ sản phẩm đạm ure là 2.769 tỷ đồng, giảm 3,7%. Lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 454 tỷ đồng, giảm 42% chủ yếu do sản lượng bán urê thấp và chi phí khí đầu vào tăng.

Triển vọng cho giá urê nửa cuối năm 2017 vẫn duy trì khá kém tích cực do giá urê toàn cầu có xu hướng giảm kể từ tháng 5/2017 khi một vài nhà sản xuất urê tại Trung Quốc bắt đầu hoạt động trở lại sau khi giá urê phục hồi trong quý 1. Lượng tồn kho cao nhất ở thị trường trong nước trong vòng 5 năm qua cũng khiến triển vọng từ nay đến cuối năm của DPM kém tích cực.

Hiện nhà máy NPK và NH3 của DPM đã hoàn thành lần lượt 94,8% và 85,5% tiến độ xây dựng. Nhà máy NPK sẽ thực hiện chạy thử trong 99 ngày từ 14/09, nhà máy NH3 sẽ chạy thử 45 ngày từ ngày 15/12.

Trong nửa đầu năm 2017, giá dầu nhiên liệu đã tăng 64,7% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với mức tăng 27,9% của giá dầu thô. Theo các chuyên gia trong ngành, giá dầu nhiên liệu dự kiến đạt 340-360 USD/tấn trong năm 2018, tăng 20% từ mức 2017.

Trong khi đó, Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2017 với doanh thu giảm 15,3%, đạt 7,7 nghìn tỷ đồng và LNST giảm 17,1% đạt 573 tỷ đồng. Lợi nhuận thấp hơn chủ yếu đến từ thu nhập thấp hơn từ công ty liên kết và liên doanh và mức giảm mạnh từ lợi nhuận ngoài hoạt động kinh doanh.

Mảng khảo sát địa chấn và ROV phục hồi trong 6 tháng đầu năm 2017. Các tàu 2D và 3D cũng như ROV đều hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2017, qua đó thu về 5,3 triệu lợi nhuận gộp sau khi lỗ 3 triệu USD cùng kỳ năm ngoái.

Hiền Anh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/doanh-nghiep-thuoc-pvn-gong-minh-truoc-bao-post234988.info