Doanh nghiệp Trung Quốc vẫn “bạo chi” ở Việt Nam bất chấp triển vọng TPP u ám

“Hoạt động của công ty tại Việt Nam rất mạnh, so với tất cả các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, thậm chí hơn cả nhà máy sản xuất tại Trung Quốc”, Nikkei Asian Review dẫn lời lãnh đạo Texhong.

Ảnh minh họa.

Đối với Texhong Textile Group, đầu tư vào Việt Nam là một kế hoạch chiến lược để bù đắp tác động tiêu cực từ việc Trung Quốc không tham gia Hiệp định đối thác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tuy nhiên giờ đây, kể cả khi tương lai của hiệp định trở nên mù mịt khi bị cả hai ứng viên Tổng thống Mỹ phản đối, công ty dệt may của Trung Quốc vẫn tiếp tục “trung thành” với kế hoạch mở rộng tại quốc gia láng giềng.

Nhà sáng lập kiêm chủ tịch công ty – ông Hồng Thiên Chúc – từng cho biết một trong những lý do đầu tiên khiến ông đổ tiền vào Việt Nam là để đối phó với TPP.

TPP có hiệu lực sẽ làm nảy sinh thách thức với ngành dệt may và doanh nghiệp Trung Quốc.

Nhưng ngày 15/8, sau khi triển vọng TPP được thông qua bị lu mờ do hai ứng viên Tổng thống Mỹ phản đối, CEO Texhong Zhu Yongxiang khẳng định Việt Nam vẫn hấp dẫn dù không có TPP.

“Hoạt động của công ty tại Việt Nam rất mạnh, so với tất cả các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, thậm chí hơn cả nhà máy sản xuất tại Trung Quốc”, ông cho biết.

Ít nhất Việt Nam có ba lợi thế khác ngoài TPP, ông Zhu chỉ ra.

Đầu tiên là quan hệ thương mại rộng ở với thế giới nói chung và Trung Quốc nói riêng. Trước khi có TPP, thuế đánh vào sợi từ Việt Nam xuất sang Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu đã thấp hơn so với mức Trung Quốc phải chịu.

Thứ hai là chi phí sản xuất. So với Trung Quốc, chi phí nhân công, điện nước và các chi phí khác của Việt Nam đều thấp hơn.

Thứ ba là vị trí của nhà máy. Tổ hợp sản xuất của Texhong tại Việt Nam đặt tại tỉnh Quảng Ninh, gần với Khu tự trị người Choang - Quảng Tây, thuận lợi để tham gia vào mạng lưới sản xuất được thiết lập ở miền Nam Trung Quốc. Ngoài ra, nhà máy cũng gần nhiều cảng biển, thuận tiện cho xuất khẩu.

Trên thực tế, Texhong sẽ tiếp tục mở rộng tại Việt Nam. Dây chuyền sản xuất sợi mới sẽ được đưa vào hoạt động hết công suất từ giờ tới cuối năm.

Sau khi hoàn thiện, tổ hợp sản xuất sợi tại Việt Nam của Texhong sẽ được đánh giá gần như ngang ngửa với tổ hợp tại Trung Quốc. Thậm chí, công suất của một số dây chuyền sẽ vượt mức của Trung Quốc, ông Zhu nói.

Trong nửa đầu năm 2016, doanh thu của Texhong đạt 877 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ sợi tại Việt Nam chiếm 21%.

Tổng tài sản tại Việt Nam của tập đoàn là 150,6 triệu USD, chiếm 1/3 tổng tài sản tập đoàn.

Tại Việt Nam, Texhong đã có tổ hợp 5 nhà máy sợi ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch, Đồng Nai vào năm 2006, với tổng vốn đầu tư trên 200 triệu USD.

Năm 2012, Texhong tiếp tục xây dựng một nhà máy sợi 300 triệu USD ở Quảng Ninh và đến năm 2013 đã đi vào hoạt động.

Năm 2014, Texhong đã khởi công Dự án hạ tầng Khu công nghiệp Texhong Hải Hà, Quảng Ninh, với tổng vốn đầu tư 215 triệu USD.

Tập đoàn này đồng thời cũng rót thêm 300 triệu USD để thực hiện Dự án Chuỗi dây chuyền công nghiệp dệt may tập trung tại chính Khu công nghiệp Texhong Hải Hà.

Texhong cũng đã đề xuất tham gia đầu tư tại Khu kinh tế Móng Cái, mở tuyến bay phi cơ từ Liễu Giai, Trung Quốc đến Vịnh Hạ Long và ngược lại, cũng như xây dựng một bến cảng chuyên dụng tại Khu công nghiệp Texhong Hải Hà.

Khi được hỏi về lo ngại đối với tranh chấp trên Biển Đông, ông Zhu cho biết vấn đề này không gây nhiều tác động, vì xu thế chung trên thế giới là tách bạch giữa chính trị và kinh doanh.

THẢO MAI

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/the-gioi/doanh-nghiep-trung-quoc-van-bao-chi-o-viet-nam-bat-chap-trien-vong-tpp-u-am-1883352.html