Doanh nghiệp và trách nhiệm xã hội

“Chính phủ Việt Nam sẽ không đón chào những nhà đầu tư coi Việt Nam là nơi chuyển giá, trốn tránh trách nhiệm môi trường, đi ngược lại nguyên tắc cơ bản và giá trị cốt lõi mà quý vị cam kết” – thông điệp không đánh đổi môi trường tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp thường niên (BVF) 2016 với chủ đề “Nâng cao vai trò khu vực kinh tế tư nhân: Tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vì sự phát triển hài hòa của kinh tế Việt Nam” khai mạc sáng 5/12, tại Hà Nội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự Diễn đàn.

Doanh nghiệp thành lập mới đạt mức kỷ lục

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, năm 2016 là năm đầu tiên của Chính phủ mới, dù thời gian chưa được một năm nhưng cộng đồng DN đã thấy rõ những định hướng, cam kết trong phát triển kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ.

Hàng loạt các giải pháp cụ thể đã được Chính phủ thực hiện, trong đó phải kể đến Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 về phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo Chủ tịch VCCI, có thể nói, năm 2016 là năm đầu tiên mà số lượng DN thành lập mới đạt mốc kỷ lục vượt con số 100 ngàn DN mới thành lập. “Ít có thời điểm nào Chính phủ dành nhiều thời gian lắng nghe và đối thoại với DN như thời gian qua. Cộng đồng DN rất ấn tượng với những giải quyết cụ thể của người đứng đầu Chính phủ, mà việc giải quyết rốt ráo vụ quán Cà phê Xin chào tại TP Hồ Chí Minh là một ví dụ” – TS Lộc nhận định.

Tuy nhiên, thẳng thắn đánh giá, TS Lộc cho rằng, môi trường kinh doanh của Việt Nam dù đã có những cải thiện đáng kể nhưng so với các quốc gia khác, vẫn còn khoảng cách khá lớn và so với mong muốn của DN thì vẫn còn xa.

Các DN vẫn còn gặp hàng loạt khó khăn trong hoạt động của mình từ vay vốn, lãi suất cao, thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và trình độ phù hợp, chất lượng cơ hở hạ tầng cho đến vướng mắc về thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai thuế, hải quan, xuất nhập khẩu…

Bởi vậy, người đứng đầu VCCI nhấn mạnh: “Thông điệp đã đủ mạnh, chính sách đã nhiều, định hướng đã rõ, chúng tôi cho rằng, giải pháp quan trọng là hành động, rút ngắn khoảng cách giữa chính sách và thực tế, xóa bỏ sự khác biệt giữa văn bản và thực thi. Thời gian tới cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa trong việc giám sát và đánh giá kết quả thực thi các nghị quyết này”.

Chia sẻ về những bất cập trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam hiện nay dẫn đến khó thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, ông Kenneth M Atkinson, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam cho rằng, rất nhiều DN thành viên thuộc Hiệp hội bày tỏ quan ngại về vấn đề ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, tắc nghẽn giao thông và ngập lụt đang ngày càng trở nên trầm trọng tại Việt Nam.

“Mức độ ô nhiễm không khí tăng cao một cách rõ rệt và ở mức báo động. Điều này tác động nhiều tới những người muốn chuyển gia đình đến sinh sống tại Việt Nam từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Chúng tôi cho rằng, nguyên nhân chính của vấn đề này nằm ở sự yếu kém trong khâu quản lý và thực thi luật pháp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nhất là ở các khu công nghiệp” - ông Kenneth M Atkinson nhận định và đề xuất: “Chính phủ Việt Nam cần nhanh chóng xử lý vấn đề ô nhiễm một cách cấp bách và không khoang nhượng. Chúng tôi tin rằng, với hệ thống pháp luật sẵn có, chỉ cần được thực thi đúng đắn, sẽ đem lại hiệu quả ngay lập tức”.

Vấn đề về môi trường, sự ô nhiễm do các nhà máy công nghiệp gây ra tại Việt Nam thời gian qua cũng chính là một trong những vấn đề được nhắc đến nhiều nhất tại Diễn đàn. Mà nói như ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch Eurocham tại Việt Nam, ô nhiễm và suy thoái môi trường hiện nay là những vấn đề không thể tách rời trong sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Việt Nam hiện nay.

Không đánh đổi môi trường

Phát biểu tại BVF 2016, thông điệp “sẽ không đánh đổi môi trường” tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Chính phủ Việt Nam sẽ không đón chào những nhà đầu tư coi Việt Nam là nơi chuyển giá, trốn trách nhiệm môi trường, đi ngược lại nguyên tắc cơ bản và giá trị cốt lõi mà quý vị cam kết. Bởi vì điều đó không chỉ làm phương hại lợi ích Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến uy tín kinh doanh của các nhà đầu tư đang có mặt ở Việt Nam”.

Mặc dù luôn đánh giá cao vai trò của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong việc thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, song Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng rất kiên quyết khẳng định không chấp nhận những DN vào đầu tư mà gây tổn hại đến môi trường Việt Nam.

“Chính phủ mong muốn có sự hợp tác đầu tư của DN FDI với sự chia sẻ kinh nghiệm, khả năng quản trị DN, công nghệ, có trách nhiệm với xã hội, chung tay với Việt Nam bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên… đồng thời khu vực DN này sẽ có cam kết và hành động cụ thể để hỗ trợ tăng cường liên kết, hỗ trợ DN trong nước cùng phát triển” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Luôn đề cao vai trò của khu vực kinh tế tư nhân đối với sự phát triển kinh tế, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, thực tiễn 30 năm cải cách, đổi mới, kinh tế tư nhân luôn là động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, góp phần xây dựng vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu.

Năm 2016 là năm đầu tiên Việt Nam có hơn 100 nghìn DN được đăng ký thành lập mới. Như vậy, bình quân 1 tiếng đồng hồ có 12 DN “khai sinh”. Tại đây, vai trò của hơn 3,5 triệu hộ kinh doanh cá thể cũng được Thủ tướng nhắc đến với kỳ vọng, đây sẽ là lực lượng đông đảo có tầm ảnh hưởng lớn đến mục tiêu phát triển DN đến năm 2020.

“Trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội Việt Nam giai đoạn 2016-2020, Chính phủ xác định tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh DN Việt Nam, nhất là doanh nghiệp tư nhân, để làm động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Duy Phương

Từ khóa

Nguyễn Xuân Phúc Diễn đàn đầu tư Vũ Tiến Lộc VCCI Chính phủ Doanh nghiệp

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thoi-su-chinh-tri/doanh-nghiep-va-trach-nhiem-xa-hoi/139235