Doanh nghiệp vận tải bức xúc vì Trạm thu phí trên Quốc lộ 3 cũ

Mặc dù đang trong giai đoạn xây dựng, chuẩn bị hoàn thiện nhưng việc đặt Trạm thu phí BOT trên tuyến Quốc lộ 3 cũ tại km 77 + 875 - km 77 + 970 thuộc địa bàn xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương đã khiến người dân, nhất là các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên vô cùng bức xúc.

Ông Vũ Mạnh Hà, Giám đốc doanh nghiệp Mạnh Hà, đơn vị đang khai thác tuyến xe buýt số 2 Gang Thép (thành phố Thái Nguyên) - Yên Lãng (huyện Đại Từ) cho biết, với 22 đầu xe buýt, hiện mỗi ngày doanh nghiệp chạy hơn 120 lượt xe, vận tải hàng nghìn lượt khách, chủ yếu là học sinh, sinh viên và người lao động thu nhập thấp. Tuyến xe buýt của doanh nghiệp chủ yếu lưu thông trên tuyến Quốc lộ 37, không thuộc tuyến đường Quốc lộ 3 cũ mà doanh nghiệp thu phí (Công ty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới thuộc Liên danh Cienco 4 - Tuấn Lộc - Trường Lộc) đầu tư nâng cấp, sửa chữa. Rõ ràng đặt trạm thu phí tại vị trí này là một sự bất hợp lý, ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp vận tải thường xuyên lưu thông trên tuyến Quốc lộ 37 qua địa bàn huyện Đại Từ và đi các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai...

Ngoài số xe buýt vận tải hành khách công cộng, doanh nghiệp Mạnh Hà còn có 14 đầu xe khách vận chuyển hành khách tuyến cố định phải đi qua trạm thu phí BOT hàng ngày. Trong bối cảnh kinh doanh vận tải hành khách đang gặp rất nhiều khó khăn hiện nay, việc tốn thêm chi phí qua Trạm thu phí trên tuyến Quốc lộ 3 cũ càng đẩy doanh nghiệp vào tình thế khó khăn hơn. Nếu không có chính sách miễn giảm cho xe buýt hoặc mức giá qua trạm không được điều chỉnh hợp lý doanh nghiệp buộc phải tăng giá vé và người phải chịu thiệt thòi nhiều nhất chính là người dân hàng ngày đang sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng.

Ông Lê Sỹ Tiến, Giám đốc Xí nghiệp vận tải - Công ty cổ phần vận tải Thái Nguyên cho rằng, mức phí lưu thông mà Công ty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới công bố khi chuẩn bị đưa Trạm thu phí BOT trên tuyến Quốc lộ 3 cũ vào hoạt động là quá cao, bất hợp lý vì mức giá này cũng bằng với mức giá của tuyến Quốc lộ 3 mới Thái Nguyên - Chợ Mới mà doanh nghiệp này vừa đầu tư.

Sau khi được cấp phép khai thác tuyến xe buýt Thành phố Thái Nguyên - Yên Ninh (huyện Phú Lương) từ tháng 6/2016, công ty đã đầu tư 14 xe buýt mới với kinh phí đầu tư khoảng 1,1 tỷ đồng/xe và vận hành trung bình 112 lượt/ngày. Do đây là tuyến buýt mới, chưa có nhiều hành khách nên hiện tại công ty vẫn phải bù lỗ. Trong những ngày sắp tới, dù được ưu đãi vé tháng (trên 1 triệu đồng/xe/tháng) thì chi phí cho tuyến xe buýt này càng tăng trong khi lĩnh vực kinh doanh xe buýt vận tải hành khách công cộng tại Thái Nguyên không có sự trợ giá, trợ cước của nhà nước.

Chung nỗi bức xúc với vị trí và mức giá của Trạm thu phí BOT trên Quốc lộ 3 cũ, ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Hà Lan - doanh nghiệp đang khai thác tuyến xe buýt thành phố Thái Nguyên - Thị trấn Chợ Chu (huyện Định Hóa) cho biết thêm, hiện tại doanh nghiệp có 24 xe buýt chạy tuyến đường này với 140 lượt xe/ngày. Ngoài phí bảo trì đường bộ, xăng dầu, lương lái xe, phụ xe, nhân viên điều hành... nay xe buýt lại "cõng" thêm phí qua trạm BOT quá cao khiến doanh nghiệp phải tính đến phương án tăng giá vé nhưng việc tăng giá vé xe buýt càng khó khăn hơn vì đa phần người đi xe buýt trên tuyến này là học sinh, sinh viên, công nhân.

Bên cạnh đó, gần 200 đầu xe taxi của Công ty Hà Lan cũng khó có thể tiếp tục hoạt động trên tuyến đường này vì ngoài cước taxi (thường di chuyển trên đoạn đường ngắn) ít có hành khách chấp nhận việc phải trả thêm cước qua trạm thu phí với mức phí xe con dưới 9 chỗ mà doanh nghiệp dự kiến thu là 35.000 đồng...

Để "né" trạm thu phí không ít các doanh nghiệp, chủ phương tiện vận tải đã tính đến việc đi theo các đường dân sinh qua khu vực Mỏ than Khánh Hòa, đường liên xã An Khánh - Cù Vân (Đại Từ), đường Thái Nguyên - hồ Núi Cốc - Đại Từ để đi Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai... tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về tai nạn giao thông, gây ách tắc giao thông, hư hại các tuyến đường nhỏ, đường dân sinh.

Trước những bức xúc của người dân cũng như doanh nghiệp vận tải, trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, ông Vũ Hồng Bắc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên khẳng định, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên – Chợ Mới (Bắc Kạn) và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 3 cũ đoạn Km75 - Km100 theo hình thức hợp đồng BOT được các cấp có thẩm quyền đồng ý về nguyên tắc đầu tư xây dựng. Ngoài ra, dự án cũng đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tại Quyết định số 3002/QĐ-BGTVT ngày 07/8/2014.

Theo ông Vũ Hồng Bắc, dự án đầu tư tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và việc đặt trạm thu phí là cần thiết vì cơ chế đầu tư BOT để thu hồi vốn của nhà đầu tư đồng thời là động lực để phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu đi lại thuận lợi của người dân, giảm thiểu tai nạn giao thông, mang lại lợi ích to lớn cho các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng và Thái Nguyên.

Mặt khác, việc đặt trạm thu phí trên Quốc lộ 3 còn góp phần phân luồng, giảm tải giao thông, giảm tai nạn giao thông trên Quốc lộ 3 khi tuyến đường đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, việc thiết lập các trạm thu phí sẽ có ít nhiều tác động đến đời sống của người dân các vùng lân cận. Do đó, UBND tỉnh Thái Nguyên đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Nhà đầu tư dự án (Liên danh Cienco 4 - Tuấn Lộc - Trường Lộc) và các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với tỉnh Thái Nguyên nghiên cứu cơ chế, chính sách đảm bảo quyền và lợi ích của người dân lân cận khu vực đặt trạm thu phí trên tuyến Quốc lộ 3 cũ và một số đối tượng thường xuyên qua lại trạm thu phí này theo hướng miễn, giảm phí khi đi qua trạm thu phí.... Sau khi có cơ chế, chính sách miễn, giảm phí, Nhà đầu tư dự án mới được tổ chức thu phí theo quy định...

Hoàng Thảo Nguyên (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/doanh-nghiep-van-tai-buc-xuc-vi-tram-thu-phi-tren-quoc-lo-3-cu-20170315161806631.htm