Doanh nghiệp vận tải, nhà xe muốn đối thoại với Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội

Liên quan tới sự việc hàng loạt tài xế chủ xe đình công từ chối phục vụ khách ở bến Mỹ Đình, chiều 31-12-2016, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội đã tổ chức buổi đối thoại với doanh nghiệp vận tải. Tại đây, đại diện một số doanh nghiệp đã đề xuất được đối thoại với Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

Sau khi mời các DN đến đối thoại vào ngày 30-12-2016 không thành, ngày 31-12-2016, Sở GTVT Hà Nội tiếp tục mời một số DN phản đối kế hoạch điều chỉnh luồng tuyến vận tải hành khách liên tỉnh (VTHKLT) đến trực tiếp đối thoại, nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những khó khăn của đơn vị. Tham dự cuộc họp có đại diện của 25 đơn vị và DN kinh doanh VTHKLT, quản lý và khai thác bến bãi đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội.

Trưởng phòng Quản lý Vận tải, Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long cho biết, theo định hướng quy hoạch luồng tuyến VTHKLT đã được Bộ GTVT phê duyệt, theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Sở đã xây dựng kế hoạch điều chỉnh luồng tuyến cụ thể và được Bộ GTVT thống nhất vào ngày 30-12-2016.

Theo đó, đợt này Sở sẽ tiến hành điều chỉnh 691 nốt với 20.396 chuyến/tháng (trung bình 680 chuyến/ngày), tập trung chủ yếu vào 3 bến xe lớn: Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm.

Sở GTVT Hà Nội cũng đã gửi Thông báo đến các Sở đối lưu cũng như các Hiệp hội, DN vận tải liên quan. Thời gian thực hiện điều chỉnh chính thức bắt đầu từ 0h ngày 2-1-2017.

Tuy nhiên, một số DN tỏ ra lo ngại: “Liệu bến xe Nước Ngầm có đủ diện tích để đáp ứng lượng luồng tuyến lớn như vậy? Hơn nữa bến xe này lại nằm ngay tại khu vực nút giao phức tạp Pháp Vân - Nước Ngầm, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, liệu có đảm bảo hoạt động cho các tuyến VTHKLT?

Bến xe Nước Ngầm rất vắng khách, lại có giá dịch vụ quá cao, gấp từ 5 - 6 lần so với các bến xe khác, trong bối cảnh đó, DN sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có khả năng phá sản nếu buộc phải chuyển về đây. Hơn nữa thời gian điều chuyển lại quá gấp, phải xong trước ngày 10-1, các DN khó lòng đáp ứng kịp.

Xe buýt vận chuyển khách từ Mỹ Đình về Nước Ngầm.

Phát biểu trong cuộc họp, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải tỉnh Ninh Bình đề xuất được đối thoại với Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung thay vì đến họp chỉ nhận thông báo của Sở GTVT Hà Nội về kế hoạch điều chuyển 425 nốt xe từ Mỹ Đình sang bến Nước Ngầm. Bà cho rằng, việc điều chỉnh này khiến 50 nốt xe tuyến Mỹ Đình - Ninh Bình có nguy cơ phá sản.

Bà lý giải hành khách có nhu cầu đi lại khu vực ở Cầu Giấy, Từ Liêm nhưng chỉ được phục vụ tới Nước Ngầm, phải bỏ tiền thêm đi xe khác. Trong khi tình trạng xe dù bến cóc ngang nhiên hoạt động nấp ở các điểm để đón và trả khách tới bất cứ đâu. "Đương nhiên hành khách sẽ chọn xe dù đi vì chỉ mất tiền mua vé 1 lần, không phải đón xe buýt, xe ôm nữa thay vì đi xe có nốt cố định", bà Nga nói.

Trước những băn khoăn, lo lắng của DN, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện khẳng định: “Việc điều chuyển luồng tuyến là để phục vụ mục tiêu giảm ùn tắc giao thông, đảm bảo an ninh trật tự, ATGT cho Thủ đô. Bến xe Mỹ Đình được mở khi chưa sáp nhập Hà Tây (cũ) về Hà Nội. Sau khi sáp nhập, bến xe cũng như đường Vành đai 3 không còn phù hợp quy hoạch chung. Do đó TP buộc phải có những điều chỉnh hợp lý với giai đoạn hiện tại và lâu dài”.

Ông Viện đánh giá cao những nỗ lực, đóng góp của các DN trong suốt thời gian qua, đặc biệt là giai đoạn đầu Bến xe Mỹ Đình đi vào hoạt động. “Tuy nhiên, việc điều chỉnh không thể không thực hiện vì lợi ích chung của TP, nhằm sắp xếp lại mạng lưới VTHKLT nói riêng, giao thông vận tải nói chung. Sở cam kết sẽ công khai, minh bạch, đảm bảo lợi ích tất cả các bên trong quá trình điều chỉnh” – ông Viện nói.

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Hà Huy Quang thông tin thêm, về vấn đề lệ phí bến, khả năng tiếp nhận của từng bến xe cũng như phương án tổ chức giao thông cụ thể, Sở sẽ có những tính toán cụ thể, điều chỉnh hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên và phát huy hiệu quả của quy hoạch.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cũng cho hay, từ 1-1-2017, sẽ thực hiện tăng cường năng lực vận chuyển xe buýt kết nối giữa bến xe Nước Ngầm với bến xe Mỹ Đình từ 248 lượt/ngày lên thành 444 lượt/ngày (tang 196 lượt).

Ngoài ra, điều chỉnh lượt xe đối với 2 tuyến đang có điểm đầu cuối tại bến xe Nước Ngầm kết nối với bến xe Mỹ Đình (tuyến xe buýt số 16 và 60B); điều chỉnh tần suất của tuyến xe buýt số 34 (bến xe Gia Lâm-bến xe Mỹ Đình) từ 184 lượt/ngày lên thành 212 lượt/ngày.

Đồng thời, Sở GT-VT Hà Nội đã thông báo với Sở GTVT các địa phương quản lý các nhà xe này nếu vẫn tiếp tục tự ý bỏ khách thì sẽ thu hồi phù hiệu 1 tháng theo đúng quy định và từ chối tiếp nhận; bố trí xe tăng cường chở khách thẳng từ BX Mỹ Đình về các địa phương để phục vụ nhân dân; các cơ quan chức năng sẽ có biện pháp xử lý nghiêm các đối tượng chây ỳ, chống đối.

Chủ trương của TP là quyết liệt thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ. Việc điều chuyển ban đầu sẽ gây khó khăn cho một số DN xong vì mục tiêu chung, tất cả cùng phải chia sẻ chứ không phải gây áp lực cho chính quyền TP theo cách như vậy.

Đặng Nhật

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-thong/doanh-nghiep-van-tai-nha-xe-muon-doi-thoai-voi-chu-tich-ubnd-thanh-pho-ha-noi-423509/