Doanh nghiệp vật liệu xây dựng sẽ phân hóa rõ nét

Năm 2015 khép lại với nhiều tín hiệu vui cho ngành vật liệu xây dựng khi các doanh nghiệp đã “dễ thở” hơn sau nhiều năm khốn khó. Năm 2016, ngành vật liệu xây dựng được dự báo sẽ tiếp tục phát triển, nhưng sự phân hóa sẽ rất rõ nét.

ảnh: Lê Toàn

Năm 2015, dù bị cạnh tranh khá gay gắt từ sản phẩm nhập khẩu, nhưng ngành xi măng vẫn cán mốc tiêu thụ 72,71 triệu tấn; ngành thép tiêu thụ 7 triệu tấn, tăng 24,3% so với năm trước (mức kỷ lục trong vòng 5 năm qua của ngành thép); gạch xây dựng tiêu thụ gần 23 tỷ viên, tăng 8%.

Số liệu trên cho thấy bức tranh của ngành vật liệu xây dựng đã sáng lên, nhưng cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp đều thận trọng khi đánh giá về triển vọng năm 2016.

Ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) nhận định, tiêu thụ xi măng năm 2016 vẫn ở mức khả quan, nhưng chỉ tăng từ 4 - 5% so với năm 2015. Các doanh nghiệp ngành xi măng Việt Nam vẫn đang đối mặt với sức ép tiêu thụ và cạnh tranh cả nội bộ lẫn xuất khẩu. Trong đó, phải kể đến việc nhà sản xuất xi măng số 1 thế giới là Trung Quốc với 2,5 tỷ tấn/năm, chiếm 60% sản lượng toàn cầu, đang đối mặt với dư cung lớn. Để giải quyết bài toán dư cung, Trung Quốc đưa ra chính sách đại hạ giá để xuất khẩu, khiến thị phần của xi măng Việt Nam bị thu hẹp.

Không chỉ thị trường xuất khẩu, ngay cả thị trường nội địa, nhiều doanh nghiệp ngành xi măng, sắt thép Việt Nam cũng đang đứng trước nguy cơ bị mất vào tay sản phẩm nhập khẩu. Đã có những cảnh báo về khả năng phá sản của một số doanh nghiệp xi măng, sắt thép trước sức ép của hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, không phải tất cả các doanh nghiệp đều khó khăn, mà vẫn có doanh nghiệp sống khỏe, thậm chí là mở rộng quy mô đầu tư, sản xuất.

VICEM - nhà sản xuất xi măng lớn nhất Việt Nam đã “ôm” thêm Xi măng Sông Thao và Xi măng Hạ Long. Ngoài ra, đơn vị này đang có kế hoạch đầu tư dây chuyền 2 tại Xi măng Hoàng Mai để tận dụng hạ tầng và vùng nguyên liệu sẵn có.

Trong khi đó, dù thị trường xuất khẩu đang bị cạnh tranh, The Visai vẫn tiếp tục đầu tư Dự án Xi măng Sông Lam giai đoạn 1 có công suất 4 triệu tấn/năm. Dự kiến, sản phẩm sẽ ra lò vào tháng 10/2016. Mới đây, The Visai ký kết hợp đồng vay gần 7.000 tỷ đồng của BIDV để thực hiện giai đoạn 2 Dự án Xi măng Sông Lam và Cảng quốc tế tại Nghi Thiết (Cửa Lò - Nghệ An).

Tại phía Nam, Xi măng FICO đang hoàn tất thủ tục cho việc đầu tư dây chuyền 2 có sông suất tương đương dây chuyền 1 (khoảng 1,4 triệu tấn/năm). Theo tiết lộ của ông Hoàng Cảnh Nguyễn, Tổng giám đốc Xi măng FICO, có nhiều ngân hàng đến thương thảo và muốn tài trợ vốn cho Công ty.

Không dễ gì để các ngân hàng hào hứng cho các doanh nghiệp xi măng vay vốn trong bối thị trường chưa thoát khỏi khó khăn như hiện nay. Vì vậy, việc BIDV tài trợ tới 7.000 tỷ đồng cho The Visai, hay nhiều ngân hàng muốn cho FICO vay vốn cho thấy, các nhà băng tin tưởng vào hiệu quả của các dự án này.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản về nỗi lo dư cung của ngành xi măng, lãnh đạo một số doanh nghiệp cho biết, đó là vấn đề của toàn ngành, còn doanh nghiệp của mình vẫn có thể lo được đầu ra.

Tương tự, ngành xi măng, ngành thép cũng có sự phân hóa rõ nét giữa các doanh nghiệp. Trong khi các tên tuổi lớn như Tôn Hoa Sen, Tôn Phương Nam, Tôn Đông Á, Thép Hòa Phát, Pomina… có một năm “ăn nên làm ra”, thì nhiều doanh nghiệp khác lại lao đao, nhất là các nhà sản xuất phôi thép trong bối cảnh phôi thép giá rẻ từ Trung Quốc nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam.

Trước thực trạng giá phôi thép Trung Quốc chào bán thấp hơn giá sản xuất trong nước 600 - 700 đồng/kg, đại diện một số doanh nghiệp ngành thép đã nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.

Ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty Thép Việt, công ty mẹ của Thép Pomina cho biết, Pomina không sợ cạnh tranh, chỉ sợ cạnh tranh không lành mạnh từ các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.

Hiện số nhà máy sản xuất thép tại Việt Nam sử dụng công nghệ và thiết bị tiên tiến chiếm tỷ lệ rất nhỏ, khoảng 25%, trong khi các nhà máy sử dụng công nghệ, thiết bị Trung Quốc chiếm tới 55%. Do đó, câu chuyện “kẻ khóc người cười” của ngành thép nói riêng và ngành vật liệu xây dựng nói chung sẽ còn tiếp diễn.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Theo Trung Kiên
Báo Đầu tư Bất động sản

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/thuong-truong/doanh-nghiep-vat-lieu-xay-dung-se-phan-hoa-ro-net-143791.html