Doanh nghiệp viễn thông Việt chuẩn bị sang Ấn Độ tìm kiếm cơ hội

Cuối tháng 3 tới đây, Bộ TT&TT sẽ có chuyến thăm và làm việc tại Ấn Độ. Nhiều doanh nghiệp Viễn thông, CNTT Việt Nam sẽ tháp tùng để cùng tìm hiểu và khai thác các cơ hội kinh doanh và hợp tác tại thị trường viễn thông - CNTT tiềm năng nhất nhì thế giới hiện nay này.

Thông tin trên được Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chia sẻ trong buổi tiếp và làm việc với ông Parvathaneni Harish - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam tại trụ sở Bộ TT&TT hôm qua (20/2).

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn tiếp ông Parvathaneni Harish - Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam

Cũng tại buổi tiếp, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã giới thiệu với ngài Đại sứ Ấn Độ những nét khái quát về tình hình phát triển lĩnh vực Viễn thông - CNTT của Việt Nam. Về viễn thông, hạ tầng mạng lưới viễn thông của Việt Nam đã phát triển rộng khắp, thị trường viễn thông và Internet cạnh tranh mạnh. Ba nhà mạng di động lớn (Viettel, Vinaphone, Mobifone) đang phủ sóng 95% lãnh thổ Việt Nam. Bộ TT&TT Việt Nam đã cấp phép dịch vụ 4G cho Viettel, Vinaphone, Mobifone và Gmobile. Lĩnh vực CNTT đã trở thành ngành kinh tế quan trọng, có tốc độ phát triển hàng năm cao hơn các ngành kinh tế khác.Trong năm 2016, ngành CNTT đã đóng góp hơn 14,3% cho GDP quốc gia. Việt Nam cũng là điểm đến của nhiều công ty hàng đầu về CNTT trên thế giới như: Samsung, Microsoft, Intel…Việt Nam đang trong quá trình xây dựng các thành phố thông minh, đồng thời cùng chú trọng phát triển giao thông thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh.

Liên quan đến gói tín dụng 1 tỷ USD Chính phủ Ấn Độ công bố hỗ trợ các nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam, Lào, Campuchia tập trung vào các dự án kết nối số và kết nối cơ sở hạ tầng, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết Bộ TT&TT Việt Nam hoan nghênh đề án này và đề nghị hai bên cần tiếp tục trao đổi chi tiết để gói tín dụng này được sử dụng hiệu quả nhất. Về vấn đề này, Đại sứ Parvathaneni đề nghị Bộ TT&TT Việt Nam đề xuất các dự án liên quan đến kết nối số trong khuôn khổ gói tín dụng 1 tỷ USD để phía Ấn Độ xem xét đầu tư. Các dự án này có thể nằm trong tất cả các lĩnh vực, từ y tế, giáo dục đến cơ sở hạ tầng BCVT….

Đại sứ cũng chia sẻ, các doanh nghiệp khởi nghiệp về Viễn thông, CNTT của Ấn Độ chủ yếu tập trung phát triển ứng dụng phần mềm và hiện cũng đang tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác nước ngoài. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp hai nước cùng hợp tác kinh doanh. Chính phủ Ấn Độ cũng chia sẻ kế hoạch xây dựng cơ sở dữ liệu về người dân của mình, trong đó lấy dấu vân tay của 10 ngón tay của từng người dân, từ đó hỗ trợ người dân rất nhiều trong công việc hàng ngày của họ như: Lập tài khoản ngân hàng, lấy bằng lái xe, đăng ký tuyển dụng….

PV (Tổng hợp)

Nguồn XHTT: http://xahoithongtin.com.vn/thi-truong/201702/cac-doanh-nghiep-vien-thong-viet-nam-sap-sang-an-do-tim-kiem-co-hoi-hop-tac-557423/