Doanh nghiệp Việt gặp rủi ro vì thiếu kinh nghiệm

(HQ Online)- Ngày 6-10, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức Hội thảo - Tư vấn trực tiếp chủ đề "Phòng tránh rủi ro và giải quyết tranh chấp trong mua bán quốc tế".

Hàng hóa XNK qua cảng Cát Lái. Ảnh: Thu Hòa

Hội thảo được tổ chức nhằm giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nắm rõ hơn những rủi ro có thể xảy ra, những điều cần lưu ý khi ký và thực hiện các hợp đồng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, cũng như chọn giải pháp giải quyết các tranh chấp thương mại như thế nào để tránh hoặc giảm thiệt hại.

Theo ITPC, trong hoạt động xuất nhập khẩu gần đây, không ít doanh nghiệp Việt Nam gặp rủi ro khi bán hàng hoặc mua hàng của đối tác nước ngoài. Theo phản ánh từ các doanh nghiệp hội viên Hiệp hội Điều Việt Nam, kể từ đầu năm đến nay, một số nhà cung cấp điều ở châu Phi sau khi ký hợp đồng với các doanh nghiệp Việt Nam đã không thực hiện nghiêm chỉnh hợp đồng đã ký, chậm giao hàng, giao hàng kém chất lượng, hủy ngang. Theo đó, một số trường hợp hủy hợp đồng còn giữ tiền đặt cọc của người mua không trả. Trong một số trường hợp, hàng trong container bị mất nhưng khi về Việt Nam, doanh nghiệp mới phát hiện ra.

Trước đây, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, tiêu cũng đã phản ảnh với các tham tán thương mại về tình trạng đối tác mua hàng không thực hiện nghiêm chỉnh hợp đồng đã ký. Mới đây nhất, với mong muốn có đơn hàng, nhiều doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ đã vội vã trong việc xúc tiến làm ăn với các đối tác nước ngoài, dẫn đến nhiều sơ hở trong các điều khoản hợp đồng và chịu thiệt thòi khá lớn. Điển hình là trường hợp Công ty Gia Hân và Công ty Cửu Long ký hợp đồng sản xuất, cung cấp cho Công ty Global Home.

Các chuyên gia đánh giá, nhìn lại những vụ việc xảy ra trong mua bán quốc tế như trên và tiếp xúc với doanh nghiệp, có thể thấy nhiều doanh nghiệp không có khả năng hoặc kinh nghiệm xem xét kỹ lưỡng các điều khoản trong hợp đồng xuất nhập khẩu và lúng túng trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Minh Hằng, Trọng tài viên VIAC cho rằng trong thương mại quốc tế không cẩn thận sẽ dính trò lừa đảo. Bởi thực chất, ẩn đằng sau những tuyên bố về tự do hóa là những quy định bảo hộ ngày càng tinh vi hơn. Theo đó, nếu doanh nghiệp Việt Nam không nhận biết và vượt qua được những quy định này thì sẽ phải chịu rất nhiều thiệt thòi.

Bà Hằng cho biết, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam cho biết họ đang bị lừa, có thể do doanh nghiệp "ma", hoặc có thể do các doanh nghiệp có hành vi lừa đảo hoặc các hành vi không thiện chí khi thực hiện hợp đồng. Trong đó, các tranh chấp về chất lượng chiếm tỷ lệ rất lớn.

Theo bà Hằng, rủi ro nằm ở chính những quy định chung chung trong hợp đồng về chỉ tiêu phẩm chất, dẫn đến những cách hiểu khác nhau giữa các bên. Bà Hằng dẫn chứng trường hợp một doanh nghiệp thép tại Hải Phòng nhập khẩu thép nhưng trên hợp đồng ghi chỉ tiêu chất lượng là “thép loại 2”. Khi hàng về, doanh nghiệp này mới “tá hỏa” khi toàn bộ lô hàng đều là thép phế liệu, không sử dụng được. Nhưng sau đó doanh nghiệp này không có căn cứ gì để khiếu nại với đối tác ở nước ngoài.

Do đó, bà Hằng lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam cần có những quy định cụ thể về chỉ tiêu phẩm chất của hàng hóa. Đồng thời, khi ở vị trí người xuất khẩu, trong hợp đồng cần có quy định về việc kiểm tra phẩm chất có đại diện người nhập khẩu và kiểm tra phẩm chất ở cảng đi là quyết định. Điều này sẽ tránh được những rắc rối khi hàng đã xuất khẩu sang nước ngoài nhưng có tranh chấp về chất lượng.

Ngược lại, khi ở vị trí người nhập khẩu, doanh nghiệp cần yêu cầu người xuất khẩu cung cấp giấy chứng nhận phẩm chất trước khi giao hàng. Đồng thời, kiểm tra phẩm chất ở cảng đến là quyết định.

Bà Hằng dẫn chứng trường hợp một doanh nghiệp nhập khẩu 30 container gỗ bạch dương. Khi hải quan kiểm tra phát hiện hàng không đúng chủng loại, nhưng doanh nghiệp vẫn bốc dỡ hàng về kho, sau đó đơn phương chỉ định giám định. Trường hợp này, đơn vị giám định sẽ không chấp nhận do hàng không còn được giữ nguyên trạng. Do đó, kinh nghiệm rút ra là doanh nghiệp cần yêu cầu giám định ngay khi hàng còn ở nguyên trạng để có bằng chứng khiếu nại với bên đối tác.

Theo nhóm nghiên cứu về CISG (CISGVN ) thuộc Ủy ban Tư vấn về Chính sách Thương mại Quốc tế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, từ ngày 1-1-2017, Công ước của Liên hợp quốc về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (còn gọi là Công ước Viên hay CISG) sẽ có hiệu lực tại Việt Nam. Theo đó, Công ước Viên sẽ được áp dụng cho các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế giữa một bên là doanh nghiệp Việt Nam và một bên là doanh nghiệp có địa điểm kinh doanh tại một quốc gia thành viên khác. Hiện đã có 85 quốc gia thành viên CISG. Trong đó có hầu hết các bạn hàng lớn của Việt Nam như các quốc gia châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Canada…

Công ước Viên gồm 101 điều khoản, điều chỉnh các vấn đề pháp lý từ khi hình thành hợp đồng, quy định quyền và nghĩa vụ của người bán và người mua, chỉ rõ những biện pháp, chế tài mà một bên được áp dụng khi bên kia vi phạm hợp đồng cũng như các vấn đề về bồi thường thiệt hại, hủy hợp đồng, bất khả kháng, bảo quản hàng hóa.

Theo CISGVN, khi áp dụng Công ước Viên, doanh nghiệp cần lưu ý một số điểm về xác định phạm vi áp dụng, chấp nhận chào hàng có chứa đựng những điểm sửa đổi, bổ sung, thời hạn kiểm tra hàng hóa sau khi nhận hàng, tính dự đoán trước được của thiệt hại được bồi thường, vi phạm cơ bản và quyền hủy hợp đồng.

Các doanh nghiệp cũng nên có sự rà soát các hợp đồng xuất nhập khẩu của mình để đảm bảo phù hợp với Công ước và tận dụng tốt nhất các lợi ích từ Công ước. Nếu doanh nghiệp và đối tác không muốn áp dụng Công ước thì cần quy định cụ thể về vấn đề loại trừ Công ước trong hợp đồng. Trong trường hợp này, doanh nghiệp cần lưu ý lựa chọn một nguồn luật phù hợp khác để áp dụng cho hợp đồng.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/dn-viet-gap-rui-ro-do-thieu-kinh-nghiem-trong-hop-dong-ngoai-thuong.aspx