Doanh nghiệp xuất khẩu tôm vào Úc đối mặt nguy cơ phá sản

Lệnh tạm dừng nhập khẩu của Chính phủ Úc đã và đang gây ra thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm và các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Liên quan đến quyết định cấm nhập khẩu tôm trong vòng 6 tháng kể từ tháng 1/2017 vừa qua của Bộ Nông nghiệp Úc do dịch đóm trắng bùng phát ở Bang Queensland (Úc), ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam cho biết, lệnh cấm này đã gây ra thiệt hại cho ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam, trong đó lượng tôm chưa nấu chín xuất khẩu sang Úc vào khoảng 55 triệu AUD.

Thứ trưởng Khánh cho rằng, lệnh tạm dừng nhập khẩu tôm chưa qua nấu chín mà không có thời gian cảnh báo đủ để các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam biết và có các giải pháp nhằm tránh tổn thất lớn về kinh tế là việc làm mà theo chúng tôi là chưa thực sự phù hợp với thông lệ chung và với tinh thần gìn giữ, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác thương mại tốt đẹp giữa Việt Nam và Úc.

Cũng theo ông Khánh, lệnh tạm dừng nhập khẩu của Chính phủ Úc đã và đang gây ra thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm và các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam. Không ít doanh nghiệp chuyên xuất khẩu tôm vào thị trường Úc còn đối mặt với nguy cơ phá sản.

Các cơ quan chức năng của Úc vẫn đang tiếp tục điều tra nguyên nhân gây ra dịch bệnh đốm trắng, trong khi những người nuôi tôm nước này thì đổ lỗi cho tôm nhập khẩu từ các nước châu Á. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, tôm Việt Nam cần được tiếp tục xuất khẩu sang Úc trừ khi có bằng chứng về việc nhập khẩu từ nước ngoài là nguồn lây bệnh.

“Trong trường hợp Úc tiếp tục duy trì lệnh cấm, Việt Nam đề nghị Úc sớm đưa ra các bằng chứng khoa học đầy đủ cho thấy có mối liên hệ giữa tôm nhập khẩu từ Việt Nam và dịch bệnh đốm trắng tại Úc”, Thứ trưởng Khánh cho hay.

Dẫn ý kiến của một số doanh nghiệp cho rằng lệnh cấm nhập khẩu của Chính phủ Úc đã vượt mức cần thiết quy định của WTO, ông Khánh cho biết đang nghiên cứu quan điểm này của các doanh nghiệp.

Theo Thứ trưởng Khánh, Việt Nam luôn tôn trọng các quyết định bảo đảm an ninh và an toàn sinh học của Úc nhưng vẫn đề nghị Chính phủ Úc xem xét lại sự cần thiết của lệnh cấm này. Việc xem xét lại lệnh cấm không đồng nghĩa với việc Việt Nam bỏ qua sự an toàn của ngành nuôi tôm tại Úc mà cần tìm các biện pháp khác ít tác động tiêu cực tới thương mại hơn nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho ngành nuôi tôm của Úc và môi trường nước Úc.

Trên thực tế, hiện nay các sản phẩm tôm chưa nấu chín của Việt Nam được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới mà không bị bất kỳ quyết định đình chỉ nhập khẩu nào.

Thương vụ Việt Nam tại Australia dẫn ý kiến của Bộ Nông nghiệp Úc cho biết, việc đình chỉ này sẽ có tác động tới người tiêu dùng Úc và các nhà xuất khẩu quốc tế, trong đó có Việt Nam.

"Quyết định tạm đình chỉ thương mại không phải là quyết định được đưa ra một cách dễ dàng", người phát ngôn của Bộ Nông nghiệp Úc nói và cho rằng việc đình chỉ tuân thủ các quy định của các hiệp định WTO cho phép một thành viên tạm ngừng nhập khẩu trong một số trường hợp cụ thể.

"Quyết định đình chỉ nhập khẩu tôm sẽ không được thực hiện lâu hơn mức cần thiết để đảm bảo việc bảo vệ ngành công nghiệp tôm trong nước, đây vẫn là ưu tiên hàng đầu", Phát ngôn viên Bộ Nông nghiệp Úc nhấn mạnh.

Tâm An

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep-xuat-khau-tom-vao-uc-doi-mat-nguy-co-pha-san-2565369.html