Doanh nhân Nguyễn Văn Thành 'gieo khát vọng, gặt thành công'

Doanh nhân Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch HĐQT, Phó GĐ Công ty TNHH Long Hải. Ngày nay, thương hiệu thạch rau câu Long Hải là một hiện tượng điển hình trong cách nghĩ, cách làm của Hội DN Hải Dương.

Gặp anh, với dáng người mộc mạc, cách nói chuyện giản dị, từ tốn, khó có thể tin được rằng, đằng sau cái vẻ bề ngoài ấy là một doanh nhân đầy bản lĩnh, tự tin thậm chí trong công việc anh là người dám nghĩ, dám làm, dám mạo hiểm. Anh tâm sự, trước khi "bén duyên" với Thạch rau câu Long Hải - món ăn được trẻ em Việt yêu thích nhiều năm nay. Anh Thành từng công tác trong ngành xây dựng, tình cờ biết đến món “thạch rau câu” từ một chuyến du lịch Trung Quốc (tháng 3 năm 2000) cùng người bạn thân tên là Dũng - đang công tác ở ngành Điện.

Doanh nhân Nguyễn Văn Thành.

Chuyến đi đó ai ngờ lại là bước ngoặt trong cuộc đời Thành. Anh thấy sản phẩm thạch rau câu bán nhiều trong siêu thị ở Quảng Tây (Trung Quốc). Trong thạch rau câu có nhiều i-ốt, khoáng chất, nhiều vitamin, có sẵn trong rong biển, rau câu trẻ em rất thích ăn. Ý nghĩ nảy ra trong đầu anh.

Thành trao đổi với Dũng: “Sản phẩm này rất mới, bên mình hiện chưa có. Hay là hai anh em mình cộng tác làm một nhà máy sản xuất thạch rau câu”. Anh Dũng đồng tình, tâm đầu ý hợp và hai người bạn quyết tâm biến ý tưởng mạo hiểm ấy thành hiện thực với sản phẩm “made in Việt Nam”.

Toàn cảnh nhà máy thạch rau câu Long Hải

Khi về nước, với ý tưởng kinh doanh mới anh vấp phải nhiều sự tham gia phản đối của mọi người trong gia đình, bạn bè. “Nào là Thành đã công tác ở ngành xây dựng những 14 năm rồi, nào là bước sang nghề mới mà không biết chút gì về công nghệ, về thị trường thì quả là quá phiêu lưu”. Nhưng Thành thì nghĩ khác. Làm thạch rau câu là bước đi vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh mới như đi khai phá vùng đất mới mà chưa ai khai hoang. Đây là một cơ hội kinh doanh. Cơ hội đó có rất nhiều khó khăn. Chỉ có niềm tin mới chiến thắng. Ngay lập tức, anh xin thôi việc. 14 năm công tác trong biên chế lại quyết định xin thôi để đi làm nghề mới, hẳn là chuyện được mọi cho là “không bình thường”, cũng là chuyện táo bạo đối với riêng anh. Anh Dũng ủng hộ Thành, góp vốn với Thành để lập công ty.

Nhưng quả thực không có con đường nào đến với thành công lại không trải qua “chông gai”. Ban đầu, với số vốn góp được 500 triệu đồng, anh cùng Thiện sang Trung Quốc mua một dây chuyền và thiết bị sản xuất thạch rau câu. Đồng thời, anh dành 500m2 đất ở của gia đình ở số 10/1 Bùi Thị Xuân, thành phố Hải Dương để làm xưởng sản xuất. Công ty tuyển 18 người công nhân, đón chuyên gia bạn sang lắp đặt dây chuyền và hướng dẫn sản xuất. Thế là từ ý định nảy sinh đến khi công ty thành lập chỉ có mấy tháng trời. Ai cũng bảo mạo hiểm quá, cũng có đôi lời động viên rằng, đó là sự dám nghĩ, dám làm.

Và chỉ đến tháng 9/2001, lô hàng đầu tiên trình làng, từ công sức của gần 20 công nhân và ban giám đốc chỉ có hai người. “Tôi không đặt nặng về chuyện dư luận vào ra, chỉ tâm niệm mình đã quyết tâm từ bỏ và hy sinh nhiều thứ để lựa chọn con đường này thì phải đủ dũng cảm vượt qua mọi khó khăn để tới đích”. Khi đã có sản phẩm thơm ngon, bổ dưỡng, chất lượng nhưng bán như thế nào và làm sao để khách hàng biết đến, khi mà thị trường tràn ngập hàng nhập từ Trung Quốc? Đó là trăn trở của lãnh đạo công ty lúc bấy giờ.

Chuyện tìm hướng ra cho sản phẩm được anh Thành kể lại rất thú vị, không ít nụ cười nhưng cũng nhiều nước mắt. Hình ảnh một anh Phó Giám đốc rong ruổi khắp nơi chào hàng, tiếp thị sản phẩm, bị từ chối nhiều lần mà vẫn không nản chí, kể ra cũng là bài học đáng nhắc đến đối với những người trẻ khởi nghiệp. Anh kể: Những chiếc thạch rau câu dán nhãn Long Hải được đóng hộp các tông đã xuất xưởng. Nhiệm vụ của anh là đem sản phẩm đi chào. Nhưng đến cửa hàng nào, anh cũng chỉ nhận lại là những cái lắc đầu vì… quá mới.

Rồi “trong cái khó ló cái khôn”, anh Thành không cam lòng với sự thất bại ấy. Nhiều đêm thức trắng, anh nghĩ: “Chỉ có gửi hàng đi bán lẻ ở mọi nơi, bán xong sẽ đến lấy tiền sau. Mình phải làm như vậy bởi sản phẩm của mình còn mới họ chưa quen”. Và anh bắt tay vào thực hiện. Anh đưa sản phẩm đi ký gửi ở rất nhiều cửa hàng khắp các phố phường Hà Nội. Quả nhiên, chỉ sau 1 tháng, các sản phẩm của Long Hải hết veo. Anh đến thu tiền và gửi hàng mới với số lượng nhiều hơn. Cứ theo cách ấy, Nguyễn Văn Thành đi làm thị trường ở 36 tỉnh, thành phố.

Thạch rau câu mang thương hiệu Long Hải đã có mặt ở khắp nơi, các bé thiếu nhi rất yêu thích. Loại sản phẩm này thơm mát, bổ, chứa các sinh tố có tác dụng làm cho làn da mịn màng, bồi bổ thêm dinh dưỡng đã được khách hàng tín nhiệm. Và năm 2001 ấy, sản phẩm thạch rau câu Long Hải đạt 21 tấn, doanh thu 335 triệu đồng. Sản phẩm được tiêu thụ nhiều đến nỗi cấp thiết phải mở rộng quy mô và tăng cường sản xuất. Công ty bèn thuê đất để mở rộng sản xuất. UBND tỉnh Hải Dương ủng hộ cho Long Hải thuê 5.827m2, thời gian 25 năm để giúp công ty xây dựng nhà xưởng. Nhà xưởng mới được xây dựng với 17 dây chuyền, 1.300 công nhân sản xuất.

Đến nay, Thạch rau câu Long Hải đã trở thành một trong những sản phẩm dẫn đầu ở thị trường ngành hàng sản xuất thạch rau câu cùng hệ thống 150 nhà phân phối được trải rộng trên 63 tỉnh thành cả nước. Với vốn kinh doanh từ chỗ chỉ có 500 triệu đồng đến nay công ty đã có hàng trăm tỷ đồng.

Đại diện công ty trao quà từ thiện.

Không chỉ quan tâm đến mở rộng quy mô, tăng sản xuất, Phó Giám đốc Nguyễn Văn Thành còn vui vẻ dẫn chúng tôi đi xuống thăm nhà xưởng của công ty, xem công trình xử lý nước thải xây dựng theo đúng quy chuẩn trị giá hàng tỷ đồng. Ấn tượng ban đầu của tôi nhận thấy quy mô công ty rất quy củ, tác phong làm việc của CBCNV rất chuyên nghiệp, nhà xưởng chế biến sạch sẽ, thông thoáng. Các khâu sản xuất đều được kiểm tra nghiêm ngặt. Anh Thành khẳng khái trao đổi: “Qua 17 năm hình thành và phát triển, tiêu chí của công ty là tuân thủ pháp luật.

Chính vì thế, ngay từ những ngày đầu thành lập ban lãnh đạo công ty xác định chiến lược là phải tập trung đầu tư chiều sâu, không ngừng đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt luôn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong sản xuất, giảm thiểu các chất thải gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo nguồn nước trước khi xả thải ra ngoài môi trường phải đáp ứng được tiêu chuẩn cho phép”.

Có thể thấy rằng, có được thành quả như ngày hôm nay, doanh nhân Nguyễn Văn Thành đã đạt được thành công trên con đường kinh doanh của mình đã lựa chọn. Anh không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội, công ty còn tạo việc làm có thu nhập ổn định cho hàng nghìn cán bộ công nhân viên và bà con nông dân miền Trung nuôi trồng rong biển. Bên cạnh đó, hằng năm công ty còn tích cực tham gia công tác từ thiện thông qua các chương trình như “Trái tim cho em, Cùng em đến trường, Đồng hành thoát nghèo” góp phần giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Hải Dương và cả nước.

Thế Hiệp

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/doanh-nhan-nguyen-van-thanh-gieo-khat-vong-gat-thanh-cong-p51626.html